C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì: Sức khỏe người tiêu dùng làm sao định giá được?

Từ việc không chủ động thu hồi C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì (URC chỉ thu hồi sản phẩm khi bị Thanh tra Bộ Y tế buộc phải thu hồi), còn số lượng lớn sản phẩm không thu hồi được (khoảng 40.000 sản phẩm) đến việc URC định dành ra một số tiền khoảng 3,9 tỉ đồng được cho là để bồi thường cho người tiêu dùng (thực tế số tiền này gần như không thể đến tay NTD). Để làm rõ tính pháp lý trong động thái này, phóng viên đã có buổi trao đổi với luật sư Bùi Quang Thu, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội

Không dễ định giá sức khỏe con người.

PV: Việc nhà sản xuất nước trà xanh C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì được cho là đã cùng bàn thảo với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và xem xét đến việc bỏ ra một khoản tiền khoảng 3,9 tỉ đồng để bồi thường cho vụ C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì. Theo ông con số này có hợp lý so với mức độ nguy hại có thể đã gây ra cho cộng đồng?

Luật sư Bùi Quang Thu : Tôi không tham gia bàn thảo nên không thể có được nhận định chính xác về việc này. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận đó là vụ nước trà xanh C2, Rồng đỏ của Cty URC nhiễm độc chì như các cơ quan báo chí phản ánh thời gian vừa qua là một vụ khủng khoảng lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Nó đe dọa và có thể đang gây tác hại đến một cộng đồng người tiêu dùng rộng lớn từ nông thôn đến thành thị. Nhà sản xuất đã bị xử phạt vi phạm hành chính về vụ việc này, nhưng như thế không có nghĩa là mọi việc dừng lại. Vấn đề quan tâm là xử lý như thế nào, chịu trách nhiệm như thế nào khi có hàng nghìn người có thể đã lỡ dùng phải sản phẩm nhiễm độc kim loại nặng này.

Con số 3,9 tỉ đồng được đưa ra có thể là số tiền mà nhà sản xuất tính trên giá trị số sản phẩm không thu hồi được. Giá này có thể được tính trên giá của nhà sản xuất giao cho đại lý. Như vậy đây không thể coi là bồi thường cho người tiêu dùng mà thực tế chỉ là một khoản tạm ứng của nhà sản xuất C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì tạm ứng cho người tiêu dùng, được “treo” tại một quỹ nào đó. Thực tế hiện nay và sau này, người tiêu dùng gần như không có cơ hội để lấy được tiền bồi thường của URC bởi họ cần phải chứng minh rất nhiều thứ, hóa đơn mua hàng, hồ sơ y tế chứng minh nhiễm độc chì. Quan trọng nhất là chứng minh nguồn gây nhiễm độc chì là từ C2 và Rồng đỏ của URC. Vì vậy con số 3,9 tỉ đồng như báo chí phản ánh có thể chỉ là con số “ảo”, con số... trên giấy mà nhà sản xuất dự kiến đưa ra để vỗ về người tiêu dùng.

Nếu nói là đền bù theo tôi không phải chỉ là 3,9 tỉ mà nó phải lớn hơn rất nhiều. Sức khỏe người tiêu dùng không phải là thứ có thể dễ dàng định giá được.

Luật sư Bùi Quang Thu: “Khoảnh khắc khi thừa nhận mọi lỗi lầm và trách nhiệm về mình, cũng là lúc nhà sản xuất tranh thủ được sự ủng hộ của những khách hàng trung thành”

PV: Thưa ông nếu hậu quả nhiễm độc chì trong cộng đồng là lớn và được chứng minh, gây hậu quả lớn thì có thể xử lý như thế nào?

Luật sư Bùi Quang Thu: Nếu nền tảng pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm có quá nhiều lỗ hổng, không được xử lý triệt để, nghiêm khắc thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Tôi lấy ví dụ thế này, trong đại dịch sữa nhiễm melamine đã gây cơn bão lớn ở Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi đây là vụ bê bối nghiêm trọng nhất mà tổ chức này phải đối phó. Sự việc bắt đầu từ tháng 12/2007 khi thư khiếu nại của người tiêu dùng bay tới tấp về nhà sản xuất. Tháng 8/2008, sữa nhiễm melamine – hóa chất độc hại giàu nitơ cho vào sữa tạo cảm giác giàu đạm – đã được xác định. Thay vì tích cực giải quyết vấn đề như thu hồi sản phẩm nhiễm độc, nhà sản xuất tìm cách che đậy thông tin

