Cà Mau: Học sinh bịt khẩu trang ngồi học bên KCN ô nhiễm

Mùi hôi thối nồng nặc, nguồn nước đen ngòm, ruồi, muỗi xuất hiện ngày càng nhiều đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân quanh Khu công nghiệp (KCN) Hòa Trung ở Cà Mau.

5 năm sống chung với ô nhiễm

Chỉ tay về các dãy nhà đồ sộ trong KCN Hòa Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), ông Võ Văn Hồng (65 tuổi), ấp Hòa Trung, xã Hòa Thành, TP.Cà Mau, than vãn: “Hết cách rồi đành sống chung với ô nhiễm hơn 5 năm qua, chứ giờ không lẽ tôi bán đất, dời nhà đi nơi khác. Tôi già rồi ráng chịu, chỉ tội cho con cháu”.

Ông Lê Văn Năm chỉ tay về nguồn nước đèn ngòm từ vuông tôm xả ra do ô nhiễm môi trường KCN Hòa Trung tác động. Ảnh: HOÀNG HẠNH

Nhà ông Hồng và các hộ dân nằm cách KCN Hòa Trung một con sông lớn, nhưng họ vẫn không thể chịu được mùi xú uế phát ra từ các nhà máy chế biến vỏ, đầu tôm ở phía đối diện. “Khu vực này có hai trường học, đôi lúc nhìn thấy các cháu, để giảm bớt mùi hôi phải bịt khẩu trang ngồi học, mà xót lòng. Mấy năm nay dân chúng tôi kêu than dữ lắm, nhưng không được ngành chức năng quan tâm xử lý triệt để” - bà Võ Thị Oanh bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không khí và nguồn nước bắt đầu ô nhiễm ngày càng nặng khi các nhà máy, công ty phơi vỏ đầu tôm tràn lan ra đường (dọc theo con đường liên huyện).

Tương tự, người dân sống phía bên kia con sông Gành Hào thuộc xã Lương Thế Trân, sát với các nhà máy cũng cam chịu vậy. Ông Lê Văn Năm cho biết: Ô nhiễm không khí đã đến mức có thể đánh giá bằng cảm quan. Vào buổi sáng sương mù kéo qua thì hôi thối đến cay mũi. Khi thủy triều rút cạn thì màu đen chiếm hai phần con sông Gành Hào.

Sẽ xử lý triệt để

Trước tình tình trạng ô nhiễm khiến người dân lao đao, ông Nguyễn Minh Ái - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau nói, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đang cố gắng ràng buộc chủ các nhà máy, công ty thực hiện đúng quy trình.

KCN Hòa Trung có tổng diện tích 352ha. Ngành nghề thu hút đầu tư bao gồm: Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, chế phẩm sinh học, thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản và công nghiệp phụ trợ sản xuất, chế biến; công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng khác; kho bãi, dịch vụ…

Theo ông Ái, do tỉnh chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nên các cơ sở bắt buộc phải tự xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường mới được phép hoạt động. “Chúng tôi thừa nhận không khí quanh khu vực này đang bị ô nhiễm. Đúng ra các nhà máy, công ty phải có một quy trình xử lý khép kín để khử mùi hôi thối, không để thoát ra môi trường, nhưng họ không làm được việc này vì không có tiền đầu tư các dây chuyền hiện đại” - ông Ái giải thích.

Người đứng đầu Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau thừa nhận việc các cơ sở gây ô nhiễm chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về môi trường, nhưng đã đi vào hoạt động là sai, nhưng lý giải rằng nếu không cho phép hoạt động thì tỉnh không thu hút được… đầu tư.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau Trịnh Văn Lên cho biết: “Chúng tôi đang trình UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở kinh doanh trong KCN phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, đúng theo quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong trường hợp các doanh nghiệp không thực hiện, Sở sẽ đưa vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, buộc di dời”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, báo cáo về UBND tỉnh nhằm tìm giải pháp khắc phục. Cũng theo ông Bi, việc này không chỉ mới xảy ra trong năm nay, tuy nhiên do KCN Hòa Trung chưa được bố trí cơ sở hạ tầng đúng nghĩa, không có hệ thống xử lý nước thải triệt để, vấn đề này sẽ được chấn chỉnh trong thời gian tới.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ca-mau-ngat-tho-ben-khu-cong-nghiep-o-nhiem-704144.html