Cả EU đang nhìn vào Đức

Người Đức được kêu gọi đi bỏ phiếu cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24-9, trong đó đương kim Thủ tướng Angela Merkel nắm chắc khả năng tiếp tục nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.

Người Đức được kêu gọi đi bỏ phiếu cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24-9, trong đó đương kim Thủ tướng Angela Merkel nắm chắc khả năng tiếp tục nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.

Vào 8 giờ ngày 24-9 (13 giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu thuộc 299 khu vực bầu cử trên toàn nước Đức đồng loạt mở cửa, đón các cử tri đi bầu Quốc hội khóa 2017-2021.

Theo AFP, hơn 60 triệu cử tri Đức đủ tư cách tham gia cuộc bỏ phiếu này, trong đó có 3 triệu cử tri lần đầu được quyền bầu cử. Dự kiến chỉ có khoảng 70% cử tri Đức sẽ đi bỏ phiếu, trong một cuộc bầu cử được dự báo không có nhiều bất ngờ. Tổng cộng có 48 đảng phái chính trị tham gia chạy đua giành 630 ghế tại Quốc hội nhiệm kỳ 2017-2021.

Ứng viên Martin Schulz và vợ bỏ phiếu ở Wuerselen, Đức. Ảnh: Reuters

Ứng viên Martin Schulz và vợ bỏ phiếu ở Wuerselen, Đức. Ảnh: Reuters

Cơ hội cho bà Merkel

Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel được cho sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Kết quả thăm dò dư luận trước thời điểm bỏ phiếu cho thấy, liên đảng CDU và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) vẫn chiếm ưu thế lớn với hơn 36% cử tri ủng hộ, bỏ xa tỷ lệ 22,5% của đối thủ chính là đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Trong nhiều tháng qua, vị nữ lãnh đạo được mệnh danh là “Thủ tướng vĩnh cửu” vẫn là ứng viên được yêu thích hơn rất nhiều so với đối thủ số 1 Martin Schulz. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel đang đối mặt với “bước đột phá” tại Quốc hội của những người theo chủ nghĩa dân túy cứng đầu lần đầu tiên trong lịch sử hậu chiến ở Đức. Trên thực tế, cuộc bầu cử có thể đánh dấu mốc quan trọng cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Giống như những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở các nơi khác, AfD chống lại người di cư, Hồi giáo và các đảng phái chính thống. Đảng này giành được 11-13% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2013 và có thể trở thành đảng mạnh thứ 3 ở Đức, động thái có thể khiến 1 triệu người nhập cư và người tị nạn, nhiều người đến từ Syria, Iraq và Afghanistan, nổi giận.

“Bằng cách giành được ghế ở Quốc hội, “lực lượng chính trị chống đối ngoại quốc, chống lại EU” này (AfD) sẽ tăng cường quyền lực trên nền chính trị Đức”, một chuyên gia nhận định. Sau chiến dịch tranh cử “ác liệt”, trong đó AfD yêu cầu chấm dứt tội lỗi của Đức đối với 2 cuộc chiến tranh thế giới, giới chuyên gia cảnh báo rằng, “dân chủ Đức đang phải đối mặt với thử thách căng thẳng lớn nhất từ trước tới nay”.

Định hình tương lai EU

Đây là cuộc bầu cử được đánh giá quan trọng hàng đầu ở Châu Âu trong năm 2017, góp phần định hình tương lai Liên minh Châu Âu (EU).

Đối với nhiều người ở phương Tây, chiến thắng lần thứ 4 cho bà Merkel sẽ đến như một sự cứu giúp cho thế giới đầy biến động, với hy vọng bà có thể tạo sự cân đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin và hướng đến thực hiện những cải cách EU mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra. Đức hiện là đầu tàu của EU và cùng với Pháp sẽ góp phần củng cố EU trước nguy cơ tan rã do vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit) cũng như cuộc khủng hoảng nợ công, và mối quan hệ trục trặc với đối tác xuyên Đại Tây Dương là Mỹ.

Ngay trong nội bộ nước Đức cũng vậy. Trước thềm bầu cử liên bang Đức, các thành viên thuộc tổ chức “Nhỏ hơn 5” xuống đường vận động người dân đi bỏ phiếu để giữ số lượng nghị sĩ đại diện cho cử tri của AfD ở mức thấp. Sự kiện Brexit và bầu cử Mỹ giống như những hồi chuông cảnh tỉnh khiến thanh niên Đức thấy rõ cần phải chiến đấu cho chính tương lai của họ, trước tiên, bằng việc tham gia bầu cử.

Trên trang mạng facebook, tổ chức này liệt kê 10 lý do để không lựa chọn AfD, cáo buộc một loạt mối nguy hại mà đảng này có thể gây ra, trong đó có việc thông qua các chính sách hoài nghi biến đổi khí hậu giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump, nguy cơ EU tan rã.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_172645_ca-eu-dang-nhin-vao-duc.aspx