Bước tiến dài chuỗi rau thịt Hà Nội

Năm 2015, Bộ NN-PTNT thành lập Ban điều phối và Tổ công tác giúp việc Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám. Ảnh: PV

Sau hơn một năm triển khai trên diện rộng, đến nay Hà Nội đã thiết lập được hệ thống kiểm soát cung ứng các sản phẩm rau, thịt vô cùng đa dạng và phong phú.

Là đô thị lớn thứ hai cả nước, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm hàng ngày của Hà Nội vô cùng lớn, trong khi nguồn cung sản xuất của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60%, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, trước đây, việc quản lí, kiểm soát các sản phẩm nông nghiệp, trong đó chủ lực là rau và thịt từ các địa phương khác về Hà Nội luôn là dấu hỏi lớn, nan giải. Bắt đầu từ năm 2015, nhờ sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, TP Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm do đích thân Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban với mục tiêu từng bước thiết lập hệ thống kiểm soát toàn bộ mặt hàng thực phẩm trên địa bàn Thủ đô.

Tại Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Hà Nội) và Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp tổ chức sáng 12/10, các bên đã cùng nhìn lại những thành quả đạt được và rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc phối hợp trong các năm tiếp theo.

Một trong những nội dung quan trong của chuỗi, Chi cục Thú y Hà Nội đã ký kết biên bản thỏa thuận phối hợp về công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật với 24 tỉnh, thành phố có chương trình hợp tác với Hà Nội (trong đó có 21 tỉnh thành viên Ban điều phối).

Các bên tham dự Hội nghị ký kết cung ứng nông sản an toàn theo chuỗi vào Hà Nội. Ảnh: PV

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã ký kết Chương trình phối hợp công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với chi cục 20 tỉnh, thành phố thành viên nhằm tăng cường, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau khâu phân tích, lấy mẫu, trao đổi kết quả.

Chi cục BVTV phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Sơn La thống nhất chọn sản phẩm rau bản địa, gồm: rau khởi tử, cải mèo, rau bò khai, cải bắp xòe, khoai sọ chân chó, su su, tương ớt; rau trái vụ, gồm: cải bắp, cà chua, cải thảo, ngọn su su, quả su su, mướp, bầu… để cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nội đề xuất Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành một bộ tiêu chí chuẩn chất lượng an toàn (Bộ tiêu chuẩn hợp qui) để các tổ chức, cá nhân căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn được công bố và tự chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật để đảm bảo tính chủ động và giảm thiểu tối đa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt trên thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sớm đưa tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm là một tiêu chí cơ bản trong việc xây dựng và công nhận các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn, thúc đẩy nông nghiệp của các địa phương phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh tại Hội nghị. Ảnh: PV

Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách hỗ trợ vùng sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi nông sản để tạo ra sự liên kết giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, năm 2016 được Bộ NN-PTNT coi là năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng tươi sống. Bản thân người tiêu dùng và cả nhà sản xuất sạch hiện đều đang cần các sản phẩm nông nghiệp có xác nhận an toàn. Do đó, việc TP Hà Nội chọn hướng đi bằng việc xây dựng các chuỗi rau thịt an toàn có kiểm soát và truy xuất nguồn gốc là chủ trương vô cùng đúng đắn.

Đặc biệt, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao việc Hà Nội quy trách nhiệm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người đứng đầu cũng như không ngừng đầu tư con người, trang thiết bị tốt nhất cho thấy quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của Hà Nội tiếp tục củng cố và phát triển thêm nhiều chuỗi nông sản an toàn, chất lượng cao hơn nữa nhằm đưa Hà Nội trở thành địa phương tiên phong, kiểu mẫu trong việc quản lí và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp.

Chín tháng năm 2016, các tỉnh đã cung cấp cho thành phố Hà Nội lượng nông sản thực phẩm khá lớn như: Sơn La hơn 4.000 tấn rau, củ, quả và thịt lợn; Tuyên Quang gần 100 tấn cam sành Hàm Yên, 1 tấn chè, 26,5 tấn miến dong, 1,5 tấn cá lăng, gần 2.000 chai mật ong…; Thái Nguyên cung cấp 80 tấn thịt/ngày (50 tấn thịt lợn, 30 tấn thịt gà), trên 20.000 tấn rau/năm; Hòa Bình cung cấp 160 tấn cá sông Đà/năm; rau hữu cơ và rau su su 900 tấn/năm; thịt lợn hữu cơ 20 tấn/năm…; Bắc Kạn cung cấp bí thơm 35 tấn, măng khô 2,5 tấn, bún khô 3,6 tấn, phở khô 6 tấn, hồng không hạt 3 tấn, miến 107 tấn, rau bò khai 3 tạ/tháng, măng tươi 5 tạ/tháng, gạo Bao Thai Chợ Đồn 5 tấn...

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/buoc-tien-dai-chuoi-rau-thit-ha-noi-post177454.html