Bước tiến mới

Gần 1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện có 6 người kê gian, khai bậy và 2 người bị xử lý là minh chứng việc triển khai kê khai tài sản quá hình thức, chiếu lệ.

Các văn kiện, nghị quyết của Trung ương đều nhìn nhận việc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng. Giải pháp nào đây? Chẳng thế mà có người đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho thu hồi hết tiền giấy đang lưu thông để chỉ in phát hành loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng để chặn tay quân tham nhũng, hối lộ. Tài thánh mà phong bao vài trăm triệu, vài ba tỉ khi chỉ có toàn tiền 20.000 đồng! Mới đây lại có đề xuất, cán bộ không được nhận các món quà trị giá trên 2 triệu đồng. Làm sao biết gói quà biếu sếp trị giá bao nhiêu mà định lượng trên 2 triệu đồng để cấm.

Đã mấy nhiệm kỳ, Trung ương Đảng và Chính phủ đều đặt vấn đề thực hiện kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức. Tuy nhiên, công việc hệ trọng này đang được thực hiện cực kỳ chiếu lệ. Trước hết là kê khai “cả làng”. Ai đời chỉ có trên 2,5 triệu cán bộ, công chức mà có đến gần 1 triệu người phải kê khai. Hơn nữa việc kê khai bổ sung tài sản phát sinh trị giá trên 50 triệu đồng lại chỉ được làm trong nội bộ Đảng, muốn khai thì khai, không khai thì thôi.

Điều bất cập nhất trong việc kê khai tài sản hiện nay là không công khai. Ngay trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV vừa qua, các ứng viên cũng không thực hiện công khai tài sản.

Trong khi đó ở Mỹ, công dân biết rành rẽ ông Obama có bao nhiêu tiền bạc, tài sản khi mãn nhiệm vào tháng 11 này. Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel cũng đều công khai tài sản, lương bổng trước quốc dân.

Trong khi ở ta, không một Ủy viên Trung ương nào biết được đồng cấp của mình có bao nhiêu nhà đất, tài sản. Và cũng như vậy, các đại biểu Quốc hội cũng chẳng hay biết gì về tài sản của các thành viên cơ quan quyền lực Nhà nước. Vậy mới có chuyện, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bị coi là “tham nhũng nhà đất” phải trả lại thửa đất số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre và căn hộ ở TP Hồ Chí Minh được cấp, được mua trái phép. Còn bà đại biểu Quốc hội (khóa XIII) Châu Thị Thu Nga bị khởi tố vì lừa đảo chiếm đoạt của công dân mấy trăm tỉ đồng khi đang là đại biểu Quốc hội. Nếu việc kê khai tài sản nghiêm túc, thực chất, chắc chắn hai nhân vật này sẽ không dính chàm.

Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới đây đã thông qua việc bổ sung quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.

Điểm nhấn nổi bật tại quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII vừa được Trung ương thông qua là bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra trong việc kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các chuyên gia nhận xét đây là một bước tiến mới giúp cho việc kê khai tài sản đi vào thực chất hơn. Trên thực tế, cho đến nay chúng ta chưa có bất cứ một cơ quan chuyên biệt nào được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát xác minh xem bản kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức có đúng hay không, nghĩa là vẫn hoàn toàn trông chờ vào ý thức tự kê khai của người phải kê khai.

Hội nghị Trung ương lần thứ 3 vừa qua đã đặt quyết tâm chính trị cao, quyết tạo ra một bước tiến lớn, giải pháp mới trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Quy chế này được thông qua, trước hết, những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - những người đứng đầu tổ chức Đảng, Nhà nước ở Trung ương sẽ phải gương mẫu trong việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.

Quan trọng hơn, từ nay việc kê khai tài sản của cán bộ đã có một cơ quan cụ thể được phân công, được giao cho quyền kiểm tra, giám sát. Các bản kê khai không bị “niêm phong” trong tủ hồ sơ nữa mà có thể bị đem ra kiểm tra, xác minh bất cứ lúc nào. Đương nhiên, nếu kiểm tra phát hiện cán bộ kê khai không trung thực sẽ phải có chế tài xử lý. Đối với những cán bộ, công chức bị “nghi vấn” giàu nhanh hay có nhiều đơn thư khiếu nại, bị dân phản ánh, việc kê khai tài sản sẽ được xử lý một cách minh bạch, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, phát hiện và chống tham nhũng.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ chống ở cán bộ lãnh đạo cấp cao mà trong toàn xã hội. Không phải Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 500 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì có nghĩa là những cán bộ ở cấp dưới, ở bộ, ngành, địa phương sẽ ở ngoài vòng kiềm tỏa.

Căn cứ vào quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và lấy đó làm gương, Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy… cũng sẽ triển khai việc giám sát, kiểm tra kê khai tài sản với cán bộ thuộc diện quản lý của mình .

Động thái mới về kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo hy vọng sẽ là “vòng kim cô”, “pháp bảo” mới cho công tác phòng chống tham nhũng nếu nhiệm vụ quan trọng này không sa vào tình trạng “trên quyết dưới liệt”.

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/buoc-tien-moi-450116.html