Bước qua định kiến

Đưa người già vào Viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi là điều rất bình thường với những quốc gia phát triển. Tuy nhiên, lựa chọn này còn khá khó khăn với nhiều gia đình Việt Nam vì mang tiếng bạc đãi bố mẹ. Thế nên, phía sau cánh cổng viện dưỡng lão là những câu chuyện khiến chúng ta phải nghĩ suy.

Theo các chuyên gia tâm lý, trong xã hội ngày nay, người cao tuổi luôn thấy lạc lõng giữa cuộc sống hối hả với cơm, áo, gạo, tiền. Vợ, chồng đi làm tối ngày, các cháu mải miết với chuyện học, thế nên không ít cụ tâm sự họ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Ngoài thời gian làm việc nhà, ôm tivi mãi cũng chán, muốn trò chuyện với con, cháu thì chúng không có thời gian, thế là đành “nhấm nháp” nỗi cô đơn ngày qua ngày.

Hàng trăm cụ già đã đến tham gia và chia sẻ tâm tư của mình triển lãm “Chuyện tuổi già” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Bên lề triển lãm ảnh “Câu chuyện tuổi già” mới đây (do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức tổ chức) nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi , cụm từ “buồn”, “cô đơn” là tâm tư chung được chia sẻ khi chúng tôi có dịp tiếp xúc với 33 cụ già đến từ một viện dưỡng lão ở Hà Nội.

Bà Lê Thị Nhật, 84 tuổi, ở Trần Quốc Toản, (Hoàn Kiếm) kể, bà bị khớp, mỗi lần đi lại rất đau, hàng xóm cũng là “hàng phố”, người ta ít qua lại nên suốt ngày chỉ biết ở trong nhà. Còn cụ Nguyễn Thị Lai, 90 tuổi ở Vọng Đức, Hoàn Kiếm thì thốt lên: “Buồn, cô đơn lắm. Các con, cháu đi học, đi làm từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối mới thấy mặt. Ở nhà với giúp việc không thấy thoải mái. Nhưng biết đi đâu để tâm sự vơi đi nỗi buồn tuổi già bây giờ”.

Người nổi tiếng, hay người xuất thân từ lao động đều có mẫu số chung khi về già đó là nỗi cô đơn. Chính vì thế, đạo diễn, NSND Trần Phương nổi danh một thời, giờ đây cũng rưng rưng kể: “Chục năm nay tôi do sức khỏe không tốt nên không làm gì được nữa, nhiều khi tôi sợ nói chuyện không phù hợp với con cháu, thành ra thấy lúng túng trước bọn trẻ”.

Thế nên, để vơi đi nỗi buồn, nhiều cụ muốn nộp đơn vào viện dưỡng lão, song lại bị các con ngăn cản. Đơn giản, nếu các con đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão sẽ bị tiếng “bất hiếu”. Trong khi các trung tâm chăm sóc người già, viện dưỡng lão thực sự là nơi để các cụ hưởng tuổi già đích thực.

Và quả thật, một khi chúng ta phải quay cuồng với câu chuyện mưu sinh - làm giàu thì việc lựa chọn đưa bố mẹ đến viện dưỡng lão hay trung tâm chăm sóc người già thì chẳng có gì là bất hiếu. Với tuổi già, các cụ luôn sợ nỗi cô đơn.

Bằng chứng, cụ Hồ Tấn Thạch, 88 tuổi ở Yên Viên (Gia Lâm) kể: “Vợ mất, tôi ở với con gái, hàng ngày con gái đi làm từ sáng đến tối mới về, có một mình tôi ở nhà, cô đơn và buồn lắm. Con gái đưa tôi vào Trung tâm 3 tháng nay rồi. Ở đây tôi thấy vui và thoải mái, có bạn để tâm sự, được chăm sóc chu đáo, sức khỏe tốt lên nhiều. Tôi không muốn về nhà nữa, sẽ ở đây đến cuối đời”. Hay như cụ Nguyễn Thị Lai, gia đình có điều kiện nhưng bà lại thích sống ở viện dưỡng lão. Bà kể, lúc đầu tôi muốn đến trung tâm chăm sóc người cao tuổi, các con cháu lưỡng lự lắm vì sợ mang tội bất hiếu, nhưng thuyết phục mãi các con đành chấp nhận. “Qua một thời gian sinh hoạt ở đây, thú thật tôi vẫn thích sống ở Trung tâm hơn”- cụ Lai cho hay.

Chị Lê Thanh Thúy 32 tuổi ở Lò Đúc, Hà Nội (con cụ Nguyễn Thị Lai) chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão. Cứ nghĩ để các cụ ở trong đấy dù đầy đủ thì vẫn thương lắm. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình không có thời gian, đến bữa cơm tối cho cả nhà cũng khó. Vì vậy, tôi lựa chọn đưa bố mẹ vào trung tâm và thăm hỏi thường xuyên thì vẫn còn có trách nhiệm”. Cùng quan điểm này, anh Lê Văn Thành – con rể cụ Nguyễn Thị Hải cũng tâm sự: “Gia đình từng thuê người giúp việc chăm sóc cụ, nhưng gia đình và bản thân các cụ cũng không hài lòng, con cái đã không coi bố mẹ ra gì rồi cũng chẳng đưa bố mẹ vào trung tâm vì sợ tốn tiền, như vậy mới là bất hiếu.”

Từ những câu chuyện đời thường của các cụ già, chắc hẳn trong mỗi người trẻ đều tự đặt ra câu hỏi, đã bao giờ, người trẻ chúng ta thử sống chậm lại, đặt mình vào thế giới ấy để thấu hiểu ông bà, cha mẹ mình đang nghĩ gì, mong muốn gì? Từ đó, mỗi người sẽ bớt chút thời gian để lắng nghe tâm sự của người già để hiểu hơn và yêu thương hơn người cha, người mẹ của mình. Và quả thật, một khi chúng ta phải quay cuồng với câu chuyện mưu sinh- làm giàu thì việc lựa chọn đưa bố mẹ đến viện dưỡng lão hay trung tâm chăm sóc người già thì chẳng có gì là bất hiếu. Với tuổi già, các cụ luôn sợ nỗi cô đơn.

Tuệ Liên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/buoc-qua-dinh-kien-43530.html