Buôn lậu ở Lạng Sơn: Những góc khuất

(HQ Online)- Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9-2016, phóng viên Báo Hải quan có mặt tại biên giới Lạng Sơn để xác minh một thông tin do bạn đọc của Báo Hải quan phản ánh qua đường dây nóng: "Buôn lậu tại biên giới Lạng Sơn đang diễn ra ngang nhiên...". Và những gì chúng tôi mục sở thị đã khẳng định thông tin phản ánh của bạn đọc là hoàn toàn chính xác, thậm chí manh nha có sự bảo kê cho buôn lậu ở một số đường mòn, lối mở.

Thang bằng sắt thép tại Thác Ném. Ảnh: H.Nụ.

Buôn lậu nhộn nhịp 24/24h

Trung tâm thị trấn Đồng Đăng, nơi có những con đường mòn nằm vắt ngang những mỏm núi hiểm trở, sát ngay cạnh cửa khẩu phụ Cốc Nam và chỉ cách cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, ga Đồng Đăng chỉ vài phút đi xe máy. Đây là những lối đi được tạo bởi “cửu vạn” mang vác hàng lậu thuê, chạy quanh co qua nhiều dãy núi rồi kết thúc tại những khu lán được dựng trong các hẻm hoặc tập kết tại các nhà dân quanh khu vực.

Trước khi quyết định thâm nhập những điểm nóng về buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tôi được rất nhiều “thổ dân” cảnh báo: Không nên vào sâu hang ổ, chỉ nên đứng xa nắm tình hình, bởi “cửu vạn” ở đây rất manh động, thấy người lạ trà trộn họ sẽ phát hiện ra ngay và có thể cô lập không cho mình thoát thân. Để ghi nhận thực tế, tôi tìm cách lẻn vào quan sát tại Điểm 05, 06, đây luôn được xem là điểm nóng về buôn lậu tại Lạng Sơn, gần cửa khẩu Cốc Nam và là một trong những điểm tập kết hàng nhanh nhất vào thị trấn Đồng Đăng. Mới 9 giờ sáng, đội quân cửu vạn đã tấp nập tay xách dây dù, lưng treo tấm mút xốp vượt biên sang Trung Quốc để cõng hàng. Chỉ 30 phút sau, những bao tải hàng đầu tiên đã được đám cửu vạn cho “cập bến”. Tôi nhẩm đếm nhanh trong vòng 30 phút có đến hơn 60 bao tải hàng, mỗi bao tải lèn chặt cứng, ước chừng tới 200kg, được đám cửu vạn tập kết và chờ chất lên xe tải.

Tôi quyết định di chuyển sang Thác Ném, một địa điểm luôn được canh phòng cẩn mật từ trong ra ngoài. Ở đây không dễ lọt vào, nếu vào được phải qua nhà dân bằng một cánh cổng luôn trong tình trạng đóng im ỉm và có người canh phòng cẩn mật. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ tìm cách xâm nhập, từ năn nỉ, nịnh nọt đến đóng giả là chủ hàng vào xem hàng đã về chưa, tôi mới lọt vào hang ổ này. Hiên ngang đi vào và chạm mặt với những đám người xăm trổ, hùng hổ dõi ánh mắt dò xét, tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến việc bị phát hiện mình không phải là chủ hàng.

Vào tới “trung tâm”, đập vào mắt tôi đầu tiên là chiếc thang bằng sắt thép kiên cố, đồ sộ, lừng lững hiên ngang. Đám “cửu vạn” như con kiến cõng theo bao hàng, đi lên đi xuống như “trẩy hội”- chiếc thang đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng lậu tràn qua biên giới. Liếc nhìn quan sát, tôi ngạc nhiên còn thấy thấp thoáng bóng “lực lượng” đứng canh phòng để đám cửu vạn vác hàng xuống lán. Thấy tôi nhìn đối tượng này đã nhanh chóng lẻn vào chỗ khuất. Không dám nán lại lâu, tôi quyết định rút lui, nhưng trong đầu luôn đặt câu hỏi: Đi ngoài đường bằng mắt thường ai cũng có thể nhìn thấy sự tồn tại của chiếc thang, nhưng tại sao chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng không biết sự tồn tại của chiếc thang này, hay họ đang cố tình làm ngơ, tạo điều kiện để thực trạng này diễn ra cả ngày lẫn đêm(?)

Cửu vận vận chuyển hàng lậu tại lối mòn Lọ Bon. Ảnh: H.Nụ.

Thoát ra đường lớn, ngồi bên quán nước để trấn tĩnh tinh thần, tôi lại chứng kiến những chiếc xe máy chất đầy hàng hóa “lao như tên bắn”, rồi mất hút sau những con ngõ. Điều làm tôi thấy hết sức kỳ lạ là, những chiếc xe chở hàng cồng kềnh, cố tình phóng nhanh, vượt ẩu lại không thấy bóng dáng lực lượng chức năng, đặc biệt là Cảnh sát giao thông ngăn chặn.

