Cà Mau: Sốt xuất huyết tăng đột biến

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, thời gian qua, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau đã quyết liệt triển khai những biện pháp phòng chống dịch kịp thời, đặc biệt là các huyện có dịch sốt xuất huyết tăng cao như Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, TP Cà Mau…

Hiện nay dịch sốt xuất huyết ở Cà Mau diễn biến theo mùa khá rõ nét, chủ yếu xuất hiện vào mùa mưa, nhất là đầu và cuối mùa mưa (giai đoạn từ tháng 5 đến cuối tháng 11 dương lịch). Ở những vùng không có mưa rõ rệt, dịch có thể bùng phát bất cứ tháng nào, miễn là có nhiệt độ thích hợp. Đặc biệt sau những cơn mưa đầu mùa, từ 14 đến 28 ngày đã có thể xuất hiện những bệnh nhân sốt xuất huyết đầu tiên và bệnh giảm dần vào thời điểm sau mùa mưa.

Chưa có dấu hiệu giảm

Theo ghi nhận của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay tỉnh đã có 1140 ca sốt xuất huyết, trong đó, huyện Trần Văn Thời là địa phương có tỉ lệ cao nhất với 461 ca mắc. Với thời tiết nắng ẫm như hiện tại thì con số này có thể tăng lên bất cứ lúc nào.

Điều trị ca sốt xuất huyết tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue, còn gọi là Dengue xuất huyết, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua muỗi Aedes aegypti; mà nguyên nhân chủ yếu là: “Do năm nay là năm chu kỳ của dịch bệnh, vấn đề hạn hán, biến đổi khí hậu… Ở những nơi nhà cửa ẩm thấp tối tăm, có nhiều dụng cụ và tập quán chứa nước ăn dự trữ trong nhà, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và phát triển, mà cơ bản nhất là các cơ sở y tế ở địa phương đi tiếp cận địa bàn còn hạn chế”.

“Bệnh sốt xuất huyết có nhiều trường hợp nhẹ, nhưng có thể có nặng, nguy kịch như thể sốc, thể não, thể xuất huyết phủ tạng ồ ạt, với tỷ lệ tử vong còn cao. Không ít trường hợp diễn biến nhẹ trong vài ngày đầu, nhưng đã chuyển biến nặng và nguy kịch thì không được phát hiện, hoặc có phát hiện nhưng bị xem thường, điều trị muộn, điều trị không đúng phát đồ, dẫn đến biến chứng cho nạn nhân. Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân nhận định.

Mặc dù ngành y tế tỉnh Cà Mau có nhiều biện pháp quản lý và khống chế dịch tốt bệnh so với các tỉnh khác nhưng một phần ý thức người dân phòng chống dịch chưa tốt nên dịch bệnh sốt xuất huyết liên tục tăng cao.

U XƠ TỬ CUNG Một trong những nguyên nhân gây KHÓ ĐẬU THAI, HIẾM MUỘN

Cụ ông 82 tuổi chia sẻ cách "chấm dứt" Đờm, Ho, Khó thở vì Hen suyễn

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm y tế dự phòng TP Cà Mau ghi nhận 132 ca sốt xuất huyết; tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tại bệnh viện đa khoa TP Cà Mau, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2016, bệnh viện có 10 ca thì thời điểm này, con số đã tăng thêm 70 ca nhập viện. Bác sĩ Trần Quang Sáng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp – bệnh viện đa khoa TP Cà Mau: “Bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở các xã vùng ven trên địa bàn TP Cà Mau như: Hòa Tân, Hòa Thành, Định Bình… Mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết trong những mùa dịch xảy ra rải rác với tỷ lệ nặng hiếm, riêng ở TP Cà Mau không có ca nặng là do phát hiện kịp thời, đưa vào viện đúng và điều trị đúng tiến độ”.

Quyết liệt phòng chống dịch

Ngay từ đầu năm Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, đã vào cuộc, triển khai các công tác phòng chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân nhấn mạnh: “Đầu năm chúng tôi đã họp ban chăm sóc sức khỏe nhân dân, họp ban phòng chống dịch của tỉnh và các huyện, TP triển khai trọng tâm đến các xã trọng điểm. Quan trọng nhất là phải tập huấn cho cán bộ y tế ở xã phường biết chuyên môn sâu của bệnh; cách giám sát dịch, phun hóa chất… và biết cách xử lý kịp thời các ổ dịch tại khu vực tại chỗ”.

Bà con kiểm tra lu khạp ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi.

Là địa phương có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao, huyện Đầm Dơi cũng đang tích cực trong công tác phòng chống dịch. Với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Ông Phạm Công Danh, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt cho hay: “Sau khi nghe thông tin trên báo đài về dịch bệnh sốt xuất huyết và được tuyên truyền từ trạm y tế xã về cách phòng bệnh; gia đình, tôi đã chủ động thả cá bảy màu, diệt lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà… ”

Bác sĩ Phạm Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Cà Mau cho biết, hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ tích cực chống sốc, hỗ trợ khi suy hô hấp… Người lớn và trẻ em đều có khả năng mắc bệnh ngang nhau, người lớn khi mắc đều là sốt huyết nặng, mức độ nguy hiểm rất cao, có thể xuất huyết ở não, xuất huyết ở phổi, xuất huyết ở nội tạng… khi biến chứng nặng thì tỉ lệ tử vong rất cao và lây lan sang người khác, chính vì vậy phòng bệnh là vấn đề cơ bản nhất.

Tại Khoa hồi sức tích cực chống độc nhi – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, trong vòng 2 tháng nay đã ghi nhận 30 ca sốt xuất huyết, chủ yếu là biến chứng nặng, suy đa cơ quan, suy hô hấp…; đa số trẻ mắc bệnh thường từ 5 đến 15 tuổi. Bác sĩ Trần Thiên Lý, trưởng khoa cho rằng, phát hiện sớm để theo dõi điều trị, hạn chế bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng muộn là cách để giảm chi phí, thời gian điều trị cho bệnh nhân.

“Giống như những bệnh truyền nhiễm khác, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết thì phải vệ sinh nơi ở thông thoáng, tránh muỗi, diệt lăng quăng. Để phòng ngừa muỗi đốt thì buổi tối phải dùng thuốc chống muỗi, khi ngủ phải mắc màng. Khi trẻ mắc bệnh, đặc biệt là sốt cao liên tục từ 2 đến 3 ngày, không có dấu hiệu giảm thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để khám; khi trẻ được khám và chuẩn đoán là sốt xuất huyết thì phải tái khám đúng theo hướng dẫn của Bác sĩ, nếu trẻ có triệu chứng sốt kéo dài, đau bụng vật vã, li bì… thì phải cho trẻ nhập viện ngay. Bác sĩ Lý cho biết thêm.

Minh Tín

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ca-mau-sot-xuat-huyet-tang-dot-bien-n134903.html