Buông bỏ để không phải là người thứ ba

Diệp nằm mơ cũng không thể ngờ có ngày cô lại trở thành người thứ ba. Mấy ngày sau, cô xin thôi việc, rời khỏi nhà máy...

Sự việc phải kể từ chiều hôm ấy, cũng như mọi khi, quản đốc Lượng vào phân xưởng của các cô kiểm tra máy móc và chất lượng sản phẩm. Do công việc đặc biệt, Diệp cùng cô thợ bạn làm ở một phòng riêng, quản đốc Lượng sáng và chiều đều đến xem công việc của các cô, vừa kiểm tra vừa trò chuyện. Anh là người giỏi tay nghề, có văn hóa, dí dỏm và đẹp trai nên hai cô rất thích trò chuyện với anh.

Khi anh đến, vừa hay cô thợ bạn có việc đi ra ngoài, hai người đang trò chuyện bỗng Lượng tái mặt, bỏ vội mấy sản phẩm cầm trên tay đi thẳng ra cửa. Diệp ngơ ngác không hiểu tại sao, chỉ thấy bóng một phụ nữ thoáng qua cửa sổ. Tan ca hôm ấy, một cô thợ là bạn thân của Diệp cười ha ha bảo cô: - Diệp ơi Diệp, lần này thì cậu gây họa rồi đó! Thấy Diệp ngớ người, cô bạn nói: - Người vừa nãy đi qua là vợ quản đốc đấy. Bà ấy nổi tiếng là Hoạn Thư trong nhà máy này. Chỉ cần ông Lượng trò chuyện riêng với cô thợ nào là bà ấy chạy tới mắng người ta là hồ ly tinh, đã có mấy cô ăn bạt tai rồi. Chỉ vì ông Lượng thạo việc, giám đốc việc gì cũng giao cho ông ấy nên bà vợ cũng được vào làm, lại còn được giao một chức nho nhỏ, mấy cô thợ kia đành ngậm miệng. Hơn nữa, mỗi lần bà ấy đánh mắng người ta, ông Lượng chỉ đành lắc đầu chứ không ra mặt can thiệp.

Diệp mới vào làm ở nhà máy, chưa hiểu về quản đốc, cũng không thấy anh nói đến vợ, bây giờ cô mới biết thì ra vợ chồng anh cùng làm một nơi. Cô thợ bạn còn nói: - Cậu đợi mà xem, thế nào bà ấy cũng đến quát cho cậu một trận. Diệp không tin phụ nữ bây giờ còn có người ngang ngược như thế. Sự việc cũng nằm ngoài dự đoán của mọi người: Vợ quản đốc không gây chuyện với Diệp, khiến ai thích hóng chuyện cũng đều thất vọng. Hôm sau, mọi người phát hiện vợ quản đốc mắt hơi sưng, mặt như có vết bị tát. Các cô thợ rất phấn khởi, đều đoán tối qua hẳn bà ta bị chồng bạt tai. Cuối cùng quản đốc đã ra oai rồi, chỉ tiếc là màn kịch rất hay đó chẳng ai được chính mắt thấy. Chỉ có điều từ đó quản đốc rất ít khi vào phòng máy của Diệp. Sau đó, do công việc, Diệp được điều về phân xưởng nơi vợ quản đốc làm việc. Các cô thợ lại bàn tán, lần này thế nào cũng có trò hay để xem. Nhưng rất lạ là sự việc không phát triển như các cô tưởng tượng, vợ quản đốc rất hòa nhã với Diệp, hơn nữa còn thỉnh thoảng đến chỉ vẽ cho cô.

Còn Diệp thì cảm thấy quản đốc cố ý tránh mặt cô, mỗi khi máy của cô trục trặc, Lượng thu xếp cho thợ khác đến sửa chữa. Khi vợ anh trò chuyện với cô, anh chỉ đứng nhìn xa xa. Một lần vợ quản đốc nói chuyện với cô về việc muộn màng con cái, Diệp lắng nghe rồi không nén được, cô ngoảnh nhìn quản đốc đứng cách đó không xa. Cảm thấy anh có vẻ hơi buồn, cô bỗng thấy tim mình nhói đau. Cuộc sống cứ bình thản tiếp nối, chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng các cô thợ đều kinh ngạc nhận ra, vợ quản đốc dạo này thân với Diệp như chị em, nhà có món gì ngon, chị ấy đều không quên san sẻ với Diệp. Đó là điều không ai ngờ tới. Sau đó, nhà máy xảy ra một sự cố, người gây ra là cô bạn cùng đứng chung máy với Diệp. Cô này vốn ghen tị với Diệp, thường soi mói vu cáo Diệp. Vợ quản đốc bảo cô: - Diệp ơi, đây thật là một dịp tốt để em trả thù con bé xấu nết kia nhé! Diệp chỉ mỉm cười, không nói gì, lại còn nhận một phần lỗi về mình. Cô biết, hoàn cảnh gia đình cô bạn kia rất khó khăn, thấy Diệp vào làm không lâu mà đã thạo việc hơn mình nên mới nảy sinh lòng ghen ghét. Thấy Diệp cư xử như vậy, vợ quản đốc nhìn sững cô rồi lẩm bẩm: - Diệp ơi là Diệp, sao em còn rộng lòng thương hại nó?

Sau đó, hễ máy của cô trục trặc, vợ quản đốc lại tự đi tìm chồng tới sửa máy giúp cô, chị bảo người khác tay nghề kém, sửa không tốt bằng quản đốc. Thế là quản đốc lại có dịp trò chuyện vui vẻ với cô. Vợ anh có lúc nói xen vào mấy câu, có lúc bỏ đi nơi khác. Một lần tan ca, xe đạp của Diệp bị hỏng phanh, cô đang bối rối không biết làm cách nào thì gặp quản đốc đi qua, anh xắn luôn tay áo chữa giúp, vợ anh cũng chạy tới hỏi han. Diệp thấy ấm áp trong lòng, mẹ mất sớm nên từ nhỏ cô đã thiếu tình thương yêu. Trong giây phút đó, cô bỗng cảm thấy quản đốc như người thân của cô. Sau đó một đêm, cô mơ thấy tay mình bị máy cào xước, quản đốc Lượng đã rất khéo léo băng bó cẩn thận vết thương cho cô rồi bảo cô với giọng trìu mến: - Sao em lại sơ ý đến thế? Lúc tỉnh dậy, cô thấy nước mắt đầm đìa trên mặt. Mấy ngày sau, cô xin thôi việc, rời khỏi nhà máy. Cô không muốn trở thành người thứ ba. Nhiều năm sau, cô tình cờ gặp gia đình quản đốc trên phố, ai nấy hỏi thăm nhau rất niềm nở, thân mật. Từ biệt họ rồi, Diệp nghĩ: “Nắng đẹp quá, trên đời này thật ấm áp!”.

Tâm Giao/Duyên dáng Việt Nam

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/phai-dep-c-86/gia-dinh-thoi--c-151/buong-bo-de-khong-phai-la-nguoi-thu-ba-46874.html