Cá ngừ đại dương khó 'bơi' sang Nhật

Hiện nay, việc thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” theo quyết định của Bộ NNPTNT được triển khai tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đang gặp rất nhiều khó khăn. Những vướng mắc này không chỉ đến từ phía ngư dân, ngành chức năng mà còn cả với doanh nghiệp thu mua.

Mới đây, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.

Khó khăn chồng khó khăn

Được sự hỗ trợ của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và Hội hữu nghị Nhật- Việt tại Sakai (Nhật Bản), UBND tỉnh Bình Định đã triển khai Dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương Bình Định” trong thời gian từ tháng 9.2015 đến tháng 4.2017.

Ngư dân đưa cá ngừ đại dương lên cân tại cảng Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Dũ Tuấn

Theo ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, hiện nay, tỉnh Bình Định đã tổ chức giao nhận, lắp đặt 25 bộ ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật trên 25 tàu cá của ngư dân tham gia dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án này gặp rất nhiều khó khăn như công nghệ Nhật chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất của ngư dân, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển chưa được triển khai khiến thời gian đánh bắt của ngư dân kéo dài (từ 20-23 ngày). “Do vậy, lượng cá đạt chuẩn thời gian để xuất khẩu đi Nhật không nhiều (cá dưới 9 ngày). Chi phí lưu kho từ Quy Nhơn đến chợ đấu giá quá cao vì không thuận lợi trong tuyến đường bay đến Nhật. Đặc biệt, số lượng cá xuất khẩu đi Nhật Bản còn hạn chế khiến thu nhập ngư dân tăng không đáng kể”- ông Hổ cho hay.

Theo ông Hổ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số ngư dân mới tiếp cận công nghệ chưa quen nên chất lượng cá chưa đạt. Bên cạnh đó, thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra khiến ngư dân chưa mặn mà.

Tại Phú Yên, sản lượng thủy sản do ngư dân khai thác trong 5 tháng đầu năm 2016, ước đạt 29,835 tấn. Giá cá ngừ đại dương ở mức từ 110.000-130.000 đồng/kg. Nhưng các tàu cá ngừ đại dương khai thác hiệu quả không cao, sản lượng khai thác trung bình từ 0,8 -1,6 tấn/ tàu/chuyến. Từ năm 2015, UBND tỉnh Phú Yên đã công bố “Chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ” và huy động nhiều doanh nghiệp tham gia cùng ngư dân. Tuy nhiên, với nhiều lý do về tài chính, năng lực nên có doanh nghiệp phải bỏ cuộc chơi giữa chừng, dừng thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Tri Phương- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên chia sẻ: “Thách thức lớn nhất trong việc khai thác cá ngừ là kích thước tàu thuyền nhỏ, máy móc chưa được chú trọng đầu tư. Tiêu thụ cá ngừ thường không ổn định về giá, chưa có tổ chức có tư cách pháp nhân để đại diện và bảo vệ quyền lợi ngư dân”.

Ông Lê Tấn Bản- Giám đốc Sở NNPTNT Khánh Hòa, cho rằng: “Bài toán nâng cao chất lượng có ngừ đối với Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm lời giải. Riêng Bình Định là tỉnh tiên phong đã bỏ sức, đầu tư rất nhiều và phối hợp với chuyên gia Nhật. Nhưng thực tế là 5 năm rồi đến giờ phút này vẫn chưa hoàn chỉnh”.

Bao giờ được tháo gỡ?

Dự kiến, kho lạnh tại đảo Đá Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) chậm nhất là tháng 6.2017 sẽ hoàn thành. Khi kho lạnh này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề chất lượng cho cá ngừ đại dương vì sẽ được bảo quản ngay sau khi đánh bắt. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cá ngừ trên thị trường quốc tế, tiếp tục hợp tác với Nhật Bản trong chuyển giao công nghệ mới về đánh bắt cá ngừ để triển khai rộng rãi”.
Ông Vũ Văn Tám

Theo bà Cao Thị Kim Lan- Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), đa số ngư dân tham gia dự án chưa chấp hành tốt, vẫn còn tình trạng bỏ bước khi thực hiện các công đoạn nên chất lượng cá chưa đạt theo yêu cầu. Mặt khác, hầm bảo quản cá trên tàu của ngư dân quá nhỏ làm ảnh hưởng đến chất lượng.

Theo ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, địa phương này luôn có những chính sách riêng để khuyến khích ngư dân đánh bắt cá ngừ đủ tiêu chuẩn để sang Nhật. Từ đầu năm, các chuyến biển đánh bắt của tàu cá tham gia dự án đều được cán bộ Việt Nam và cả chuyên gia Nhật Bản đi theo tàu ngư dân để hướng dẫn việc sử dụng thiết bị và áp dụng kỹ thuật ngư cụ Nhật. “Chúng tôi đã tổ chức hỗ trợ 50.000 đồng/kg cá đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản cho các chủ tàu tham gia dự án theo quyết định của UBND tỉnh Bình Định. Các tàu tham gia dự án, trong 4 tháng đầu năm 2016 đã đánh bắt được 2.477 con = 101.780kg. Nhưng số lượng cá có chất lượng cao đang được tăng lên và giá cá đấu giá tại Nhật khá cao và dao động từ 950-1.600 yên Nhật, tương đương 190.000-320.000 đồng”- ông Châu nói.

Để hỗ trợ ngư dân, ông Châu đề nghị: “Bộ NNPTNT cần hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức phương án vận chuyển cá vào bờ (dưới 9 ngày) để nâng cao chất lượng cá và tăng số lượng xuất khẩu sang Nhật. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở khu vực đảo Trường Sa để ngư dân có thể sử dụng dịch vụ tại đây”.

Theo ông Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ NNPTNT, thời gian qua, việc triển khai đề án tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên được thực hiện rất quyết liệt và sáng tạo, riêng tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Tuy nhiên, đến nay các mô hình liên kết chuỗi cá ngừ vẫn còn loay hoay, cần phải kiên trì hơn nữa để tránh tình trạng “hụt hơi”. Bên cạnh đó, nên nghiên cứu, làm rõ lợi ích của các mối liên kết trong chuỗi để chia sẻ rủi ro nếu có xảy ra thì mới mong chuỗi liên kết thành công.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/ca-ngu-dai-duong-kho-boi-sang-nhat-697525.html