Buồn vui chuyện xe máy năm 2010

(VnMedia) - Năm 2010, tổng số xe máy bán ra thị trường đạt trên dưới 3,5 triệu chiếc. Tính trung bình, năm qua cứ khoảng 26 người thì có một người mua xe máy mới.

Những con số khổng lồ như vậy ít nhiều khiến chúng ta bất ngờ. Tuy không có thống kê chính thức, nhưng chắc chắn Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng xe máy cao nhất thế giới. Khi mà thời kỳ ô tô hóa mới chỉ bắt đầu, chúng ta thực sự đang ở đỉnh cao của giai đoạn xe máy hóa. Quả thật, chưa bao giờ việc mua xe máy lại dễ như bây giờ. Chỉ cách đây khoảng hơn chục năm thôi, để mua được một chiếc xe máy dù chỉ là xe Trung Quốc, người mua xe phải bỏ ra số tiền có khi đến gần hai chục triệu. Với giá vàng hồi đó chỉ dưới 500 nghìn đồng một chỉ, mỗi chiếc xe Tàu cũng đáng giá đến 4 cây vàng! Đó là chưa nói đến những chiếc Honda hay Yamaha chính hiệu, rẻ nhất cũng đến 5, 6 cây vàng. Vậy mà nay chỉ cần trên 4 chỉ vàng một chút là đã có thể tậu được một chiếc xe “xịn”. Giai đoạn 1997 đến 2000, thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đạt khoảng trên 3 triệu đồng một người một năm. Dù chỉ là một chiếc Honda rẻ nhất, trên 10 người có thu nhập trung bình phải làm việc cật lực cả năm rồi góp tiền lại mới mua được. Năm 2010, thu nhập bình quân tăng lên trên 20 triệu đồng một người một năm. Nếu một gia đình có hai, ba người đi làm, đến cuối năm gia đình đó có thừa khả năng mua được một chiếc xe tầm 20 triệu. Bởi thế mà hiện nay hầu như gia đình nào, từ thành thị đến nông thôn, cũng có ít nhất một chiếc xe máy. Có nhà có cả bốn, năm chiếc. Nói như vậy để thấy được rằng giờ đây xe máy không phải là một thứ hàng hóa xa xỉ nữa. Xe bán trên thị trường hiện nay có vô vàn chủng loại, thương hiệu, xuất xứ, giá bán...Nếu có điều kiện, chỉ cần tìm kiếm trên mạng và đi vài cây số là đã có thể mua được một chiếc xe siêu cấp hiệu Harley Davidson, Ducatti, Bluell, BMW...Các mẫu xe phân khối lớn rẻ hơn chút ít của Kawasaki, Honda, Yamaha, Suzuki...cũng được bày bán đầy rẫy tại các showroom trên phố. Đó là những chiếc xe dành cho nam giới. Dành cho nữ giới, xe ga đắt tiền cũng nhiều như kiến cỏ, nào là Honda Spacy, nào là Honda SH, nào là Vespa LX, nào là Piaggio Liberty... Ở phân khúc xe bình dân, ngoài các mẫu xe số của Honda và Yamaha, người mua xe có thể lựa một chiếc hiệu SYM, Suzuki, Kymco hay Sufat. Hãng nào giờ cũng có hàng chục mẫu xe phân thành nhiều mức giá, nhiều tùy chọn. Nói tóm lại, chưa bao giờ người mua xe máy lại có thể dễ dàng chọn được một chiếc xe như ý hợp túi tiền như hiện nay. Bất kỳ ở đâu, nếu không thích xe của hãng này, người mua xe có thể dễ dàng tìm được một chiếc xe cùng tầm tiền của hãng khác. Tình trạng độc quyền trên thị trường xe máy phần nào đã đi vào quá khứ. Hai chiếc V-Rex Travertson đã đặt chân tới Việt Nam Dẫu vậy, câu chuyện về chiếc xe máy năm 2010 vẫn có rất nhiều khoảng tối. Những thiệt thòi mà người tiêu dùng còn phải chịu có nguyên nhân chủ yếu từ chính thói quen mua sắm của mình. Năm 2010, Honda Việt Nam lập nên một kỷ lục về doanh số với gần 2 triệu chiếc xe bán được. Khoảng 1 triệu chiếc còn lại chia cho mảng thị trường xe nhập khẩu (trên 95 nghìn chiếc) và các nhà sản xuất còn lại. Con số khổng lồ mà Honda đạt được như vậy phần nhiều là do tâm lý “tôn sùng” xe Honda của người Việt từ nhiều năm qua. Điều đáng nói là, chất lượng xe Honda có lên xuống thế nào, giá bán có vô lý ra làm sao thì người mua vẫn cứ mua. Không ai lạ gì chuyện các đại lý của Honda bán xe với giá cao ngất ngưởng so với giá niêm yết. Không ai không biết các chiêu bài tạo khan hiếm hàng giả tạo, rồi “làm giá” để thu lời về mình, cũng vẫn là của các đại lý ấy. Ấy vậy mà người mua xe vẫn chấp nhận mua, và đua nhau mua. Đáng lo ngại là không chỉ có trường hợp của Honda, các đại lý của Yamaha, và thậm chí của Piaggio cũng bắt đầu học theo chiêu bài gây bất lợi cho người tiêu dùng này. Ví dụ điển hình là các mẫu Yamaha Nouvo LX, Yamaha Exciter và gần đây nhất là Piaggio Liberty. Trong trường hợp nào phản ứng của người tiêu dùng cũng rất yếu ớt. Bàn tán, kêu ca, đưa lên báo chí...rồi lại để đấy. Hầu như chưa có ai sử dụng đến các công cụ pháp luật để đòi lại lợi ích cho mình và cho những người mua xe khác. Tính đoàn kết của người tiêu dùng cũng còn quá hạn chế. Các cuộc tẩy chay sản phẩm trên quy mô rộng khắp khi nhà sản xuất không đảm bảo quyền lợi cho khách hàng hay xảy ra ở nước ngoài dường như là một khái niệm rất xa lạ đối với người mua xe trong nước. Thế thì liệu đến bao giờ những khách hàng mua xe máy chúng ta mới được hưởng những gì mà chúng ta đáng được hưởng? Lại đến câu chuyện người dân đổ xô đi mua xe cuối năm. Giá xe tăng hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng một chiếc mà rất nhiều người vẫn mua. Giá tăng, biết thế cũng chỉ kêu ca một vài câu, rồi vẫn móc tiền trong túi ra mua. Thói quen ấy hiển nhiên là nguyên nhân trực tiếp khiến giá xe tăng cao vút mỗi khi Tết sắp về. Rõ ràng là sự tính toán và lên kế hoạch mua xe của người tiêu dùng kém quá. Giá như chúng ta cố gắng chủ động được về phương tiện đi lại và tài chính – hầu hết là được, thì chắc chắn chẳng ai phải mua xe giáp Tết đắt “cắt cổ” như mấy tháng vừa rồi. Nói đi lại nói lại, việc chủ động lên kế hoạch mua sắm là điều hết sức cần thiết. Ai cũng có tinh thần đó, nhà sản xuất khó mà tăng giá vô lý được. Dự đoán sang năm 2011, thị trường xe máy tiếp tục mở rộng hơn nữa. Không ai dám chắc hiện tượng “làm giá” sẽ không còn xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta – những người tiêu dùng hoàn toàn có thể tránh được thiệt hại cho bản thân, trước hết là thông qua việc thay đổi thói quen mua sắm... Dương Vũ

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=305&newsid=211812