Cả nước hướng về Hà Nội

Kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016), nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước nghĩ về truyền thống văn hiến, sức vươn của Thủ đô và tình yêu của đồng bào dành cho Hà Nội.

Nhiều hoạt động nghệ thuật, văn hóa, thể thao diễn ra nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: nhipsongthudo.vn

62 năm qua, Hà Nội là Thủ đô Anh hùng bởi “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (đúng như tên gọi phóng sự nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không). Hà Nội đi đầu trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Kinh tế Hà Nội từ thu nhập bình quân chưa đến 100 USD/người/năm nay đã đạt 3.600 USD/người/năm. Hà Nội đi đầu xây dựng nông thôn mới 201/386 xã đạt chuẩn…

Từ ngày 1/8/2008, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, mang tầm vóc một đô thị lớn với 3.328,9km 2 , lớn hơn 3,6 lần trước khi mở rộng; dân số trên 7 triệu người. Hà Nội vừa mang nét văn hóa truyền thống của vùng đất Tràng An - Thăng Long, lại vừa pha trộn nét văn hóa Xứ Đoài của Hà Tây quê lụa. Bao nhiêu bài hát về Hà Nội là bấy nhiêu niềm tự hào về nét đẹp của Thăng Long kinh kỳ - Hà Nội thời mở cửa. Tiếng nói của người Hà Nội trở thành tiếng nói chuẩn của cả nước “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”.

Để Hà Nội luôn luôn xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước, mỗi người dân Hà Nội cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Một trong các tiêu chí cần phải sớm hoàn thiện đó là nét văn hóa thanh lịch, vừa đảm bảo nét đẹp truyền thống vừa thể hiện tính hiện đại của thời mở cửa - Thủ đô của thời kỳ hội nhập nhưng không hòa tan.

Năm 2014, ý tưởng xây dựng Bộ Quy tắc chuẩn về ứng xử của công dân Thủ đô đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đến nay, Bộ Quy tắc đó vẫn chưa được ban hành.

Vụ va chạm giữa nhà báo với công an khi cả hai cùng tác nghiệp trên địa bàn cầu Nhật Tân, Đông Anh đúng là cách ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại với truyền thống của người dân Thủ đô. Vụ 200 tấn cá chết ở Hồ Tây (lá phổi của Thủ đô) là hồi chuông cảnh báo về sự ô nhiễm môi trường sống. Đường ống dẫn nước sạch Sông Đà cấp cho Hà Nội đã vỡ đến lần thứ 20. Chưa ai dám chắc đây là lần cuối cùng và Hà Nội sẽ không còn tình cảnh thiếu nước sinh hoạt? Hà Nội hễ cứ mưa là ngập, là tắc đường. Bao giờ Hà Nội sẽ thông thoáng cả trong mưa?

Hà Nội đã động thổ dự án nhà máy nước thải Yên Xá (Thịnh Liệt, Thanh Trì) với tổng mức đầu tư 16.200 tỷ đồng, với mức khủng. Theo kế hoạch sẽ có thêm nhiều nhà máy xử lý nước thải công suất lớn để Hà Nội giảm ô nhiễm. Bên cạnh xử lý nước thải, Hà Nội sẽ trồng 1 triệu cây xanh, cải tạo các hồ điều hòa, công viên, làm sống lại các dòng sông… lấy lại bầu không khí trong lành đô thị.

Vào tiết Thu, ra khỏi các cửa ô, hầu như nơi nào cũng có tình trạng khói rơm rạ mịt mù. Đó là hình ảnh chẳng những ô nhiễm về không khí mà là sự lãng phí lớn về các phụ phẩm nông nghiệp mà chúng ta chưa có giải pháp tận thu.

Vào những ngày cuối tuần, quanh Bờ Hồ và một số khu phố cổ đã trở thành điểm hẹn của khách di lịch trong và người nước cũng như người dân Thủ đô muốn được tận hưởng sự thư thái, nét văn hóa Hà Nội lung linh về đêm…

Không riêng gì những sự kiện lớn trong năm, mà bình thường người dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài luôn hướng về Hà Nội. Cái đẹp, cái hay rất có cơ hội được nhân rộng và lan tỏa. Song cái xấu, cái sai lại càng không dễ dàng bị khuất lấp. Đó là lý do Hà Nội phải luôn luôn kịp thời ở mọi phương diện trong xây dựng và đấu tranh để trở thành Thủ đô xứng tầm.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/ca-nuoc-huong-ve-ha-noi_t114c68n110396