Bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Gần 200 quốc gia cuối tuần qua đã đạt thỏa thuận cắt giảm phát thải khí HFC tại Kigali, Rwanda (Thỏa thuận khí hậu Kigali).

Giới chức các nước hôm 15/10 đã hội đàm tại Rwanda và đi tới quyết định mở rộng Nghị định thư Montreal, bao gồm việc giảm phát thải các loại hydrofluorocarbons (HFC) thông qua thỏa thuận khí hậu Kigali. Các loại HFC (sử dụng chủ yếu trong các thiết bị máy lạnh, tủ lạnh) được coi là có tác dụng cực mạnh gây hiệu ứng nhà kính, thậm chí mạnh hơn CO2 gấp 1.000 lần.

HFC không phá hủy tầng ozone nhưng góp phần gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tổng lượng phát thải HFC hiện vẫn ở mức cho phép, tuy nhiên lại gia tăng mạnh ở 7 - 15%/năm ở các quốc gia nhiệt đới như Brazil, Ấn Độ, nơi các mặt hàng máy lạnh tiêu thụ rộng rãi.

HFC là chất thướng sử dụng trong các sản phẩm điện lạnh.

Những đảo quốc nhỏ, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hiện tượng ấm lên toàn cầu dẫn đến nước biển dâng cao, nhiều năm qua đã không ngừng thúc giục thỏa thuận hạn chế phát thải HFC.

Trong khi đó, các cường quốc lại chần chừ. Mỹ từng “hứa” sẽ có cam kết kết pháp lý trước năm 2021, Trung Quốc là năm 2023, Malaysia là năm 2025 và Ấn Độ thậm chí hẹn ước còn xa hơn - vào năm 2030. Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu kỳ vọng một “thời khóa biểu” chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão lũ ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc và cường độ mạnh mẽ từ khu vực châu Mỹ tới Thái Bình Dương gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu về sự nguy hiểm của việc Trái đất ấm lên. Thỏa thuận cắt giảm HFC ra đời trong bối cảnh đó.

Thỏa thuận này mang tính ràng buộc, với sự tham gia của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, chia các quốc gia thành 3 nhóm với những thời hạn khác nhau để cắt giảm việc sử dụng các loại HFC. Cụ thể, những quốc gia phát triển, bao gồm các nước châu Âu và Mỹ, cam kết giảm dần việc sử dụng HFC, bắt đầu cắt giảm 10% vào năm 2019 và đến năm 2036 là 85%. Hai nhóm các quốc gia đang phát triển sẽ bắt đầu cắt giảm dần sử dụng HFC từ năm 2024 hoặc 2028. Cho tới năm 2050, thỏa thuận này hướng tới giảm 100 - 200 tỷ tấn CO2 phát thải.

Mục tiêu cốt lõi là buộc các cường quốc phải có hành động mau lẹ hơn để các quốc gia kém phát triển có thêm thời gian ứng phó biến đổi khí hậu. Thỏa thuận khí hậu mới còn đem lại lợi ích cho môi trường thông qua tác động vào các nhà sản xuất. Với thỏa thuận này, các nhà sản xuất điện lạnh vừa phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời đảm bảo giảm phát thải; nhờ đó thôi thúc họ tìm ra những thiết kế thân thiện với môi trường hơn. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Một mặt loại trừ nguyên nhân ô nhiễm môi trường và mặt khác tìm cách ứng phó với hậu quả của nó. Theo Liên Hợp quốc, việc loại trừ hoàn toàn HFC sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD, nhưng đồng thời sẽ là một bước tiến vượt bậc trong việc ngăn Trái đất ấm lên.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-khi-moi-trong-cuoc-chien-chong-bien-doi-khi-hau-257599.html