Cả làng biến mất trong lở đất

Ngọn núi đã bị suy yếu kể từ sau trận động đất khủng khiếp năm 2008 khiến những trận mưa vừa phải cũng có thể gây lở đất

Hơn 120 người có thể đã bị chôn vùi trong một trận lở đất nghiêm trọng ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, vào lúc 6 giờ ngày 24-6 (giờ địa phương).

Sống sót may mắn

Nhân Dân nhật báo cho hay hơn 40 ngôi nhà bị phá hủy ở làng Tân Ma, thị trấn Điệp Khê, huyện Mậu sau khi một bên sườn của ngọn núi nằm ở châu tự trị dân tộc Tạng - Khương A Bá gần đó đổ sập xuống.

Gần 800 nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm dân làng Tân Ma bị chôn vùi dưới đất đá Ảnh: TÂN HOA XÃ

Gần 800 nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm dân làng Tân Ma bị chôn vùi dưới đất đá Ảnh: TÂN HOA XÃ

"Khi tôi tới Tân Ma khoảng 6 giờ sáng, cả làng chỉ còn một ngôi nhà. Mọi thứ khác đều bị chôn vùi dưới đá và bùn" - ông Li Yuanjun, một quan chức địa phương, kể với tờ Tứ Xuyên nhật báo. Giới chức Tứ Xuyên cho biết vụ sạt lở từ ngọn núi cao 3.000 m tạo ra đống đất đá dài 3 km, dày 50 m.

Lở đất cũng làm tắc nghẽn một đoạn sông dài 2 km và chôn vùi 1,6 km đường, theo Tân Hoa Xã. Ông Wang Yongbo, quan chức cứu hộ địa phương, ước tính với đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng khoảng 18 triệu mét khối đất đá trượt xuống từ ngọn núi.

Đến cuối ngày 24-6, có tới gần 800 nhân viên cứu hộ và nhiều máy móc tìm kiếm các nạn nhân bị kẹt bên dưới đất đá. Cảnh sát đã cấm đi lại trên một số tuyến đường trong huyện Mậu đến ngày 5-7 để tạo điều kiện cho lực lượng cấp cứu di chuyển. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo lực lượng cứu hộ phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu thương vong.

Tính tới nay, đã có 5 thi thể được đưa ra. Báo chí địa phương đưa tin một cặp vợ chồng và đứa con mới hơn 1 tháng tuổi đã may mắn thoát nạn. Theo CCTV, ông Qiao Dashuai kể mình nghe thấy một âm thanh lớn và gió thổi vào nhà: "Tôi chạy ra ngoài và thấy nước đang tràn tới. Một tảng đá rơi trúng phòng khách nhà tôi. Chúng tôi ôm con, bò từ từ ra ngoài".

Cả 3 sau đó được đưa tới bệnh viện và sức khỏe đã ổn định. "Chúng tôi chỉ bị vài vết thương bên ngoài. Nhưng tim tôi rất đau vì làng mình bị nhấn chìm" - ông Qiao chia sẻ.

Nguyên nhân phức tạp

Theo báo The New York Times (Mỹ), một số cư dân mắc kẹt đã dùng điện thoại di động cầu cứu. Ông Wang Yongbo cho các đài truyền hình Trung Quốc hay: "Một phụ nữ hét lên từ bên dưới. Các binh sĩ nghe thấy và hỏi han bà ấy. Bà ấy chỉ có thể dùng đá gõ thành tiếng để trả lời".

Cảnh sát trưởng khu vực, ông Chen Tiebo, không loại trừ khả năng có du khách mất tích bởi ngôi làng cách không xa tuyến đường chính nối Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên, với nhiều thắng cảnh như cổ trấn Tùng Phan và Vườn quốc gia Cửu Trại Câu. Ngay trong làng cũng có nhiều nhà nghỉ. Hơn nữa, theo CCTV, nhiều sinh viên về nhà nghỉ hè nên nhiều khả năng số người trong làng vào lúc xảy ra thảm họa đông hơn bình thường.

Cảnh sát địa phương nghi ngờ lở đất là do mưa lớn nhiều ngày qua trong khi khu vực này thiếu vắng cây cối. Tuy nhiên, nhiều người dân gần đó lại bảo mưa không quá lớn. CCTV dẫn lời ông Tian Yanshan, quan chức của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, đánh giá nguyên nhân thảm họa khá phức tạp và có thể là sự kết hợp giữa mưa và nền đá thiếu ổn định.

"Với vụ lở đất này, chúng tôi cho là cả ngọn núi đã bị suy yếu kể từ sau trận động đất ngày 12-5-2008. Từ đó, những trận mưa gần đây đã gây ra lở đất" - ông Tian giải thích.

Vùng núi Tứ Xuyên đã chứng kiến nhiều trận lở đất gây ra do lũ lụt và động đất. Năm 1933, khoảng 6.800 người thiệt mạng do động đất và thêm 2.500 người bị chết do lở đất làm vỡ một đập nước. Kinh hoàng hơn cả là trận động đất mạnh 8 độ richter ở huyện Văn Xuyên vào năm 2008 kể trên, với hơn 87.000 người thiệt mạng. Huyện Mậu nằm ngay cạnh Văn Xuyên.

Dự kiến mưa tiếp tục rơi trong những ngày tới, gây khó khăn cho cứu hộ. Theo báo chí địa phương, làng Tân Ma vẫn mất điện. Trong khi đó, nhiều tỉnh khác của Trung Quốc như Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy... cũng ban hành cảnh báo lở đất do lũ lụt nghiêm trọng.

Chiều 24-6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi điện thăm hỏi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện thăm hỏi Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

MỸ NHUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ca-lang-bien-mat-trong-lo-dat-20170624221431892.htm