Hậu quả là trong năm 2008 có ít nhất 6 trẻ chết, 294.000 em mắc bệnh suy thận, sỏi thận khiến 51.900 trẻ nhập viện do uống nhằm sữa nhiễm bẩn. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng Trung Quốc dẫn đến 21 người bị bắt, trong đó có một số quản lý cao cấp và trung cấp của nhà sản xuất, 2 người bị xử tử hình năm 2009 vì sản xuất bột melamine và sữa thành phẩm nhiễm melamine. Đó chỉ là một trong những ví dụ về hậu quả khủng khiếp do thực phẩm bẩn gây nên. Trở lại câu chuyện của URC và sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì ở Việt Nam. Nó không giống, không khủng khiếp như sữa nhiễm melamine nhưng hậu quả của nó cũng không hề nhỏ. Vì chì là một kim loại nặng nếu dùng vượt mức cho phép, lâu ngày sẽ khiến cho cơ thể người dùng bị tàn phá bởi độc tố. Điều này đã được ngành y tế chứng minh. Tiếc rằng từ khi phát hiện vụ việc này đến nay đã nhiều tháng nhưng không có cơ quan hữu trách nào của Việt Nam đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức cho người tiêu dùng kiểm tra hàm lượng chì trong máu, từ đó có thể làm căn cứ đánh giá tác động của vụ việc, từ đó cũng có thể buộc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm.

Phải chân thành với người tiêu dùng

PV: Như ông nói khoản tiền 3,9 tỉ đồng (nếu có) có giúp URC xoa dịu được sự giận dữ của người tiêu dùng với sản phẩm C2, Rồng đỏ của nhà sản xuất này?

Luật sư Bùi Quang Thu: Như tôi đã nói gần như là khoản tiền trên nếu có thì cũng không thể đến được tay người tiêu dùng bị ảnh hưởng vì sử dụng sản phẩm nhiễm độc chì từ C2, Rồng đỏ. Nếu không đến được tay người tiêu dùng bị thiệt hại thì nó không có ý nghĩa. Người tiêu dùng có cảm giác bị lừa dối và tiếp tục quay lưng với nhà sản xuất. Không phải lúc nào, cái gì bằng tiền bạc cũng có thể giải quyết tận gốc vấn đền. Cái cần làm ngay thì nhà sản xuất C2, Rồng đỏ nhiễm chì không làm đó là lời xin lỗi đến khách hàng. Trước bê bối lớn như vậy, tôi không hiểu vì sao nhà sản xuất này không lên sóng truyền hình hay các phương tiện truyền thông báo chí gửi lời xin lỗi người tiêu dùng cùng với cam kết chịu trách nhiệm và cung cấp sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Khoảnh khắc khi thừa nhận mọi lỗi lầm và trách nhiệm về mình, cũng là lúc nhà sản xuất tranh thủ được sự ủng hộ của những khách hàng trung thành. Việc tốt nhất mà một thương hiệu có thể làm khi gặp bê bối là đối mặt với cơn bão dư luận và đừng hành động thiếu kiểm soát. Phản ứng càng nhanh chóng, đặc biệt của những lãnh đạo cấp cao có thẩm quyền của nhà sản xuất sẽ có thể giảm thiểu rất nhiều thiệt hại và hệ lụy tiêu cực. Mặt khác, không có gì khiến cho một thương hiệu trở nên tồi tệ hơn trong con mắt khách hàng bằng việc phản ứng chậm khi gặp khủng hoảng. Tất nhiên, phản hồi của nhà sản xuất phải hợp lý và đúng đắn, nếu không dù nhanh đến mấy cũng vô ích. Tiếp theo là phải thấu hiểu và chân thành với người tiêu dùng và đừng cố biện minh.

PV: Nếu như ông nói số tiền dự kiến 3,9 tỉ đồng được cho là URC “bồi thường”, nếu có thì cần sử dụng như thế nào là hợp lý nhất?

Luật sư Bùi Quang Thu: Nếu nói 3,9 tỉ đồng là tiền bồi thường cho người tiêu dùng đã dùng sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì thì không thể chấp nhận vì anh căn cứ vào đâu để đưa ra mức bồi thường đó. Tuy nhiên nếu là số tiền tự nguyện tạm đưa ra thì ban đầu có thể chấp nhận được. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thì theo tôi nghĩ số tiền dự kiến (nếu có) này nên được nhà sản xuất C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì kết hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thông báo công khai, dùng làm kinh phí tổ chức xét nghiệm chì miễn phí cho người tiêu dùng. Việc xét nghiệm này đòi hỏi kỹ thuật cao, máy móc hiện đại và vì vậy nên tổ chức tại các cơ sở y tế lớn, có trang thiết bị y tế hiện đại.

PV: Xin cảm ơn ông

Nhật Minh (Thực hiện)

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/c2-rong-do-nhiem-doc-chi-tai-sao-nha-san-xuat-chua-xin-loi-nguoi-tieu-dung-119204