Cá kho để qua đêm chuyển màu đỏ, vì sao?

Ngày 26-5, các cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra, lập biên bản, lấy mẫu cá bạc má có màu đỏ hồng để xét nghiệm, xác minh làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, sáng 24-5, chị Phan Thị P. (ở tổ dân phố 3, thị trấn Nghi Xuân) có mua 2kg cá bạc má ở khu vực chợ Giang Đình, thị trấn Nghi Xuân. Sau đó, đưa về nhà để lại 7 con cá và số còn lại đưa cho ông bà ngoại ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. Đến chiều tối cùng ngày, chị P. đưa cá vào nồi nấu. Khi nấu chín, chị P. và chồng đã ăn hết 4 con, còn lại 3 con để trong nồi (không bảo quản trong tủ lạnh). Đến sáng 25-5, bất ngờ phát hiện cả 3 con cá này đã chuyển sang màu hồng đỏ.

Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh lấy mẫu cá bạc má gửi ra Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để xét nghiệm

Theo một cán bộ Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnht: Sở dĩ thực phẩm chuyển sang màu đỏ bất thường là do bảo quản không đúng cách tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, trong đó có vi khuẩn Serratia marcescens. Đây là chủng vi khuẩn có sắc tố màu đỏ đặc trưng, rất dễ chẩn đoán và phát hiện trong phòng xét nghiệm; vi khuẩn có màu đỏ khiến thực phẩm biến thành màu đỏ... Tuy nhiên, để đảm bảo tính xác thực, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đã gửi mẫu cá bạc má chuyển màu đỏ ra Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để xét nghiệm.

Trước đó, tại một hộ dân ở phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh sau khi mua thịt heo ở chợ về ăn, số thịt sau còn lại không ăn hết để qua đêm tự nhiên chuyển sang màu đỏ hồng, sự việc gây hoang mang dự luận. Sau khi, Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh lấy mẫu gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia và kết quả kiểm nghiệm cho thấy thực phẩm có nhiễm vi khuẩn Serratia marcescens…

Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo: Để bảo đảm an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, mọi người chú ý cần phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên khử trùng bề mặt khu vực chế biến thực phẩm, tủ lạnh, bàn ăn... bằng dung dịch cloramin B, thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi chế biến xong, bảo quản thực phẩm theo đúng quy định, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm bị ôi thiu, có biểu hiện mùi, vị lạ bất thường...

Vi khuẩn Serratia marcescens thường có trong đất, nước, thực vật và động vật… xâm nhập vào thức ăn từ môi trường không khí, nước, đất, người bệnh… Chúng có thể gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, đường ruột, nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm trùng tiết niệu... nhưng ít có khả năng gây dịch.

DƯƠNG QUANG - HỒ TUẤN DŨNG

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/ca-kho-de-qua-dem-chuyen-mau-do-vi-sao-446977.html