Bước tiến lớn của OPEC

Lần đầu kể từ năm 2008, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Quyết định này được nhiều nước xuất khẩu dầu hoan hỷ đón nhận và lập tức đẩy giá “vàng đen” vượt mốc 50 USD/thùng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, giá dầu thế giới vẫn khó tăng cao trong thời gian tới và việc nước Mỹ có tăng sản lượng khai thác dầu khí hay không sẽ vẫn là một “ẩn số” lớn của thị trường dầu mỏ trong năm 2017.

Tại cuộc họp hôm 30-11 ở Viên (Áo), các nước OPEC đã đạt thỏa thuận lịch sử là nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Theo thỏa thuận, từ ngày 1-1-2017, các nước OPEC sẽ giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ mức chính thức 33,6 triệu thùng/ngày hiện nay. Theo tuyên bố của OPEC, A-rập Xê-út sẽ giảm sản lượng 486.000 thùng/ngày xuống còn 10,1 triệu thùng/ngày; I-rắc giảm 210.000 thùng/ngày xuống còn 4,4 triệu thùng/ngày; Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) giảm 139.000 thùng/ngày xuống còn 2,9 triệu thùng/ngày… I-ran được đồng ý tăng sản lượng lên mức 3,8 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Cũng theo thỏa thuận, Li-bi và Ni-giê-ri-a được miễn thực hiện cắt giảm. Chỉ duy nhất In-đô-nê-xi-a phản đối thỏa thuận này và quyết định đình chỉ tư cách thành viên OPEC. OPEC cũng đạt một thắng lợi quan trọng nữa là Nga, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất không phải thành viên OPEC, cũng tuyên bố sẵn sàng giảm 300.000 thùng/ngày vào năm sau để ủng hộ thỏa thuận của OPEC.

Nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ trong OPEC đã hoan hỷ đón nhận quyết định nói trên của OPEC chẳng khác nào “đất hạn gặp mưa rào”, bởi trong khoảng hai năm qua, những quốc gia này đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến giá dầu giữa những ông trùm dầu mỏ Trung Đông và các nhà sản xuất khí đốt đá phiến tại Mỹ. Để giành thị phần, một số nước xuất khẩu dầu mỏ đứng đầu là A-rập Xê-út đã đẩy mạnh khai thác, tăng nguồn cung, làm giảm giá dầu nhằm “bóp chết” các công ty khai thác khí đốt đá phiến của Mỹ đang trở thành thế lực mới trên thị trường năng lượng thế giới. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày, móng tay nhọn”, các nhà khai thác dầu khí của Mỹ đã liên tiếp cải tiến công nghệ để giảm giá thành và trụ vững trong cuộc khủng hoảng giá “vàng đen” thời gian qua. Các báo cáo gần đây cho thấy, những công ty sản xuất dầu đá phiến ở Tếch-dát và Bắc Đa-cô-ta có khả năng xoay xở với mức giá thấp tốt hơn nhiều so với trước đây. Bởi thế, việc các nước OPEC đẩy giá dầu giảm sâu chẳng khác nào “tự lấy đá ghè chân mình”. Một số thành viên OPEC, điển hình là Vê-nê-xu-ê-la, đã lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đầu tàu trong OPEC là A-rập Xê-út vốn nổi danh là đất nước giàu có và xa hoa, cũng phải “thắt lưng buộc bụng” khi ngân sách thâm hụt trầm trọng vì dầu mỏ rớt giá…

Tại cuộc họp báo sau hội nghị ở Viên, Bộ trưởng Năng lượng Ca-ta và cũng là Chủ tịch OPEC M.Xa-đa khẳng định, quyết định của OPEC là một bước tiến lớn, đây là thời khắc lịch sử giúp tái cân bằng thị trường và giảm sản lượng dư thừa. Theo ông, thỏa thuận mới sẽ giúp tăng lạm phát toàn cầu lên mức lành mạnh hơn, trong đó có Mỹ. Cô-oét cũng cho rằng, động thái này sẽ chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ. Các thị trường dầu mỏ và chứng khoán cũng lập tức có phản ứng tích cực đối với quyết định giảm sản lượng của OPEC. Theo đó, tính đến cuối phiên giao dịch ngày 30-11, giá dầu Brent giao tháng 1-2017 đã tăng 3,86 USD, tương đương 8,3%, lên 50,214 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 3,66 USD, đạt 48,89 USD/thùng. Trong khi đó, tại Niu Oóc, chỉ số chứng khoán Dow Jones đã mở phiên tăng cao kỷ lục nhờ thông tin OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng dầu.

Tuy nhiên, bất chấp việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên được các nước OPEC ngợi ca là “bước tiến lớn”, các nhà phân tích vẫn không quá lạc quan về triển vọng giá dầu sẽ tăng cao. Một số chuyên gia cảnh báo, việc giá dầu tăng mạnh phiên 30-11 chỉ là những phản ứng trong ngắn hạn. Thực tế, việc giá dầu tăng hay giảm chủ yếu phụ thuộc vào cung - cầu. Xét về cung, dù OPEC và Nga không tăng sản lượng, nhưng nguồn cung từ Mỹ có thể vẫn tăng, đặc biệt dưới thời chính quyền mới ở Mỹ. Xét về cầu, triển vọng tăng giá dầu cũng không khả quan, do kinh tế thế giới tăng trưởng yếu và ước đạt tốc độ trung bình khoảng gần 4%/năm từ nay tới năm 2020, khiến nhu cầu dầu không tăng mạnh. Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út K.Pha-li dù đánh giá cao quyết định của OPEC, song vẫn khá thận trọng khi cho rằng, thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng cung cầu trong năm 2017. Theo ông, việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ chưa phải là giải pháp duy nhất, vì việc duy trì sản lượng ở mức hiện tại của OPEC là phù hợp, nhưng cần có biện pháp để phục hồi, tăng mức tiêu thụ dầu thô và sản phẩm dầu khí tại các thị trường, nhất là thị trường Mỹ.

Theo các nhà phân tích, quyết định giảm sản lượng của OPEC dù đã đạt “bước tiến lớn”, nhưng chỉ là sự thống nhất nội bộ, trong khi thực tế, những vấn đề nằm bên ngoài OPEC mới thực sự có ảnh hưởng giá “vàng đen” trong dài hạn. Trong đó, “nhân tố Mỹ” vẫn đang là một ẩn số có tính quyết định tương lai thị trường dầu mỏ. Thực tế này cho thấy, muốn bình ổn giá dầu, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC cần bắt tay nhau, coi nhau là đối tác hơn là đối thủ trên thị trường.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/31435102-buoc-tien-lon-cua-opec.html