Cá biển dần trở lại các chợ miền Trung

Ngư dân miền Trung đã thở phào với thông tin nước biển miền Trung đã sạch, hệ sinh thái biển đang sống lại. Tuy nhiên, điều mong chờ vô cùng quan trọng liên quan đến cần câu cơm của ngư dân là 'Ăn cá biển miền Trung được chưa?' thì họ vẫn phải đợi vì cần có độ trễ nhất định.

Nhịp sống ở các cửa biển miền Trung. Ảnh: H.Phương

Nhịp sống ở các cửa biển miền Trung. Ảnh: H.Phương

Hệ sinh thái biển miền Trung đang sống lại

Tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế) tổ chức hôm 22/8 tại Quảng Trị, đại diện cho nhóm chuyên gia, GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết những thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã đạt quy chuẩn đối với các vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Nhưng, một số khu vực có dòng chảy cục bộ như Sơn Dương, phía Đông biển Nhật Lệ, hòn Sơn Chà, khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn nên cần tiếp tục theo dõi, giám sát.

Cũng theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, hàm lượng các chất ô nhiễm đang có xu hướng giảm theo thời gian; hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản bắt đầu có sự hồi phục tích cực. Về chất lượng hải sản đánh bắt, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian.

Tại Hội nghị ngày 22/8 do Bộ TNMT và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phối hợp tổ chức, trả lời câu hỏi “Ăn cá được chưa?”, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong thời gian qua, Cục đã tiến hành lấy mẫu thủy hải sản ở khu vực miền Trung để xét nghiệm, xác định mức độ an toàn cho phép. Kết quả cho thấy các mẫu có tỉ lệ vượt ngưỡng về kim loại nặng đã giảm đi nhiều.

Ông Phong cho rằng cần có thêm các đánh giá để có thể khẳng định chính xác mức độ an toàn của thủy hải sản (miền Trung) đối với sức khỏe con người. Chất lượng an toàn của hải sản miền Trung có tăng nhưng chưa đủ cơ sở để đánh giá chính xác nguy cơ. Còn ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, từ ngày 28/4 đến 9/8, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN&PTNT lấy mẫu thủy sản giám sát. “Mẫu giám sát ở trong 20 hải lý và ngoài 20 hải lý. Kết quả bước đầu cho thấy từ tháng 6/2016 trở lại đây, các mẫu phát hiện chất ô nhiễm giảm dần” , ông Đỗ Hữu Tuấn nói. Theo ông Tuấn, với các chất tích tụ trong hải sản đòi hỏi phải có độ trễ trong đào thải nên việc công bố hải sản an toàn cũng có độ trễ.

Nhiều ngư dân đã bắt đầu ra khơi

Sau nhiều tháng nghỉ đi biển, ngư dân 4 tỉnh miền Trung sửa sang lại thuyền bè lục tục ra biển. Ngư dân Nguyễn Hùng, hơn 50 tuổi, gắn bó suốt cả cuộc đời ở biển Cửa Việt, Quảng Trị cho biết: “Có thời gian, không thấy con cá nào. Đánh bắt ở biển mấy chục năm tôi lần đầu thấy hiếm cá như vừa rồi. Gần đây, đã thấy cá nhưng chủ yếu là cá nhỏ, cá to ít lắm. Ai muốn đánh được cá to phải đi xa, dân chài như tôi chỉ đánh gần bờ”. Theo ông Hùng, tháng 7 (Âm lịch) đang là vụ cá Nam, ngoài những chuyến tàu xa bờ trúng đậm các loại cá có giá trị, ngư dân đánh bắt gần bờ cũng đánh bắt được cá nục, tuy nhiên số lượng chưa nhiều như trước đây. Ông Hùng bày tỏ: “Cá đã trở lại, tuy nhiên, cần lắm tiếng nói xác nhận của nhà nước. Dân đánh được cá nhưng giá cá vẫn rất thấp, cả cân cá nục có khi chưa đến 10.000 đồng vì nhiều người vẫn sợ cá nhiễm độc”.

Ngư dân bán cá dưới thuyền có giá bèo là thế nhưng theo tìm hiểu của PV, tại các chợ cá ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bắt đầu buôn bán tấp nập trở lại. Chợ cá tại xã Cương Gián, Nghi Xuân, giá 1kg cá trích hơn 60.000 đồng, cá bạc má giá trên 70.000 đồng/kg. Giá cá biển tại chợ Quỳnh Long, Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) giá cũng tương đương.

Tại các cửa biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai (Nghệ An) nhịp sống bình thường cũng đã bắt đầu trở lại. Các chợ đầu mối ở cửa biển đã tấp nập bởi những khoang cá đầy. Trước đó, ngư dân Hoàng Mai cũng điêu đứng vì tiếng oan “cá độc” do khoảng thời gian từ 7 - 13/5/2016 nhiều cá chết dạt vào bờ biển tại khu vực tỉnh Nghệ An. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu kiểm định và kết luận của Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng: Cá chết ở huyện Diễn Châu chỉ là một loại cá lù đù. Đây là loài cá sống ở ven bờ, hàng năm khi thời tiết chuyển mùa từ xuân sang hè cũng có hiện tượng cá chết. Năm nay cá chết nhiều hơn do hiệu ứng El Nino hoạt động mạnh hơn các năm trước.

Sau Hội nghị đánh giá hiện trạng biển miền Trung, ngư dân chỉ mới đỡ lo một nửa. Mong mỏi của người dân trước sự cố môi trường của 4 tỉnh miền Trung về vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm hải sản, nuôi trồng hải sản thì vẫn đang phải chờ đợi thêm.

Tháng 5/2016, Cục ATTP đã công bố kết quả lấy gần 140 mẫu xét nghiệm hải sản, nước sử dụng và rau ăn ở các khu vực có cá chết ở 4 tỉnh miền Trung cho thấy tất cả đều đạt chỉ số an toàn hoặc trong ngưỡng cho phép. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong 139 mẫu hải sản tươi sống, mẫu nước sử dụng và rau ăn tại khu vực xuất hiện hiện tượng cá chết, có 97 mẫu hải sản tươi sống đạt chỉ số an toàn. Còn lại là các mẫu rau và nước sử dụng cũng đều nằm trong ngưỡng cho phép.

Hà Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ca-bien-dan-tro-lai-cac-cho-mien-trung-20160824083323911.htm