Bứt phá

Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, ở mọi thời điểm, đội ngũ doanh nhân luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế. Có thể khẳng định, những đóng góp của đội ngũ doanh nhân Việt Nam vào sự phát triển kinh tế nước nhà là vô cùng lớn. Có ý kiến đã khẳng định, hơn 500 ngàn DN nhỏ và vừa hiện nay chính là xương sống của nền kinh tế, tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân Việt Nam ngày một bùng cháy mạnh mẽ.

Ảnh minh họa.

Minh chứng rõ ràng chính ở con số DN thành lập mới-hơn 81 ngàn DN trong 9 tháng đầu năm 2016. Điều đó cho thấy, không chỉ bản thân mỗi DN, doanh nhân cố gắng, mà còn có cả sự tiếp sức từ phía Chính phủ, nhà quản lý.

Dễ dàng nhận thấy, khác với thời kỳ trước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đội ngũ DN nhỏ và vừa đã nhận được nhiều ưu ái hơn từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cụ thể, nếu như trước đây, trọng tâm của các ưu đãi chính sách dồn vào khu vực DN nhà nước, thì hiện nay, các ưu đãi đã “cân bằng” hơn. Đơn cử như, Chính phủ đã lắng nghe “nhịp sống” của cộng đồng DN nhỏ và vừa để biết họ đang có băn khoăn gì, gặp rào cản gì.

Và hai Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ chính là những đòn bẩy đích thực để hỗ trợ DN, doanh nhân, tạo đà cho các DN phát triển và tạo nhiều cảm hứng cho tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân hiện nay.

Hay vừa mới nhất, Chính phủ đã lên tiếng đề nghị bãi bỏ Điều 292 quy định về tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” trong Bộ luật Hình sự 2015.

Động thái này đã góp phần mang lại niềm tin mạnh mẽ cho giới doanh nhân trẻ - những người đang ấp ủ ý chí khởi nghiệp - về một Chính phủ kiến tạo, cầu thị và lắng nghe.

Mặc dù vậy, cũng cần phải thừa nhận một thực tế rằng, số lượng DN thành lập mới vẫn chủ yếu tập trung ở những DN quy mô nhỏ, số vốn dưới 10 tỷ đồng. Điều đó trả lời câu hỏi: Tại sao đến thời điểm này, Việt Nam chưa có nhiều DN quy mô lớn tầm cỡ thế giới.

Trong số 500 ngàn DN, hiện nay, để có thể điểm mặt được những đại gia ghi được dấu ấn trên “đấu trường thế giới”, chỉ có một vài DN đã thành danh như doanh nhân Thái Hương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Truemilk, hay doanh nhân Phạm Nhật Vượng-Chủ tịch Tập đoàn Vingroup…

Song, đó chỉ là một vài gương mặt rất hiếm trong số hàng trăm ngàn doanh nhân hiện nay có thể khẳng định được vị thế của mình trong nước cũng như quốc tế. Còn lại, vẫn chỉ là những DN nhỏ và vừa với quy mô vốn siêu nhỏ.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một DN nhỏ, không phải họ không nỗ lực, không cố gắng, không “liều”, nhưng thương trường là chiến trường, có khi là cơ may có thể bứt phá.

Song, cũng có khi họ bị quật ngã bởi chính những bất cập trong chính sách mà nhà quản lý đưa ra hay một môi trường kinh doanh nặng về cơ chế “xin - cho”, nặng về yếu tố “quan hệ”.

Chính môi trường kinh doanh như vậy đã tạo thế độc quyền cho một vài DN lớn mà cướp đi cơ hội sống của nhiều DN nhỏ. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã rất thẳng thắn khi nêu lên thực tế rằng, không ít những doanh nhân thời gian qua lăn lộn thương trường, thành công nhờ… quan hệ mà không cần phải học hành gì. Đó chính là bởi môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại cái gọi là cơ chế “xin - cho”.

Không thể phủ nhận rằng, Chính phủ, nhà quản lý đã và đang cố gắng lắng nghe để có thể đưa ra những chính sách phù hợp, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho đội ngũ DN, doanh nhân phát triển.

Song, vẫn còn những chính sách đã trở thành rào cản, ngáng chân khiến không ít doanh nhân buộc phải sớm rời bỏ “thương trường”. Vẫn còn đó những “góc tối” chưa được phơi bày. Mà nói như một chuyên gia kinh tế, Chính phủ phải thực sự quyết tâm mới có thể “gột sạch” được những mảng tối đó.

Dư luận xã hội thời gian qua đã chứng kiến sự sục sôi của cộng đồng DN trước hàng loạt những chính sách không những không giúp cho DN phát triển, mà ngược lại còn khiến cho nhiều DN buộc phải rời bỏ thương trường.

Thông tư 20 của Bộ Công thương về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô hay Nghị định 19 về kinh doanh khí gas là hai trong số những chính sách khiến cho cộng đồng DN, doanh nhân phải dậy sóng suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, tất cả những bức xúc của cộng đồng DN, doanh nhân về những bất cập của Thông tư 20, Nghị định 19 nói riêng, về các bất cập của điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nói chung sẽ dần được gỡ bỏ khi mới đây, Chính phủ đã thành lập một cổng thông tin điện tử nhằm tiếp nhận và trả lời kiến nghị của DN, doanh nhân bắt đầu từ ngày 5/10/2016 vừa qua.

Động thái này tiếp tục thể hiện rõ hơn quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường phát triển cho cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp” và đạt được con số 1 triệu DN vào năm 2020.

Đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự quyết tâm đó của Chính phủ. Nói như vị Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)-ông Vũ Tiến Lộc, đội ngũ DN, doanh nhân Việt đã chứng tỏ sức chịu đựng và thích nghi rất linh hoạt sau một thời gian dài chịu sự bó buộc trong môi trường kinh doanh dựa trên cơ chế “quan hệ” và “xin-cho”. Vì thế, với những chính sách mới của Chính phủ mới, các DN, doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ bứt phá.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/but-pha/127346