Cả làng 'dè chừng' người nhà có ba con trai đột tử

Khó có lời diễn tả hết nỗi đau trong gia đình khốn khổ này. Nghèo khó, bệnh tật, yểu mệnh, điên loạn, cô đơn,… Tất cả những nỗi bất hạnh đó đều chất chứa trong gia đình này. Và những dấu hiệu tang thương vẫn rõ mồn một trong những tấm ảnh cưới bọc kín ở ngôi nhà tồi tàn.

Ngôi nhà tồi tàn của gia đình ông Tý.

Vừa bước chân đến đầu làng, PV đã nghe tiếng hô hoán của ông Trần Văn Tý (70 tuổi, ngụ thôn Hải Lục, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhờ mọi người chặn đường bà vợ gầy gò đang bỏ chạy phía trước. Chỉ đến khi mấy trai làng khỏe mạnh nhanh chân đuổi kịp bà lão, cụ ông mới đưa được vợ mình về nhà.

Phát điên sau 3 lần làm tang cho con

Vừa thở dốc, ông Tý vừa bộc bạch: “Khổ lắm, cứ sơ sẩy một cái là bà ấy chạy đi phá hoại hàng xóm. Hôm thì bắt trộm con gà, con vịt, mới đây thì lấy trộm điện thoại của người ta. Tôi và mọi người tìm mãi không được, hôm sau mới biết bà ấy chôn điện thoại dưới đất ở ngoài vườn. Thật khổ hết nói”.

Cũng chính vì vậy mà hơn hai năm trở lại đây, ông Tý phải muối mặt đi thông báo với hàng xóm rằng: “Nếu thấy vợ tôi sang thì đuổi về”. “Cũng tủi nhục lắm… Nhưng giờ tôi không biết làm thế nào khác. Bà ấy tuổi đã cao, lại bị thần kinh, một mình tôi phải lo biết bao là việc, nên sơ hở là bà ấy lại chạy lung tung. Tôi nhiều tuổi rồi, yếu sức nhiều khi đuổi không kịp”, ông Tý nghẹn ngào tâm sự về người vợ - bà Trần Thị Nguyệt, năm nay cũng 70 tuổi.

Theo chia sẻ của ông Tý, vợ ông phát bệnh từ năm 2011, sau cái chết của người con trai thứ 2. Ông bà sinh được 6 người con (5 trai, 1 gái) nhưng đã 3 người con trai qua đời. Tất cả đều do đột tử. Người con trai đầu lấy vợ xong phải vào miền Nam lập nghiệp vì cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn. Khi kinh tế dần ổn định thì anh đột ngột “ra đi” năm 2001.

“Năm đó, khi đang ngủ, nó đột nhiên bị khó thở. Vợ con mãi sau mới phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Lần ấy, để đưa được thi thể con về quê, vợ chồng tôi phải vay mượn 30 triệu đồng”, ông Tý đau buồn kể. Người con dâu cả sau cái chết đột ngột của chồng đã đưa hai con về quê ngoại nương nhờ, rồi tiếp tục vào Nam làm thuê cho đến nay.

Bảy năm sau, ông bà lại lần thứ hai phải đưa tang con. Cái chết của người con trai thứ ba cũng vội vã khó hiểu. Thời điểm đó, anh này mới cưới vợ và lập nghiệp trong quê vợ ở Gia Lai. Khi đứa con đầu lòng mới hơn 1 tuổi, anh cũng đột ngột qua đời trong sự bàng hoàng của người thân.

Ông Tý bật khóc khi nói về những người con yểu mệnh.

Ông Tý đau đớn kể lại: “Nó mới kêu đau đầu hơn một tháng thì ra đi. Lần đó, dù vợ chồng tôi và vợ nó đưa đi nhiều bệnh viện từ Nam ra Bắc để chữa trị nhưng không có kết quả. Sau một tháng chữa trị vô vọng, nó ra đi trong giấc ngủ, không kịp trăn trối với vợ con lời nào. Vợ chồng nó còn nghèo nên tôi cũng phải vay mượn tiền để đưa con về quê mai táng”.

Bi kịch nối tiếp dường như nhanh hơn. Chưa đầy 3 năm sau, vợ chồng ông Tý lại tiếp tục phải gánh chịu nỗi đau “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng” khi người con trai thứ hai cũng đột tử. Nhắc lại những người con xấu số, gương mặt già nua của ông Tý như càng nhăn nhúm thêm vì đau đớn. Ông kể về người con trai thứ hai: “Nó là đứa chịu nhiều bất hạnh từ nhỏ. Vì không có việc làm ổn định nên đứng tuổi mới tìm được vợ. Ai ngờ cũng yểu mệnh như anh với em nó”.

