Bước phát triển mới trong quan hệ ASEAN - Mỹ

Quan hệ Mỹ-ASEAN đã có bước phát triển tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ hai, vừa diễn ra ngày 24-9 tại New York (Mỹ) sau khi hai bên ra Tuyên bố chung, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt ASEAN – Mỹ, và nhất trí phấn đấu đưa quan hệ ASEAN – Mỹ phát triển lên tầm cao mới.

Các nhà lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Obama Dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010 và Tổng thống Mỹ Barack Obama, các nhà lãnh đạo đã tập trung kiểm điểm những tiến triển tích cực trong quan hệ đối thoại ASEAN - Mỹ, nhất là kể từ Hội nghị lần thứ nhất diễn ra vào tháng 11-2009 tại Singapore; đề ra phương hướng và biện pháp đẩy mạnh quan hệ Đối tác tăng cường trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ đánh giá cao và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại cấp cao giữa hai bên và đồng ý tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ lần thứ ba vào năm 2011, bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Indonesia. Các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ nhất trí tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các thỏa thuận hợp tác hiện có, nhất là Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - Mỹ trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo (2011-2015). Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ hai có ý nghĩa quan trọng cho cả Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á. Đây là một tín hiệu cho thấy Mỹ đang tìm cách dấn thân toàn diện hơn vào châu Á, trong đó khối ASEAN có vai trò nổi bật. Thái độ quyết đoán của Mỹ tại khu vực này, trong nhiệm kỳ của Tổng thống B.Obama đang khẳng định một cam kết ở mức cao của Washington trong quan hệ Mỹ - ASEAN như một ưu tiên trong chính sách đối ngoại hiện nay của Nhà Trắng. Không quá khó hiểu khi người ta ngày càng nhận ra sự quan tâm của Mỹ đối với ASEAN. Trước đây, dù là cường quốc ở Thái Bình Dương, nhưng Mỹ chưa có một chiến lược châu Á toàn diện. Cách tiếp cận của Mỹ với châu Á thời gian qua được giới quan sát đánh giá: Chỉ tập trung chủ yếu vào khu vực Đông Bắc Á với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong khi đó, Mỹ chưa bao giờ có một chiến lược rõ ràng với ASEAN. Đây là nguyên nhân căn bản khiến ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á không được mở rộng. Trước sự nổi lên nhanh chóng của “hai người khổng lồ” là Trung Quốc và Ấn Độ, quyền lợi của Mỹ ở khu vực châu Á đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt. ASEAN ngày nay không chỉ là một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện mà đang trở thành một trong những khu vực kinh tế phát triển tiềm năng nhất thế giới. Đông Nam Á với gần 600 triệu dân và GDP đạt 1.100 tỷ USD, có nhiều tuyến đường biển quan trọng trong thương mại thế giới. Hơn thế, Đông Nam Á còn là thị trường lớn thứ 4 khi chiếm 153 tỷ USD đầu tư của Mỹ, chỉ sau NAFTA (Thị trường tự do Bắc Mỹ gồm: Mỹ, Canada, Mexico), Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản; nhiều gấp ba lần mức 45 tỷ USD vào Trung Quốc và gần 10 lần mức 16 tỷ vào Ấn Độ. Có thể nói, ASEAN được coi là “hòn đá tảng” trong chiến lược ổn định của Mỹ tại khu vực châu Á. Đặc biệt, với việc ASEAN phát triển năng động và đang liên kết sâu sắc thành một Cộng đồng kinh tế vào năm 2015, chắc chắn hợp tác kinh tế ASEAN - Mỹ không dừng lại ở mức độ hiện tại. Trong tương lai không xa, Washington sẽ chính thức tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Mặt khác, Washington cũng đang nghiên cứu tính khả thi cho dự án thành lập Khu vực mậu dịch tự do giữa Mỹ và khối ASEAN (để bắt kịp với sự cạnh tranh của Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hàn Quốc, các nước đã hoàn tất Hiệp định Tự do mậu dịch với Đông Nam Á). Với những động thái tích cực, quan hệ giữa Mỹ và ASEAN hy vọng sẽ tạo nên sự hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực và thế giới. Châu Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17703&menu=1440&style=1