Cả nhà ẩu đả trên cánh đồng tỏi, kẻ thương tích, người vướng vòng lao lý

Cả bốn thành viên một nhà ẩu đả giữa cánh đồng tỏi. Hậu quả là người thương tích, người vướng lao lý.

Bị cáo Bái tại phiên tòa phúc thẩm.

Mẹ con cùng lĩnh án

Trước khi sự việc xảy ra, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bền (SN 1956) và bà Nguyễn Thị Đa (SN 1956, ngụ xóm Tơi, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) từ lâu đã sống bất hòa. Cô con gái Nguyễn Thị Bái (SN 1985) đứng về phía mẹ trong những cuộc cãi vã. Ngoài ra, mẹ con bà Đa cũng thường mâu thuẫn với chị chồng là bà Nguyễn Thị Mốc (SN 1948).

Đỉnh điểm mâu thuẫn “chị chồng, em dâu” diễn ra vào khoảng 8h sáng 9/5/2014. Lúc này bà Đa cùng con gái cả nhổ tỏi ở cánh đồng xóm Tơi. Trong lúc làm việc, bà Đa kể chuyện con gái út đang xây nhà bị mất trộm cốt pha. Cùng lúc đó, người chị chồng đang cấy tỏi ở ruộng kế bên nghe thấy và cho rằng em dâu ám chỉ mình lấy trộm vật liệu nhà cháu nên hai bên cãi nhau ỏm tỏi.

Nghe tin chị gái và vợ cãi nhau giữa đồng, ông Bền liền chạy ra. Vốn mâu thuẫn với vợ con nên khi nghe thế, ông liền chạy đến bênh chị, định đánh vợ nhưng may mắn được mọi người can ngăn.

Lúc đó, người vợ đứng cách chồng khoảng 1m bất ngờ dùng đòn gánh đánh vào đầu chồng gây thương tích. Ông chồng dù bị thương vẫn rượt đánh vợ nhưng không đuổi kịp.

Nhận được điện thoại của người nhà, chị Bái lái xe máy ra đồng hỗ trợ mẹ. Theo lời khai nhân chứng, chị này dựng xe đi xuống ruộng, tay cầm theo ống tuýp sắt dài 70cm đánh vào đầu cô ruột.

Theo kết quả giám định, ông Bền thương tích 5%, bà Mốc tổn hại sức khỏe 2%. Hai chị em đều yêu cầu xử lý những người gây thương tích cho mình “đúng người đúng tội”.

Tại bản án ngày 31/3/2015, TAND huyện Mê Linh đã tuyên phạt mẹ con bà Đa và Bái phạm tội “cố ý gây thương tích” với cùng mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bái kháng cáo kêu oan.

Ngày 28/7/2015, TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm nhận định: Quá trình điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Cụ thể: tòa triệu tập bà Đa với tư cách bị cáo trong khi bà đã chấp hành xong hình phạt.

Tại phiên tòa, bà Đa khai nhận hành vi gây thương tích cho chồng. Còn bị cáo Bái vẫn kêu oan. Bái khai, sau khi nhận được điện thoại của người nhà đã lái xe ra đồng và đeo túi đựng sổ sách, tiền bạc xuống đồng nơi mẹ đang đứng.

Vừa nhìn thấy bị cáo, ông Bền cầm gạch đuổi và ném, bị cáo chạy lên bãi tha ma. Khi công an xã đến nơi, ông Bền ra chỗ xe máy bị cáo lấy chiếc chân chống rời nộp cho công an. Bị cáo khẳng định khi xuống đồng không cầm theo chiếc chân chống và không gây thương tích cho người cô.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng lời khai của bị hại và người làm chứng có nhiều mâu thuẫn. Khi thực nghiệm điều tra, CQĐT đã không cho diễn tả lại hành vi, tình huống bị cáo Bái gây thương tích cho người cô thì không thể kết luận thương tích 2% mà sẽ nặng hơn nhiều. Luật sư cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận bị cáo Bái dùng ống tuýp sắt đánh vào đầu người cô.

