Cà Mau bỏ hơn 600 triệu in ra 1.500 cuốn sách gây tranh cãi

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Cà Mau đã chi hơn 600 triệu đồng để in 1.500 quyển sách 'Cà Mau- sức trẻ tuổi hai mươi'. Sách vừa phát hành, đã gặp phản ứng dữ dội từ cánh báo chí và người dân Cà Mau, vì… sai sót từ địa danh đến hình ảnh, câu chữ…

Bìa quyển sách gây tranh cãi

Bìa quyển sách gây tranh cãi

Quyển sách này do phía tỉnh Cà Mau hợp đồng với liên danh IFE- EXPO: Trung tâm Giáo dục đào tạo- Tổ chức sự kiện & Hội chợ quốc tế (IFE) cùng Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế (EXPO) thực hiện nội dung.

Theo đó, chủ biên quyển sách là thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn (trước là Giám đốc Công ty Hội chợ Triển lãm Cần Thơ), và hầu như không có nhà báo, nhà văn nào đang làm việc hoặc am hiểu về Cà Mau tham gia biên soạn. Những người tham gia thực hiện nội dung đều từ nơi khác đến.

Nhóm thực hiện quyển sách

“Ngay từ đầu, phía tỉnh không cho các cơ quan báo ở Cà Mau tham gia, mà giao cho đơn vị khác. Sau này, những người làm nội dung có rủ cộng tác, nhưng tất cả anh em báo Cà Mau đều từ chối”, 1 nhà báo ở Cà Mau cho biết. Và ngay sau khi quyển sách hoàn thành, dư luận Cà Mau đã phản ứng dữ dội vì cuốn sách quá nhiều sai sót.

1.500 quyển sách này mất hơn 600 triệu đồng

Như 1 bức ảnh chụp cảnh rừng đước Cà Mau, nhưng lại chú thích là… rừng tràm. “Người biên tập có hỏi tui, cánh rừng này ở đâu? Tui trả lời trên đường về Đất Mũi, gần Rạch Gốc. Và tự dưng họ biên tập lại ghi thành… cây tràm”, anh M., tác giả bức ảnh này, người ở An Giang, cho biết.

Đước bị "hô biến" thành tràm

Còn trang giới thiệu về điểm du lịch nổi tiếng của Cà Mau, lại ghi tít là: “Khu du lịch Hòn Bá Bạc”. Chính vì vậy, có người dân Cà Mau mỉa mai: “Chắc họ định chú thích là Hòn Bá… Đạo, mà ghi nhầm”. Và trong diễn giải, sách này ghi: “… ngày 7.12.1971, quân và dân xã Khánh Bình Tây đã bức rút một Trung đội pháo binh với cụm pháo 105 ly đặt trên Hòn của địch”. Không ai hiểu “bức rút” nghĩa là gì!

Cà Mau có hòn Bá Bạc?

Còn trang giới thiệu về khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ thuộc H.Trần Văn Thời và H.U Minh, nhóm thực hiện sách lại lấy bức ảnh chụp rừng trồng mới (Vườn Quốc gia không có rừng trồng mới) ở xã Khánh Thuận, H.U Minh để minh họa!

Lấy ảnh chụp ở rừng trồng mới ở H.U Minh để giới thiệu Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Còn trang giới thiệu các điểm du lịch thì chụp ngôi chợ như bị bỏ hoang, các bãi cỏ như bãi tha ma, không một bóng người lai vãng… Rất kinh khủng cho quyển sách nói về “sức trẻ” và thành tựu 20 năm của Cà Mau!

Giới thiệu để du khách đến ngôi chợ bị bỏ hoang?

Giới thiệu điểm du lịch "rùng rợn" ở Cà Mau?

Đầm Dơi đã nuôi tôm hết, còn đâu sặc rằn mà làm khô cá bổi?

Còn H.Đầm Dơi, đã chuyển dịch sang nuôi tôm 17 năm nay, tức chỉ chuyên tôm, nhưng sách vẫn giới thiệu là vùng chuyên về sản xuất khô cá sặc rằn! “Những người này chỉ cưỡi ngựa xem hoa, không biết gì về Cà Mau mà làm sách về nơi này!”, 1 người Cà Mau bức xúc.

Cầu Mới (cũ), nay là cầu Cà Mau, nhưng bị các nhà làm sách gán cho tên cầu Gành Hào cũ. Còn cầu Gành Hào thực ra nằm ở chỗ khác!

Và trong quyển sách, rất nhiều lỗi chính tả, sai sót chú thích ảnh tác giả hoặc không ghi tên tác giả, sai địa danh… khiến nhiều người bức xúc. “Đúng ra, tỉnh phải bắt đơn vị thực hiện bồi thường”, nhà báo Võ Đắc Danh, người Cà Mau, hiện đang sinh sống tại TP.HCM, nói vậy trên Facebook về những sai sót này.

Thanh Ngọc

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/van-hoc-nghe-thuat-c-129/ca-mau-bo-hon-600-trieu-in-ra-1500-cuon-sach-gay-tranh-cai-53623.html