Cả nước náo nức đón chào ngày Đại lễ

ND - * Lễ tưởng niệm 710 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

Sáng 26-9, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt các đồng chí lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Tới dự có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; các đồng chí nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Quyết, Lê Xuân Tùng, Phạm Thế Duyệt; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng hơn 100 đại biểu là lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Phạm Quang Nghị đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp công sức, trí tuệ và trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Điểm lại những công việc trọng tâm của thành phố thời gian gần đây về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm, thực hiện Nghị quyết 15 của QH mở rộng địa giới hành chính, công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15, hướng tới Đại hội XI của Đảng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết: Trước bối cảnh Thủ đô mở rộng, diện tích và dân số tăng, công việc bộn bề, có khó khăn và thuận lợi, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, Hà Nội đã đề cao phương châm "hợp tác - đoàn kết - trách nhiệm", chung sức, chung lòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra, kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước. Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp của các đồng chí lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ trong công cuộc đổi mới, phát triển Thủ đô. Thay mặt lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, các đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết, Phùng Hữu Phú phát biểu ý kiến bày tỏ niềm phấn khởi trước những thành tựu của Thủ đô đạt được thời gian qua và xúc động chia sẻ những tình cảm tâm huyết và trách nhiệm với Hà Nội, mảnh đất đầy kỷ niệm và tình nghĩa với mỗi cán bộ từng công tác tại đây. Hà Nội là một trường học lớn, môi trường đào luyện cán bộ trưởng thành, những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian ở Hà Nội là vốn quý cho mỗi cán bộ trong quá trình công tác. Tự hào được sống và làm việc tại Hà Nội, thế hệ cán bộ đi trước luôn mong muốn Thủ đô ngày càng vững mạnh, đi đầu cả nước và chúc Hà Nội, với truyền thống ngàn năm văn hiến, tinh thần cách mạng tiến công, tổ chức thành công Đại lễ và Đại hội Đảng bộ thành phố, mở ra giai đoạn phát triển mới của Thủ đô yêu quý, văn minh, hiện đại, xứng đáng với tiên tổ và truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Ngày 26-9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng toàn bộ dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Đến dự, có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách. Cầu dài 5,8 km gồm cầu vượt sông, đường hai đầu cầu và các nút giao khác mức. Trong đó phần cầu vượt sông Hồng dài 3,7 km, mặt cắt ngang giai đoạn 1 là 19,25 m. Cầu có kết cấu bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực, phần cầu chính vượt sông có kết cấu dầm đúc hẫng gồm tám nhịp dài 990 m. Tháng 9-2009, sau khi hoàn thành thi công cầu chính, cầu đã được thông xe, đưa vào khai thác một phần dự án giai đoạn 1. Sau một năm tiếp tục thi công, đến nay, các gói thầu còn lại của dự án đã hoàn tất, nối thông cầu với quốc lộ 5 và các tuyến đường khu vực đầu cầu phía bắc. Phát biểu ý kiến tại buổi khánh thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương những nỗ lực của TP Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, điều hành; sự cố gắng của cán bộ, công nhân các doanh nghiệp và đồng bào Thủ đô trong việc khắc phục khó khăn, xây dựng thành công cây cầu có ý nghĩa quan trọng này. Đây là dự án giao thông lớn do TP Hà Nội đảm nhận và về đích đúng hẹn. Trong quá trình thi công, dự án được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, chủ đầu tư chỉ đạo quyết liệt, vượt qua nhiều khó khăn từ công tác giải phóng mặt bằng đến thu hút các nguồn vốn đầu tư, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai. Đây là sự kiện đánh dấu mốc trưởng thành, phát triển của ngành xây dựng cầu đường Việt Nam và của TP Hà Nội. Phó Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội và các đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả này trong việc triển khai dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cũng như thi công các cây cầu khác như Nhật Tân, Tứ Liên. Phó Thủ tướng tuyên bố khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Sáng 26-9, tại Sân bay Hòa Lạc - Ba Vì (Hà Nội), Bộ Quốc phòng (BQP) đã tổ chức tổng hợp luyện các đơn vị đại diện Quân đội, Công an và Tự vệ tham gia các khối diễu binh, diễu hành tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (QST.Ư), Bộ trưởng Quốc phòng đến dự và chỉ đạo. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các cơ quan BQP, Bộ Công an, các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, một số học viện, nhà trường và đơn vị. Đại tướng Phùng Quang Thanh thay mặt Đảng ủy QST.