Ngày 2/6/2016, TAND huyện Mê Linh mở lại phiên tòa sơ thẩm. Đại diện VKSND huyện Mê Linh giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị xét xử các bị cáo từ 6-9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng.

HĐXX nhận thấy, tại phiên tòa, bị cáo Đa thừa nhận hành vi phạm tội. Còn bị cáo Bái không thừa nhận đã gây ra thương tích cho bà Mốc nhưng đủ căn cứ kết luận phạm tội. Tuy nhiên khi lượng hình tòa xét thấy bà Đa và ông Bền có mâu thuẫn kéo dài nên khi nghe vợ chửi nhau với chị gái, ông Bền bênh chị định đánh vợ khiến bà Đa dùng đòn gánh đánh. Vì vậy ông Bền cũng có một phần lỗi.

Tương tự, bị cáo Bái dùng thanh sắt đánh vào đầu bác ruột nhưng thương tích chỉ 2%, bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu, đang nuôi con nhỏ nên chỉ cần tuyên phạt mức án tù nhưng cho hưởng án treo là phù hợp.

Mâu thuẫn dai dẳng

Vụ án tưởng chừng đã ngã ngũ trước vành móng ngựa nhưng mâu thuẫn nội bộ nhà ông Bền tiếp tục dai dẳng. Trong khi mẹ thừa nhận phạm tội, đã chấp hành xong bản án thì bị cáo Bái vẫn khẳng định không đánh bác ruột.

Đầu tháng 10/2016 vừa qua, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử hành vi “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Bái. Tại tòa, bị cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại: “Đây là vụ án oan sai, tôi không đánh ai cả. Nếu tôi đánh vào sọ não bà Mốc thì tại sao thương tích chỉ có 2%”, bị cáo nói.

Suốt phiên tòa, bị cáo Bái nhiều lần nói cướp lời chủ tọa biện hộ cho mình. Thuật lại sự việc, bị cáo cho biết ngay khi nhận được tin, bị cáo chạy xe máy đến vào xem đánh nhau chứ không có chuyện đánh người khác.

Vị chủ tọa công bố hai lời khai của nhân chứng khác khẳng định nhìn thấy bị cáo Bái cầm tuýp sắt. Tuy nhiên bị cáo phủ nhận, cho rằng các nhân chứng có mâu thuẫn với mình nên khai báo không đúng sự thật. Theo bị cáo, nhân chứng khách quan là một người hàng xóm nhưng không được triệu tập.

Trong lúc hỗn loạn, bị cáo cho rằng chính ông Bền là người ném gạch trúng chị gái gây thương tích. “Theo bị cáo, ông Bền và bà Mốc một phe. Vậy tại sao ông này lại ném gạch vào bà Mốc?”, HĐXX hỏi, bị cáo Bái không giải thích được nhưng cho rằng vì gia đình trước đây có tranh chấp với bố nên ông Bền muốn chị đi tù đã làm đơn tố cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng vụ án có nhiều lời khai mâu thuẫn giữa các nhân chứng. Cụ thể, thanh sắt gây án, bị cáo lấy ở xe nhưng công an sau đó không thu lại. Phiên tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng như triệu tập bà Đa với tư cách bị cáo trong khi bản án trước đó đã có hiệu lực, bà này đã chấp hành xong án phạt. Hay phiên tòa sơ thẩm chỉ có một người làm chứng, những người khác vắng mặt nhưng tòa vẫn xét xử.

Mặc dù bị cáo không nhận tội nhưng căn cứ vào tài liệu hồ sơ vụ án, người làm chứng, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích. Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên y án sơ thẩm.

Ngọc Lan

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phong-su-dieu-tra/vu-au-da-noi-da-xao-thit-tren-canh-dong-toi-299659.html