Buôn lậu ngày cận Tết: Nóng bỏng trên tuyến biển

Là thành phố vùng biên duy nhất trên cả nước có cả đường bộ và đường biển, tuy đã vào thời điểm giáp Tết, nhưng hoạt động vận chuyển hàng hóa trái phép bằng đường biển từ Móng Cái vào đất liền vẫn diễn ra nóng bỏng. Đối tượng sử dụng tàu từ 6 đến 8 máy công suất 70 mã lực, lắp đặt định vị và vệ tinh, sẵn sàng lao vào tàu của lực lượng chống buôn lậu.

Hàng cấm đi trên biển

Có mặt trên tuyến biển Quảng Ninh vào những ngày giáp Tết, thời tiết chuyển sang mưa rét, sương mù dày đặc, đây là điểm gây hạn chế tầm nhìn và quan sát của lực lượng chống buôn lậu. Với trên 200km đường biển chạy dài, hàng nghìn tàu thuyền hoạt động ra vào vùng biển mỗi ngày, hoạt động buôn lậu đã lợi dụng vào đặc điểm này để khai thác triệt để. Sương mù cũng là thời cơ thuận lợi để tàu buôn lậu chạy ra khơi xa, trốn tránh tầm kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu.

“Chống buôn lậu trên biển phụ thuộc nhiều vào con nước và thời tiết. Sương mù mà không cẩn thận còn đi lạc đường, nếu gặp bão mà đi bằng phương tiện nhỏ thì không ra khơi được. Phương tiện của chúng tôi chưa vươn được ra khơi xa” - ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan số 2, Cục Hải quan Quảng Ninh nói về những khó khăn khi thi hành nhiệm vụ gặp phải trên biển.

Tàu của Đội kiểm soát Hải quan số 2 so với một số phương tiện lắp từ 6 đến 8 máy 70 mã lực của đối tượng buôn lậu chạy ngoài khơi xa thì không đuổi kịp. Để vận chuyển hàng cấm, biết là bị bắt kiểu gì cũng bị xử lý hình sự, các đối tượng điều khiển tàu bỏ chạy, thậm chí còn liều lĩnh “cảm tử” đâm vào tàu của lực lượng chống buôn lậu để thoát thân.

Để đối phó với những tàu lớn này, lực lượng Hải quan đều phải phối hợp với Bộ đội Biên phòng hoặc Cảnh sát biển mới có thể tóm gọn. Tuy nhiên, để bắt được những tàu buôn lậu này không phải dễ bởi đối tượng đầu tư phương tiện rất hiện đại, lắp đặt hệ thống định vị và vệ tinh, dễ dàng phát hiện đá ngầm, nên chúng cho tàu chạy mà không cần điều khiển.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt một vụ buôn lậu trên biển.

Theo Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh thì hàng lậu chủ lực đi trên tuyến biển thời điểm này là pháo, rượu, thuốc lá, sản phẩm động vật hoang dã. Vùng biển rộng, không nhiều trạm kiểm soát như trên bộ, nên đối tượng dễ dàng giấu hàng cấm trong các khoang, vách ngăn của tàu, sau đó phủ hàng hóa bình thường lên trên.

Ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết: “Qua công tác tuần tra phát hiện tại khu vực biển Đầu Tán, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái, đơn vị đã phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia bắt giữ tàu gỗ không BKS do bà Nguyễn Thị Răm, trú tại Thái Bình là chủ tàu cùng 2 đối tượng đi trên tàu là ông Đặng Văn Cường và Trần Văn Chiến (đều trú tại Thái Bình) vận chuyển trên 2 tấn pháo nổ các loại. Chi cục Hải quan cửa khẩu Vạn Gia đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển Công an TP Móng Cái. Đối tượng đã lợi dụng phương tiện và ngư trường đi thông thương vùng biển của hai nước để vận chuyển pháo về tiêu thụ”.

Trung tá Vũ Văn Hưng, Chính trị viên Hải đoàn 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết: “Hàng cấm giấu trong các khoang dưới đáy tàu, hoặc để lẫn trong hàng hóa, nếu không kiểm tra kỹ, khó lòng mà phát hiện”.

Sau khi nhận được tin báo có đối tượng đang vận chuyển hàng cấm nghi là thuốc lá điếu trên tàu sắt không BKS chuẩn bị bốc hàng tại khu Bến Cá thuộc thôn 1, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, Trạm Kiểm soát liên hợp km 15- Bến tàu Dân Tiến đã tổ chức triển khai lực lượng bắt giữ và phát hiện 138 thùng thuốc lá giấu dưới đáy tàu, bên trên phủ một lớp tôn, nếu không tìm kỹ cũng không ai nghĩ dưới đáy tàu lại có thêm một khoang chở hàng.

