Buồn, vui ‘ăn cơm trước kẻng’

Giờ đây, chuyện những em bé được sinh “thiếu ngày”, chuyện nhà trai một lúc “tậu được cả trâu cả nghé” không còn quá nhiều dị nghị.

>> Bi kịch ‘ăn cơm trước kẻng’, trêu ngươi nhà chồng

Bi kịch

Hoài Anh theo bố mẹ từ Thái Bình lên Lâm Thao (Phú Thọ) xây dựng kinh tế mới từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Cô là con gái út trong 1 gia đình có 4 anh em.

Khi Hoài Anh trúng tuyển đại học ở Hà Nội, sự kiện hiếm hoi ấy ở huyện miền núi này được hàng xóm, bạn bè, họ hàng hết lời ca tụng, Hoài Anh vừa đẹp người, lại học hành giỏi giang.

Ở trường, Hoài Anh như đóa hoa rừng rực rỡ, đi đâu cũng kéo theo nhiều ánh mắt đổ về phía mình. Sang năm thứ 2, Hoài Anh bất ngờ đổ gục bởi một chàng trai học hơn cô 2 khóa, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Cô đã dành cho anh những tình cảm sâu sắc nhất. Bước vào năm học thứ 3, Hoài Anh đột ngột xin bảo lưu kết quả học tập vì cái thai đã sang tháng thứ 7. Cô không dám vác cái bụng to kềnh càng đến lớp, sợ thầy cô, bạn bè dị nghị.

Mẹ và anh trai Hoài Anh nhận được tin dữ, vội vã xuống trường tìm cô ở căn nhà trọ sâu hun hút trong làng Phùng Khoang (Q.Thanh Xuân). Bà mẹ cứ vật vã khóc mãi khi gặp cô. Cuối cùng thì bà cũng tìm ra một cách, bảo cô hãy đẻ non, bỏ đứa con đi để tiếp tục đi học. Vì nếu không, cô cũng không thể về quê được. Họ hàng nhà cô sẽ bị bà con miệt thị, khinh rẻ.

Hơn nữa, bố cô mà biết chuyện, có thể ông sẽ giết cô mất, vì sự gia trưởng và danh dự một cán bộ ngành giáo dục. Khuyên can mãi, cô vẫn một mực: “Con sẽ đẻ nó ra để nuôi, con không thể bỏ nó”. Nể người mẹ già của cô, anh người yêu đành về quê xin phép gia đình cho 2 đứa cưới nhau. Nhưng gia đình anh cũng là nhà có tiếng nền nếp gia phong ở huyện, họ không chấp nhận người con dâu như cô.

Ảnh minh họa

Đứa bé gái nặng 2,2kg chào đời đúng lúc “chồng” Hoài Anh ra trường. Gia đình bắt anh phải về quê xin việc và bị cấm rời khỏi nhà. Thương con nhưng mẹ Hoài Anh cũng không dám xuống Hà Nội để giúp cô lúc lâm bồn. Bà chỉ xuống thăm cô 2, 3 ngày lại về ngay. Hoài Anh hoàn toàn dựa vào hàng xóm, bạn bè cùng thuê trọ gần đó giúp đỡ. Quen được chiều chuộng, cô không biết phải chăm con lúc đau ốm, lúc thức thâu đêm thế nào. Người cô tiều tụy hẳn đi. Đằng đẵng hơn 1 năm trời giật gấu vá vai, nợ trùm lên nợ, Hoài Anh ôm con vào Hà Tĩnh tìm “chồng”. Nhưng đến đây, cô bị cả nhà “chồng” xua đuổi. “Chồng” cô sợ gia đình nên cũng chỉ nhờ người bạn đưa 2 mẹ con vào nhà trọ tồi tàn ở gần bến xe tá túc vài hôm.

Trước sức ép của gia đình, anh không dám đến tìm mẹ con cô, dù chỉ cách nhau một đoạn đường. Con đói khát, ốm đau, nhiều ngày liền cô đến cậy nhờ, ngồi vạ vật trước cửa nhà anh, trước cơ quan anh, nhưng đều bị xua đuổi, chửi bới thậm tệ. Cô xin người nhà anh hãy thương đứa bé là giọt máu của anh, chấp nhận nó, rồi cô sẽ đi xa không bao giờ trở lại. Nhưng đề nghị của cô không được ai chấp nhận. Rồi anh cũng mất tích luôn trong dịp ấy. Bơ vơ nơi xứ người, Hoài Anh đành bế con đi xin ăn. Có người thương tình, cho cô cái địu cũ để cô vừa địu con, vừa rửa bát thuê cho một hàng cơm, tối họ cho 2 mẹ con ngủ tạm ở góc bếp. Nhiều đêm, nhớ bố mẹ, nhớ quê hương, cô khóc cạn nước mắt nhưng không dám quay về. Cô vẫn ở lại Hà Tĩnh, với hy vọng mong manh ngày nào đó, anh sẽ đến tìm mẹ con cô.

