Buýt nhanh chậm hơn... buýt thường

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc xây dựng phương án thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn dành riêng cho buýt nhanh BRT, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) đang tổ chức khảo sát, lên phương án để trình cấp trên xem xét. Trong vai hành khách đi xe buýt, phóng viên Báo Lao Động đã tiến hành khảo sát thực tế hai tuyến buýt nhanh và buýt thường với cùng điểm xuất phát tại Kim Mã và điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa. Kết quả: Buýt nhanh... chậm hơn buýt thường.

Hình ảnh chụp tại tuyến xe buýt vào 17h50 phút ngày 10.5 tại tuyến xe buýt 29B-154.92. Ảnh: PV

17h46 ngày 10.5, PV Báo Lao Động ngẫu nhiên lên chiếc xe buýt mang BKS 29B-154.93 tại bến xe Kim Mã. Đến 17h49 chiếc xe rời bến. Trên xe lúc này có 34 người. Điều đáng nói, tại tuyến đường Lê Văn Lương (đoạn từ Trung Văn về đến ngã ba Lê Văn Lương - Trần Phú) dọc đường này phương tiện rất đông. Do một làn đường riêng dành cho xe buýt nhanh BRT nên hai làn đường còn lại phần lớn là ôtô. Các phương tiện xe máy phải len lỏi giữa dòng xe ôtô, còn lại leo lên vỉa hè để di chuyển. Nhiều phương tiện đã lấn sang đường xe buýt nhanh khiến chiếc xe liên tục phải bóp còi. Hành trình của tuyến buýt nhanh BRT từ bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa mất 50 phút.

Ngược với chuyến xe buýt nhanh BRT, cũng vào giờ cao điểm, ngày 11.5 chúng tôi đứng tại một điểm chờ xe buýt thường trên đường Tôn Đức Thắng (đây là điểm gần bến xe Kim Mã và chạy gần như song song với tuyến BRT) để lên xe về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông). Vào 17h9, chúng tôi bước lên chiếc xe buýt số 02 mang BKS 30T-4254 theo lộ trình Bác Cổ - bến xe Yên Nghĩa. Lúc này, trên xe khá đông đúc, theo tính toán khoảng hơn 60 người.

Đi thêm được vài ba điểm đón khách, chiếc xe như bị nêm chặt cứng. Những hành khách trên xe chỉ đứng như tượng, không thể di chuyển được chỗ khác. Khi chiếc xe đến điểm đón gần đối diện cổng Trường Đại học Công Đoàn, hai cánh cửa vẫn được mở ra. Theo quan sát, phía dưới điểm chờ rất nhiều người đứng đợi tuy nhiên trên xe không thể “nêm” thêm được nữa nên nhiều người đành phải ngậm ngùi đợi chuyến sau.

Trên chiếc xe buýt thường số 02 lộ trình Bác Cổ - bến xe Yên Nghĩa lượng hành khách luôn chật cứng (ảnh chụp vào 17h20 ngày 11.5).

Càng đi qua điểm chờ gần các trường đại học, cụ thể như: Đại học Thủy Lợi, Đại học Tự Nhiên, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội, Đại học Kiến Trúc… thì lượng khách càng đông. Hầu hết xe đi qua các điểm này thì vẫn mở cửa nhưng chỉ mở cho có. Bởi lẽ, lượng khách trên xe chật cứng và khách ở dưới đành phải từ chối.

Suốt chặng đường dài vào giờ cao điểm từ trong nội thành hướng về ngoại thành, trên chiếc xe buýt thường này luôn chật kín khách. Dù không được ưu tiên đường riêng nhưng chiếc xe này di chuyển khá đều. Đến 17h50 chiếc xe buýt này đã về tới bến xe Yên Nghĩa. Theo đó, khoảng thời gian từ điểm bến xe buýt nằm trên đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa) về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) chỉ mất 41 phút.

TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho rằng xe buýt nhanh ở Hà Nội hoạt động chưa hoàn toàn là BRT do chưa được ưu tiên về đèn tín hiệu qua nút giao; không có giải phân cách cứng; phương tiện cá nhân vẫn lấn làn. Hạ tầng buýt nhanh ở Hà Nội chưa đạt chuẩn như thế giới, vì vậy tốc độ lưu thông chưa cao, chưa được người dân lựa chọn nhiều.

Về phương án đưa xe buýt thường vào chạy chung trên làn BRT, theo ông Minh, nếu cơ sở hạ tầng, đèn tín hiệu qua nút giao… được cải thiện thì việc đưa xe buýt thường chạy vào là không hợp lý. Có thể làm ảnh hưởng tốc độ của buýt nhanh, làm cho buýt nhanh trở thành buýt thường, người dân sẽ không mặn mà lưu thông tuyến này. Cũng theo ông Minh, hiện nay chúng ta cứ gọi là xe buýt nhanh nhưng thực chất loại phương tiện này mới chỉ tương đối, chỉ xứng đáng là xe buýt chất lượng cao.

NHÓM PV THỜI SỰ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/buyt-nhanh-cham-hon-buyt-thuong-663756.bld