Theo ông Tý, người con dâu thứ hai quyết định vay tiền đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan khi con gái mới hơn 1 tuổi. Con trai ông ở quê vừa chăm con nhỏ, vừa lo lắng đồng ruộng và làm thuê kiếm tiền mưu sinh. Khi số tiền vay ngân hàng vừa trả xong thì anh này cũng đột ngột qua đời vào ngày 28 Tết năm 2011.

“Nó ra đi trong căn nhà lạnh lẽo khi vợ con không ở bên cạnh. Buồn hơn khi vợ nó cũng không về nước để nhìn mặt chồng lần cuối”, ông Tý thở dài. Ông tâm sự, đến nay đã 14 năm đi xuất khẩu lao động, con dâu ông vẫn chưa một lần về thăm con gái. Ông lão rơm rớm nước mắt nói: “Tôi nghe người ta nói, nó đã có chồng ở bên ấy rồi”.

Nỗi đau vẫn chưa dừng lại ở ngôi nhà khốn khổ. Vợ ông sau hết lần này đến lần khác đưa tang con đã phát bệnh tâm thần. Khi lần thứ ba phải chứng kiến con trai qua đời, bà cụ đột nhiên không nói không rằng suốt nhiều ngày liền, sau đó phát điên.

Ông Tý vội đưa vợ đi viện thì được bác sỹ thông báo vì suy nghĩ nhiều nên bà Nguyệt bị loạn thần. Không có tiền chữa trị, lại không có người túc trực ở viện nên ông đành đưa vợ về nhà tự điều trị.

Bà Nguyệt phát bệnh tâm thần sau cái chết của 3 người con.

Bất hạnh chồng chất

Chỉ tay vào những bức ảnh cưới của những người con đã được bọc lại cẩn thận, ông Tý nói: “Mỗi khi nhìn lên ảnh cưới cười tươi rói của chúng nó là tôi không tài nào cầm được nước mắt. Vậy nên, tôi quyết định dùng bao bì bọc ảnh cưới các con lại, khi nào nhớ mới mở ra ngắm nghía một lát, rồi gói lại để như cũ”.

Ông cho biết, gần đây người con dâu thứ ba tên Hằng lại phát bệnh lạ ở cuống họng, phải gửi con sang nhà hàng xóm để đi chữa bệnh. Thương con, thương cháu nhưng ông đành bất lực, vì ở nhà còn người vợ bệnh tật và người con trai thứ 4 bị tật nguyền. Chưa kể, ông còn “đau đầu” vì người con út sinh năm 1985 vẫn chưa lấy được vợ chỉ vì nhà có 3 người anh đều đột tử khi tuổi đời còn trẻ. “Tôi nghe người ta kháo nhau rằng, không nên lấy con trai nhà ông Tý vì sẽ đột tử như những người anh. Cách đây vài năm, nó đem lòng yêu cô gái cùng làng, nhưng được một thời gian thì bị gia đình bên đó ngăn cấm cũng vì lo sợ”, ông Tý đỏ hoe mắt kể.

“Tôi chỉ ao ước trước khi nhắm mắt xuôi tay sẽ sửa lại ngôi nhà làm nơi hương khói cho tổ tiên và các con và ước ao thằng út lấy được vợ. Chứ nhìn nó lủi thủi một mình như vậy, tôi không yên lòng”.

Chia sẻ về gia đình ông Tý, ông Võ Quốc Văn, trưởng thôn Hải Lục, cho biết, gia đình ông Tý vốn nghèo. Những năm gần đây, tai họa thường xuyên ập tới cướp đi 3 người con trai. Vợ ông từ đó lâm bệnh nặng. Cuộc sống ngày càng đi vào ngõ cụt. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Tý vẫn phải gồng mình chăm sóc, thuốc thang cho vợ con. Người làng cũng thương lắm nhưng không giúp đỡ được nhiều vì cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. “Còn về vấn đề nhiều người e ngại không dám qua lại với nhà ông Tý, chúng tôi đang tuyên truyền để nhân dân không suy nghĩ mê tín như vậy”, trưởng thôn Văn nói.

Thảo Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/noi-dau-kho-dien-ta-cua-nha-co-ba-con-trai-dot-tu-284303.html