Cả nước có 240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cả nước có 240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại 15 tỉnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó, có 23 điểm thuộc khu vực đô thị chưa được xử lý.

Tại các điểm tồn lưu chất độc hóa học, đất bị nhiễm các loại hợp chất có hàm lượng các chất độc cao. Ảnh ĐH.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực chứa chất độc hóa học tồn lưu đã được buộc phải di dời khỏi khu dân cư hoặc áp dụng biện pháp xử lý chất độc như: Kho bom phường Quang Trung và Kho hóa chất CS (trên 50 tấn) phường Bùi Thị Xuân (Tp. Quy Nhơn, Bình Định).

Ở một số sân bay trước kia tàng trữ, vận chuyển chất độc hóa học/dioxin thì hàm lượng Dioxin trong đất có nơi lên đến 365.000ppt TEQ (tiêu chuẩn đất cần xử lý của Việt Nam).

Điển hình như sân bay Biên Hòa, các khu vực ô nhiễm rộng và nằm rải rác tại các vị trí phía Bắc và phía Tây Nam. Trong đó, khoảng 163.000m2 đất có hàm lượng dioxin cao trên 1.000 ppt TEQ.

Tại sân bay Đà Nẵng, hiện đã phát hiện 3 khu vực có hàm lượng Dioxin trong đất vượt quá 1.000 ppt TEQ. Các khu vực này nằm ở phía Bắc sân bay và có tổng diện tích lên đến 88.000 m2. Đây là khu vực rất cần được xử lý ô nhiễm triệt để vì chúng nằm trong thành phố Đà Nẵng và gần với các khu dân cư.

Các điểm ô nhiễm chất độc hóa học tồn lưu được phân làm hai loại chính là các khu vực đất bị nhiễm Dioxin do hậu quả chiến tranh (khu vực bị phun rải chất độc hóa học và các sân bay quân sự) và các kho thuốc bảo vệ thực vật.

Trong đó, riêng các điểm thuộc loại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các chất tồn lưu như Lindan vượt từ 37,4 đến 3.458 lần; DDT (dichloro diphenyl trichlorothane) vượt từ 1,3 đến 9.057,8 lần; Aldrin vượt 218,9 lần; DDD (diclorodiphenyl tricloroetan) vượt 98,4 lần... so với quy chuẩn Việt Nam.

Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng chỉ rõ, tại các điểm tồn lưu chất độc hóa học, đất bị nhiễm các loại hợp chất có hàm lượng các chất độc cao, thời gian tồn lưu trong môi trường lâu, khó phân hủy, khó xử lý hoặc cải tạo.

Đến nay, công tác xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, do điều kiện địa phương còn khó khăn về nguồn kinh phí khi lập dự án xử lý để xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và bố trí ngân sách đối ứng nên việc triển khai còn chậm.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ca-nuoc-co-240-diem-ton-luu-hoa-chat-bao-ve-thuc-vat.aspx