Cả Iran lẫn Mỹ lục đục nội bộ, thỏa thuận hạt nhân sẽ đổ vỡ?

Iran thất vọng bởi việc thực hiện các thỏa thuận về chương trình hạt nhân, thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran đang bị đe dọa, Phó giáo sư khoa Chính trị thế giới thuộc Đại học Moscow - Aleksey Fenenko cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti.

Thỏa thuận hạt nhân giữa P5+1 và Iran có nguy cơ tan vỡ

"Thỏa thuận này làm cho nước Mỹ vô cùng bất mãn. Một số người nói rằng, Iran đã được phép quá nhiều, còn số khác thì cho rằng, Iran được phép quá ít. Iran đã được gỡ bỏ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, còn các biện pháp trừng phạt của quốc gia còn lại – dựa trên sự xem xét của các nước có liên quan.. Tuy nhiên đối với chính Iran, thỏa thuận cũng gây nên sự bất mãn, bị giới hạn quyền làm giàu uranium, mà trong khi đó tại sao lại không được gỡ bỏ lệnh trừng phạt một cách thực sự. Do đó, tình hình liên quan đến thỏa thuận này là không ổn định", ông Fenenko nói.

Theo chuyên gia, một đạo luật dự định sẽ do Barack Obama ký, mà không vi phạm các thỏa thuận đã đạt được giữa nhóm P5+1 và Iran. "Đạo luật này vi phạm tinh thần của thỏa thuận, nhưng Mỹ có toàn quyền duy trì các biện pháp trừng phạt quốc gia một cách chính thức", ông Fenenko cho biết.

Ông nói thêm rằng, Iran đang "rất thất vọng" về hiệp ước này và bắt đầu xem xét về sự hợp lý trong việc tuân thủ của mình và có nguy cơ thỏa thuận sẽ có thể bị phá vỡ.

"Một mặt, điều này (số phận của thỏa thuận) sẽ phụ thuộc vào các chính sách do ông Donald Trump dẫn dắt, mặt khác, sẽ phụ thuộc vào những gì mà nhìn chung Iran cảm thấy cần thiết đối với bản thân khi tuân thủ thỏa thuận để cho thỏa thuận này không trở thành đơn phương", ông Fenenko cho biết.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo rằng, đất nước ông sẽ ngừng thực hiện thỏa thuận hạt nhân, nếu Mỹ gia hạn lệnh trừng phạt. Tuyên bố của ông Zarif đưa ra giữa lúc Tổng thống Barack Obama dự định ký kết một đạo luật về việc gia hạn thêm 10 năm lệnh trừng phạt chống lại Iran, đạo luật này đã được cả hai viện của Quốc hội Mỹ thông qua.

Dự luật về các biện pháp trừng phạt đã được thông qua vào năm 1996 và nhằm chống lại ngành công nghiệp năng lượng của Iran với mục đích ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Thời hạn hiệu lực của đạo luật này đến tháng 12/2016. Bất chấp thỏa thuận với Iran, Quốc hội và Tổng thống Mỹ muốn duy trì đạo luật này, để có thể quay trở lại các lệnh trừng phạt, nếu Mỹ cho rằng, Iran đang vi phạm thỏa thuận.

Ngày 14/7/2015 Iran và nhóm P5+1 (Gồm Mỹ, Nga, Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về việc giải quyết vấn đề nguyên tử của Iran kéo dài nhiều năm. Một kế hoạch hành động toàn diện chung đã được thông qua, theo đó sẽ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran từ phía Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu. Kế hoạch này có hiệu lực từ ngày 16/1. Vào cuối tháng 2, đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng, Iran vẫn đang tuân thủ những trách nhiệm của mình trong khuôn khổ thỏa thuận với "6 cường quốc".

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thoa-thuan-hat-voi-iran-co-nguy-co-do-vo-post215382.info