Xăng dầu, than vận chuyển bằng đường biển

Xăng dầu, than, hải sản là mặt hàng buôn lậu vận chuyển quanh năm trên tuyến biển và luồng đi của những con tàu này đều ngoài khơi xa để vượt ra khỏi hải phận mà Quảng Ninh quản lý. Lợi dụng ngư trường ngoài khơi, đối tượng đầu nậu thuê ngư dân vận chuyển xăng dầu bằng chính tàu của mình.

Các vụ bắt giữ vừa qua thì đối tượng vận chuyển hàng lậu là thuyền trưởng, thủy thủ, ngư dân. Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh thì địa bàn trọng điểm là khu vực cảng Cẩm Phả, Hà Khánh, Nam Cầu Trắng, cụm cảng km6, Khe Dây, Cầu 20, khu vực biển Cửa Đối, Thượng Hạ Mai, khu vực tiếp giáp với Kinh Môn (Hải Dương) và Thủy Nguyên (Hải Phòng), khu vực trong và ngoài đảo Trần, Bạch Long Vĩ.

Theo Cục Hải quan Quảng Ninh thì lợi dụng vào tàu cá của ngư dân hoạt động ngoài khơi, đối tượng thuê chủ tàu vận chuyển xăng dầu để dễ bề ngụy trang qua mặt lực lượng kiểm soát. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia và Đội Kiểm soát Hải quan số 2 vừa phối hợp tuần tra kiểm soát tại khu vực cảng biển Vạn Gia, Móng Cái thì nhận được tin báo của quần chúng về việc có đối tượng dùng tàu cá BKS QN-3095-TS vận chuyển dầu diezel.

Sau khi xác minh nguồn tin, các đơn vị triển khai lực lượng bắt giữ phương tiện QN 3095 TS do ông Lê Sỹ Hải, trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh điều khiển, bắt giữ 3.500 lít dầu diezel, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.

Theo Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh thì năm 2016 đơn vị đã kiểm tra bắt giữ 21 vụ với 25 phương tiện vận chuyển 30.014 lít dầu DO và 55 tấn dầu FO. Điển hình là vụ bắt giữ tàu cá QN-1765 trọng tải 11.000 tấn tại biển Vân Đồn đang vận chuyển trái phép 10.000 tấn dầu. Tại cảng Cẩm Phả, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh kiểm tra tàu vỏ sắt mang tên Tuấn Anh 18, không BKS do Vũ Đức Phán điều khiển chở 25.000 lít dầu diezel.

Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, giáp Tết hoạt động buôn lậu trên tuyến biển vẫn diễn ra tương đối nóng bỏng. Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu thường mua than không có nguồn gốc hợp pháp hoặc thu gom than trôi nổi của các lò than thổ phỉ, của những người làm nghề thu nhặt, khai thác than trái phép trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê tiêu thụ trong nội địa. Mội số đối tượng (cá nhân, doanh nghiệp) ký kết các hợp đồng vận chuyển, tiêu thụ than nội địa hoặc sử dụng hóa đơn chứng từ lô hàng đã xuất khẩu, lô hàng bị tịch thu để vận chuyển tiêu thụ than trái phép.

Theo ông Nguyễn Tiến Hùng thì đang xuất hiện tình trạng vận chuyển than trái phép vào các bến bãi tại Hải Phòng, Hải Dương sàng lọc lại, sau đó lấy hồ sơ vận chuyển vào các nhà máy ở miền Trung, miền Nam làm hợp đồng mua bán. Khi có hợp đồng các đối tượng vận chuyển ngược trở lại nhưng lợi dụng vào thủy triều tàu chở than đi vào luồng quốc tế và xuất lậu sang Trung Quốc.

Đối với mặt hàng pháo, hải sản, đối tượng dùng các loại thuyền gỗ, tàu cá của ngư dân lợi dụng thủy triều, luồng lạch, giờ cao điểm để vận chuyển. Riêng mặt hàng thuốc lá điếu và rượu ngoại đối tượng sử dụng xuồng cao tốc vận chuyển từ Trung Quốc vào nội địa.

Trần Hằng – Xuân Mai

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/buon-lau-ngay-can-tet-nong-bong-tren-tuyen-bien-425870/