Gần 10 năm sau, anh bỗng trở về. Cô dắt đứa con gầy yếu nấp sau bụi hoa râm bụt chứng kiến cảnh cả gia đình của anh hạnh phúc. Anh bế bé trai khoảng 6 tuổi giống anh như đúc, dắt tay người vợ ăn mặc rất thời trang bước vào nhà. Cô ngã quị, hai mắt tối sầm lại. Trong lúc tuyệt vọng cùng cực, cô đã tìm đến cái chết. Nhưng bà chủ quán tốt bụng đã phát hiện kịp thời, đưa cô đi cấp cứu. Bà bảo dù thế nào cô cũng không thể bỏ rơi đứa con này được, cô phải sống để bù đắp tất cả thiệt thòi cho nó.

Cuối năm ấy, bà chủ quán cơm không may ốm nặng và mất. 2 mẹ con Hoài Anh lại dắt díu nhau ra ga Vinh, rồi may mắn cô được người phụ nữ chuyên bán đồng nát cưu mang. Ngày ngày, cô đi rao mua đồng nát khắp ngõ ngách ở Vinh để kiếm tiền nuôi con. Giờ đây, ở tuổi 51 nhưng mái tóc Hoài Anh đã bạc trắng, da mặt nhăn nheo như người 70.

Vận may

Trái với “bức tranh buồn” của Hoài Anh, chuyện Hằng Lan quê Tuyên Quang “ăn cơm trước kẻng” lại may mắn được nhà chồng chờ đón, thậm chí đám hỏi, đám rước dâu được tổ chức linh đình thành một đoàn xe hàng chục chiếc chạy suốt từ Tuyên Quang đi Hải Phòng, khi con trai cô tròn 1 tuổi.

Lan có nhan sắc, mới tốt nghiệp đại học được vài năm, khá sắc sảo, năng động. Là nhân viên marketing, cô được sếp và nhiều đàn ông trong, ngoài công ty để ý, theo đuổi. Người đàn ông tên Trung, quê ở Hải Phòng, “trồng cây si” kiên trì nhất đã khiến trái tim cô thổn thức. Trung có dáng người cao lớn và cái giọng ồm ồm “ăn sóng nói gió” của người miền biển.

Trung từng đi xuất khẩu lao động nhiều năm nên số vốn anh tiết kiệm được trong khoảng thời gian đó cũng khá, cộng thêm số tiền gia đình hùn cho anh làm ăn khi về nước, anh quyết định nói dối gia đình là “chuyển sang buôn bất động sản” nhưng lại dốc toàn bộ số tiền đó mua căn nhà 2 tầng trên con phố nhỏ ở Hà Nội. Hằng ngày, cứ hết giờ làm ở công ty, Lan không về nhà trọ ngay mà đến căn nhà mới của Trung để giúp anh việc nhà.

Sau vài lần trời chợt đổ mưa, cô đành ngủ lại nhà Trung. Dần dà, Lan chuyển hẳn đến ở cùng anh. Khi gia đình Trung biết Lan có thai đã động viên: Lan cứ yên tâm đẻ con, sinh xong rồi, gia đình Trung sẽ sắm sửa lễ rước cả nhà về sau. Tuy vậy, phía gia đình nhà Lan lại rất buồn bực với chuyện con gái chưa cưới hỏi mà đã có bầu, nhất là khi bố mẹ thấy cô khệ nệ vác cái bụng 8 tháng về nhà, thì ông bà càng bực mình, không biết giấu mặt vào đâu với hàng xóm, láng giềng. Vậy mà, Trung lại cười xòa: “Có gì đâu, bố mẹ cứ yên tâm, cô ấy đẻ con xong bọn con sẽ cưới đàng hoàng”. “Sao anh chị không cưới trước cho đúng thủ tục hôn nhân, làm sao chúng tôi có thể tin anh được?”, bố mẹ cô khó chịu.

Lan sinh con, đứa con trai giống bố như đúc. Mẹ Trung và 2 chị gái nghe tin, hồ hởi lên Hà Nội thăm cháu đích tôn. Khi đứa bé được hơn 1 tuổi, lễ ăn hỏi, lễ đón dâu được nhà Trung tổ chức linh đình. Lễ cưới hôm ấy, cô dâu diện váy cưới rất thời trang, chú rể mặc complet màu xám nhạt. Nhà trai ai cũng tay bắt, mặt mừng vì một lúc “tậu được cả trâu, lẫn nghé”. Chỉ có nhà gái thì ăn cưới trong không khí trầm lắng và muốn nhanh chóng kết thúc. Bây giờ, cuộc sống của vợ chồng Lan rất yên ấm, hạnh phúc. Họ vừa có thêm một cô công chúa nữa. Vợ chồng Lan đã chuyển về Hải Phòng ở cùng nhà chồng.

Thực tế, “ăn cơm trước kẻng” vẫn là chuyện mà xã hội khó chấp nhận, không phải cô gái nào cũng gặp may như Lan. Dẫu ở hoàn cảnh nào chăng nữa thì “ăn cơm trước kẻng” cũng khiến nhiều cô gái luôn phải sống trong tâm trạng bất an, thậm chí phải trả giá rất đắt cho việc làm dại dột của mình.

Theo PLVN

Nguồn Megafun: http://megafun.vn/cuoc-song/quan-he/gia-dinh/201207/Buon-vui-an-com-truoc-keng-215001/