Cá chết trắng hồ Tây: Trời không làm chuyện đó

Để cho hồ Tây ''chết'' thì đó là lỗi của ai? cá nhân, tổ chức nào? Tôi nhắc lại, đừng có đổ cho ông trời, bởi trời không có làm chuyện đó."

Hiện tượng cá chết tại hồ Tây bắt đầu từ sáng 2/10, đến nay đã vượt con số 75 tấn. Trong những ngày đầu, số cá chết chủ yếu là cá chép và cá rô phi loại nhỏ, dần dần kích cỡ cá chết ngày một tăng lên. Thậm chí có những con có trọng lượng 5 - 7kg cũng vẫn chết.

Ngày 3/10 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra. Nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.

Cá chết trắng quanh hồ Tây. (Ảnh LAD)

Trao đổi với Đất Việt về hiện tượng cá chết tại hồ Tây, TS. Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, hiện nay Hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ khá mạnh, thậm chí là quá giới hạn cho phép.

Ông Tề phân tích, Hồ Tây nó có hàng nghìn đời nay, hàng nghìn năm nay, nó tự làm sạch được nhưng vì con người đã xả quá nhiều nước thải ô nhiễm xuống hồ, ví dụ như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp.

Nước sinh hoạt của người dân xung quanh đấy không đáng ngại, nhưng nước thải sinh hoạt của những khu nhà cao tầng, các khu ăn uống, du thuyền, nhà nổi, chảy thẳng ra hồ cũng đủ khiến hồ bị ô nhiễm quá mức cho phép. Với số lượng nước thải khổng lồ, hồ sẽ không tự làm sạch được nữa.

Những chất ô nhiễm này là chất hữu cơ. Khi các chất thải hữu cơ có nhiều trong hồ, nó sẽ tự động hút oxy để phân hủy, dẫn đến tình trạng thiếu oxy và khiến cho cá ở hồ Tây bị chết.

Trên thực tế lượng oxy phân tích được chỉ còn có 1,5 mg/lít (rất thấp).

Ngoài ra, một khi đã thiếu oxy, nó còn kèm theo phân hủy ra các chất độc, thí dụ như NH3, NO2. NH3 là amoniac, NO2 là nitorit. Những tác nhân này cũng góp phần khiến cá ở hồ Tây bị chết hàng loạt trong mấy ngày gần đây.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Vị chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cá chết có thể là do thiếu oxy nhưng tại sao lại thiếu oxy thì phải nhìn vào thực tế đó là lượng chất thải ô nhiễm xả ra hồ quá lớn.

''Chất ô nhiễm là ai đưa vào, là con người đưa vào. Ai là người quản lý, đó là trách nhiệm của những người quản lý để cho nước thải đổ vào hồ quá lớn. Đừng đổ thừa cho thời tiết, không khí.

Hồ Tây có cả nghìn đời nay rồi, người dân sống quanh đó bao đời nay nhưng môi trường không có vấn đề gì nghiêm trọng. Bây giờ chúng ta để cho hồ Tây ''chết'' thì đó là lỗi của ai? cá nhân, tổ chức nào? Tôi nhắc lại, đừng có đổ cho ông trời, bởi trời không có làm chuyện đó." TS. Tề nhấn mạnh.

Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây, TS. Bùi Quang Tề cho rằng, trước tiên phải ngăn chặn các nguồn nước thải đưa vào hồ. Đây là nhiệm vụ số một, không làm được điều này thì đừng làm những việc khác.

Việc tiếp theo cần làm là phải vớt tất cả cá chết ở dưới hồ lên. Bởi lẽ, số cá này sẽ là tác nhân khiến cho hồ Tây bị ô nhiễm nặng hơn.

Thứ ba là giải pháp tình thế, cứu được đoạn nào hay đoạn ấy, đó là dùng máy sục khí, quạt nước để tạo thành vùng có lượng oxy cao hơn những chỗ khác. Từ đó, cá sẽ tập trung quanh khu vực này, những con nào còn sống thì được cứu.

''Tôi cho rằng Hà Nội không đủ sức để làm sạch được hồ Tây. Bởi lẽ, hồ Tây rộng đến hơn 500 héc ta. Nói vui rằng, nếu chi phí làm sạch nước là 500 USD/m2 giống như ở Formosa thì ở hồ Tây với diện tích 500 ha thì Hà Nội có đủ tiền không? Tôi tin chắc Hà Nội không đủ sức để làm chuyện đó.

Với tư cách là nhà khoa học tôi xin phép nói thẳng như vậy. Hồ Tây là lá phổi xanh của Hà Nội, đóng một vai trò rất lớn trong đời sống của người dân thủ đô. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về thực trạng ô nhiễm môi trường của hồ Tây và đưa ra những giải pháp kịp thời nhất, quyết liệt nhất để ngăn chặn điều này.'' vị chuyên gia thẳng thắn.

Trao đổi với báo chí, chiều 2/10, Bí thư Quận ủy Tây Hồ, ông Nguyễn Văn Thắng, cho biết Sở TN-MT Hà Nội và các đơn vị có liên quan đã lấy 4 mẫu nước tại hồ Tây để kiểm tra hiện tượng cá chết hàng loạt.

''Kết quả test nhanh của cơ quan chức năng cho thấy nước tại hồ Tây bị thiếu ô xy. Hiện tượng thiếu ô xy trong nước có thể là do thời tiết chuyển mùa. Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân cụ thể, chúng tôi vẫn cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ''- ông Thắng nói.

Hoàng Lan

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ca-chet-trang-ho-tay-troi-khong-lam-chuyen-do-3320057/