Cảnh tượng vận chuyển hàng lậu ngang nhiên cũng diễn ra tại lối mòn Lọ Bon. Chỉ cách trụ sở của các lực lượng chức năng cửa khẩu Tân Thanh chưa đầy 500m, từng đoàn cửu vạn đang tự do hành quân như chốn “không người”.

Những kẽ hở khó lấp

Tôi mang những thắc mắc khi nhìn thấy hàng lậu vẫn tràn qua biên giới mà không có lực lượng chức năng kiểm soát, nhiều cán bộ Hải quan chia sẻ, trong công tác hải quan, phòng, chống buôn lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Nhưng thực tế biên giới có rất nhiều gian nan không có trong lý thuyết. Ví như câu chuyện đường mòn lối mở, lực lượng có hạn, biên giới lại dài. Chưa kể cơ quan Hải quan còn phải bố trí lực lượng làm thủ tục cho hàng hóa XNK. Trong khi đó, nhiều địa bàn lối mở lại không nằm trong địa bàn kiểm soát hải quan theo Nghị định 01/2015/NĐ-CP quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới như địa điểm Thác Ném; Điểm 05, 06, Song Giáp, Khánh Khê… Do đó, lực lượng Hải quan rất khó kiểm soát xử lý, vì ngoài địa bàn kiểm soát.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới: Chủ thể mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới quy định tại Điều 11 Quyết định này được miễn thuế NK và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày/lượt và không quá 4 lượt/tháng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công Thương ban hành. Đây chính là kẽ hở để những kẻ buôn bán hàng lậu tận dụng dưới hình thức gom hàng hóa và thuê cư dân biên giới vận chuyển vào nội địa một cách công khai.

Xe chở hàng lậu đã được hợp thức hóa bằng hóa đơn đang "bay" trên đường. Ảnh: H.Nụ.

Đặc biệt, hầu hết mặt hàng này là hàng giả, hàng nhái nên không thể NK chính ngạch mà buộc các chủ hàng phải sử dụng hình thức vận chuyển nhỏ lẻ như trên. Một điều đáng buồn và gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu tại địa bàn Lạng Sơn là đầu nậu luôn lựa chọn đối tượng mang vác là bà con biên giới có cuộc sống khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc, chủ hàng chỉ cần thu gom được 100 đến 200 kiện hàng của các cư dân biên giới cũng đủ giúp họ có một kho hàng lậu “hợp pháp” trị giá vài trăm triệu đồng. “Chiêu” lách luật trên đã được các đầu nậu sử dụng trong nhiều năm nay, khiến lực lượng chức năng rất lúng túng, dù biết mười mươi là hàng lậu biến tướng, nhưng chưa có cách nào xử lý được.

Có thể khẳng định, ưu đãi cho cư dân biên giới không phải chịu bất kỳ một khoản thuế nào đối với hàng hóa có trị giá đến 2 triệu đồng/ngày là một chính sách “mở” mà Chính phủ đã tạo điều kiện cho cư dân biên giới để qua lại trao đổi, mua bán hàng hóa với nhau, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu,… Đây được cho là chính sách đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với đời sống của người dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng đang bộc lộ những kẽ hở, tạo cơ hội cho “trùm” buôn lậu lợi dụng vận chuyển hàng lậu qua cửa khẩu công khai mà không hề bị xử lý, gây thất thu thuế không nhỏ cho ngân sách Nhà nước, “mở lối” cho hàng lậu dễ dàng tràn vào thị trường Việt Nam.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại 7 tháng đầu năm trên địa bàn diễn biến còn rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, khó khăn cho công tác quản lý. Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn đã bắt giữ và xử lý 2.153 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại các điểm nóng buôn lậu trên địa bàn thì đây chỉ là con số bề nổi, thực tế diễn biến tình hình còn phức tạp hơn rất nhiều.

Rời Lạng Sơn, hình ảnh “cửu vạn” ngày đêm vác hàng qua biên giới, hay những ngôi nhà án ngữ trên các đường mòn ở các điểm Song Giáp, Khánh Khê để các đối tượng “trưng dụng” thành các kho hàng mà lực lượng chức năng có trách nhiệm vẫn làm ngơ để thực trạng này diễn ra đã ám ảnh tôi suốt chặng đường. Với suy nghĩ, nếu các lực lượng chức năng có trách nhiệm vẫn “dung túng” thì người dân vẫn còn phải sử dụng hàng kém chất lượng, cư dân biên giới vẫn hành nghề mang vác hàng thuê và các đối tượng đầu nậu vẫn làm giàu bất chính gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Điều đó có nghĩa, để công tác chống buôn lậu ở Lạng Sơn thật sự đi vào thực chất vẫn là những câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/buon-lau-o-lang-son-nhung-goc-khuat.aspx