Ư và BQP nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao tinh thần khắc phục khó khăn về điều kiện sinh hoạt và thời tiết khí hậu, cán bộ, chiến sĩ đã tích cực học tập, rèn luyện; các bộ phận có sự hiệp đồng chặt chẽ, nhất là các khối diễu binh với lực lượng không quân bay; các khối giữ hàng ngang, hàng dọc tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ các khối cần tranh thủ thời gian tập luyện, hiệp đồng giữa các bộ phận chặt chẽ, tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xứng đáng là những cán bộ, chiến sĩ thay mặt toàn quân tham dự và góp phần vào thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tối 26-9, tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần (TP Nam Định, tỉnh Nam Định), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức Lễ tưởng niệm 710 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Tới dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ văn tại lễ kỷ niệm nêu bật những đóng góp to lớn của vương triều Trần trong tiến trình lịch sử dân tộc. Trải qua 175 năm (từ năm 1225-1400), đây là giai đoạn phát triển cao nhất của nền văn minh Đại Việt, quốc gia duy nhất của châu Á ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh. Gắn với sự phát triển rực rỡ của vương triều Trần là vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - người đã được dân gian suy tôn là vị Thánh của dân tộc với võ công hiển hách, tâm đức trong sáng. Sau lễ văn là chương trình nghệ thuật có tên gọi "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A" do hơn 600 nam nữ diễn viên các đoàn nghệ thuật T.Ư và địa phương biểu diễn... Với thời lượng 120 phút, đây là chương trình lớn mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tối 25-9 và sáng 26-9, UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ khai quang đại Phật tượng Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tới dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh T.Ư Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam; Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư GHPG Việt Nam cùng nhiều hòa thượng, thượng tọa, đại đức trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự T.Ư GHPG Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư, TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và hơn 10 nghìn tăng ni, phật tử trong cả nước. Công trình tu bổ tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh Chùa Phật Tích là một trong những công trình được Thủ tướng Chính phủ quyết định là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau gần bốn năm xây dựng, đến nay công trình đã hoàn thành, với số vốn gần 180 tỷ đồng (trong đó Nhà nước đầu tư 75 tỷ đồng). Đại Phật tượng Phật Tích được dựng trên nguyên mẫu pho tượng A Di Đà đặt trên núi Phật Tích được làm bằng đá Thanh Hóa, cao 27 m, nặng 3.000 tấn. Sáng 26-9, tại vườn sinh thái Đầm Bông (phố Trần Điền, khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai), Tập đoàn thương mại Hà Nội Khanh Anh Trang (KAT Group) tổ chức khai mạc triển lãm "Văn minh lúa nước sông Hồng với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đến dự có GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể T.Ư và Hà Nội. Triển lãm giới thiệu và trưng bày 1.000 cá thể rùa quý hiếm, 1.000 đồng tiền đã qua sử dụng, 1.000 vật dụng, nông cụ tư liệu sản xuất của nhà nông và 1.000 sản phẩm hiện có của KAT Group. Triển lãm nhằm mục đích tuyên truyền, giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa của nền văn minh lúa nước đến với nhân dân Thủ đô và các tỉnh lân cận, góp phần quảng bá giá trị và ý nghĩa việc bảo vệ động vật quý hiếm, nhất là các loại rùa có trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam. Triển lãm mở cửa đến ngày 15-10, cho khách vào tham quan tự do và có những hoạt động quyên góp từ thiện. Toàn bộ số tiền quyên góp sẽ dành ủng hộ Quỹ "Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Hà Nội" để xây dựng Trung tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định trưng dụng ba điểm đỗ xe để làm nơi quản lý, trông giữ phương tiện giao thông, phục vụ phân luồng giao thông, hạn chế các phương tiện giao thông từ vành đai 3 vào trung tâm thành phố từ ngày 28-9 đến ngày 11-10. Đó là các điểm đỗ xe trước Công viên Yên Sở (diện tích 3.000 m2), điểm đỗ xe Kim Ngưu (diện tích 4.000 m2), điểm đỗ xe Hải Bối (diện tích 3.000 m2). UBND thành phố giao Công ty cổ phần Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý, tổ chức trông giữ phương tiện giao thông tại các điểm đỗ xe nói trên trong thời gian trưng dụng. Các doanh nghiệp đang quản lý, khai thác các điểm đỗ xe có trách nhiệm bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội trước ngày 28-9. Chiều 26-9, Nhà hát Chèo Hà Nội (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) tổ chức công bố chương trình lễ hội Theo dấu người xưa. Chương trình do nhà hát phối hợp Công ty CP truyền thông Hà Lan thực hiện dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên. Chương trình diễn ra từ ngày 30-9 đến 2-10 gồm một chuỗi các sự kiện văn hóa tâm linh xây dựng theo tư liệu về cuộc "Thiên đô" và chương trình sân khấu hóa với gần 1.000 diễn viên và nghệ nhân tham gia. Lễ rước "Thiên đô" từ Ninh Bình về bến Chương Dương Độ (Hà Nội) gồm các hoạt động: dâng hương, biểu diễn nghệ thuật "Hành trình theo dấu người xưa", đua thuyền, trình diễn trò chơi dân gian. Trong ba ngày rước, đoàn sẽ biểu diễn phục vụ nhân dân tại ba điểm: Ngã ba mỏ neo (đền thờ Triệu Việt Vương, Ninh Bình), Bến đò Quan (Nam Định) và đền Ma Lương (Hưng Yên). Trước đó, chương trình "Đêm nghệ thuật huyền thoại" diễn ra tối 2-10 tại Khu di tích lịch sử đền Vua Đinh, Vua Lê (Ninh Bình) và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184357&sub=130&top=37