Cá bống xứng đáng được ngợi ca

Theo Đông y, cá bống vị ngọt mặn, tính bình, vào tỳ vị, can thận. Có tác dụng kiện tỳ ích khí, hòa vị, bổ can thận, cường kiện cân cốt, hành huyết mạch, tiêu tích trệ, lợi thủy, an thai.

Cá bống quen thuộc với người dân Việt Nam từ thời có truyện cổ tích. Cô Tấm trong “Tấm Cám” đã từng hát “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta. Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người’. Thậm chí, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn viết ca khúc: “Bống nhảy lên bờ, bống đi chơi phố. Nắng vàng ủng hộ cho bống căn nhà” để tặng ca sĩ Hồng Nhung. Thế nhưng, giá trị lãng mạn của cá bống hoàn toàn thua xa giá trị dinh dưỡng và giá trị y học của cá bống!

Cá bống hoa có tên khoa học là Acanthogobius flavimanus , tên tiếng Anh là Spotted goby, được xếp vào loại thủy sản có giá trị kinh tế cao ở nước ta, thường chế biến tươi, làm khô, chả cá.

Cá bống là tên gọi chung cho nhiều loài cá (cá bống trắng, cá bống đen...). Ở miền Nam là cá bống tượng, thuộc giống cá bống đen, trọng lượng có thể đến vài kg, thịt dày, ngon, khi chế biến có màu trắng như thịt gà, có độ dai và vị ngọt. Vùng Quảng Ngãi rất nổi tiếng với đặc sản cá bống sông Trà!

Cá bống là thực phẩm quý và có tác dụng chữa bệnh. Cá bống giàu protein, ít chất béo, có các vitamin B2, D, E, PP và chất khoáng Ca, P, Fe, S, Fe, P, Ca. Theo Đông y, cá bống vị ngọt mặn, tính bình, vào tỳ vị, can thận. Có tác dụng kiện tỳ ích khí, hòa vị, bổ can thận, cường kiện cân cốt, hành huyết mạch, tiêu tích trệ, lợi thủy, an thai. Cá bống được dùng cho những trường hợp cơ thể suy kiệt, yếu mỏi tay chân, ho suyễn, tiêu hóa kém.

Mặt khác, lượng collagen rất phong phú trong cá bóng có tác dụng tăng cường sức khỏe và làm đẹp. Cá bống được xem là thực phẩm lý tưởng cho làn da của các phái nữ, làm giảm các vấn đề như tóc khô rụng, da khô, gàu...

Cháo cá bống: cá bống mú, gạo ngon, đậu xanh, hành hoa, giá đậu, rau mùi gừng hành gia vị vừa đủ nấu cháo ăn. Công dụng: kiện tỳ hóa thấp, bổ khí huyết... Thích hợp cho trẻ em tỳ hư ăn kém, người già mệt mỏi do thiếu đạm, chứng ngoại cảm, nội thương, mệt mỏi ăn kém.

Canh cá bống rau hẹ: Cho cá bống, rau hẹ, thị lợn thái miếng nhỏ đem nấu thành canh, trước khi nấu viên cá thịt và rau hẹ thật nhỏ rồi vo viên thả vào canh. Tác dụng của món ăn là chữa ho, tức ngực do đàm huyết ứ, sợ lạnh sợ gió và di mộng tinh.

Cá bống nấu lá lốt: Nấu canh cá bống như bình thường, thả rau lốt và gừng cùng gia vị vào sau. Món này chữa chứng phong thấp, đau nhức xương khớp, trị đổ mồ hôi chân tay, bụng đầy, tiêu chảy.

Canh cá bống hoa lý: cá bống, hoa lý, hành, gừng gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ tâm tỳ, dưỡng khí huyết, an thần... Trị chứng ăn ngủ kém, đau lưng tiểu đêm, sinh lý yếu.

Cá bống cuốn mỡ chài: cá bống tượng, thịt heo xay, mộc nhĩ, mỡ chài, tỏi, hành, tiêu gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ tỳ thận, dưỡng khí huyết... Trị tỳ phế hư ăn kém ho khan, mệt mỏi, đàm thấp đau tức ngực sườn, người gầy khó lên cân.

Cá bống kho dứa: cá bống, dứa, củ cải, hành củ, ớt, đường, tiêu, dầu ăn gia vị vừa đủ kho ăn. Công dụng: kiện tỳ vị, tiêu trệ, thanh thấp nhiệt... Trị bụng đầy khó tiêu, ho thở đàm nhiều, ngực sườn đầy tức, chứng liên quan hư nhược, đàm thấp trệ.

QUỲNH CHÂU

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ca-bong-xung-dang-duoc-ngoi-ca-post179273.html