Bước khởi đầu quan trọng?

QĐND - Xy-ri đã chấp thuận kế hoạch sáu điểm của đặc phái viên Cô -phi An-nan nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu tại nước này. Tức là, về mặt lý thuyết, sẽ có ngừng bắn để cung cấp viện trợ nhân đạo và cũng sẽ có các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp về chính trị đối với cuộc khủng hoảng.

Đây được coi là một nỗ lực thành công của ông Cô -phi An-nan. Tuy nhiên, thực tế, nỗ lực ấy đã có thể bất thành nếu thiếu đi sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.

Trong quá khứ rất gần, Nga và Trung Quốc đã liên tục phủ quyết các nghị quyết trừng phạt Xy -ri của Hội đồng Bảo an LHQ. Trung tuần tháng 3, chính kiến ấy bất ngờ chuyển hướng. Hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, “không hẹn mà gặp”, đã cùng ủng hộ sáng kiến hòa bình của ông Cô -phi An-nan. Và kết quả, như đã biết. Trở nên hoàn toàn đơn độc, không có gì khó hiểu khi Tổng thống Xy -ri Ba-sa an-át-sát đã hạ giọng. Việc chấp thuận kế hoạch hòa bình của Đa -ma-scút là một “bước khởi đầu quan trọng” để chấm dứt bạo lực tại Xy -ri và tạo ra môi trường để bắt đầu một cuộc đối thoại giữa chính quyền và phe đối lập tại quốc gia này. Hay nói cách khác, Xy-ri đang đứng trước một cơ hội hòa bình không tốn xương máu bằng con đường chuyển giao dân chủ. Nhưng sau bước khởi đầu ấy, mọi sự có diễn ra như mong đợi?

Về mặt lô-gích, khi hai đối thủ cùng ủng hộ một kế hoạch ngưng chiến thì tức là cuộc nội chiến Xy -ri đã xuất hiện “tia sáng cuối đường hầm”. Số phận của ông Ba -sa- an-át-sát sẽ do chính nhân dân Xy -ri quyết định bằng những lá phiếu. Tuy nhiên, đó mới chỉ là lô -gích bề mặt. Trong câu chuyện giải quyết vấn đề xung đột đang diễn ra ở Xy -ri còn xuất hiện nhiều thứ đáng để người ta hoài nghi.

Thứ nhất, ngay sau khi chấp thuận đề nghị hòa bình của ông Cô -phi An-nan - đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A -rập (AL) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xy -ri lại tuyên bố Đa -ma-scút sẽ bác bỏ mọi sáng kiến ở mọi cấp độ của AL nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Xy -ri. Nguyên nhân, có thể nằm ở một dự thảo nghị quyết, mà theo đó, các nước A -rập kêu gọi chính phủ và lực lượng đối lập Xy -ri tiến hành đối thoại dân tộc và coi vụ thảm sát ở khu vực Ba -ba Am của thành phố Hom là tội ác chống lại loài người.

Nếu vụ thảm sát ở Ba -ba Am được coi là tội ác chống lại loài người, Tổng thống Xy -ri sẽ trở thành một tội phạm chiến tranh. Và như thế, tương lai của ông Ba -sa an-át-sát vô cùng đen tối.

Đương nhiên không có chuyện ông Ba -sa an-át-sát tự đưa mình lên đoạn đầu đài. Và kế hoạch hòa bình do một tổ chức quốc tế vốn có quan điểm khá gần gũi với phương Tây như AL sẽ khó có thể thành hiện thực.

Thứ hai, Nga đã ra tuyên bố không tham gia hội nghị “Những người bạn của Xy -ri” tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 4. Nga cho rằng, cuộc gặp này nhằm tạo điều kiện cho sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Xy -ri chứ không nhằm mục đích tìm kiếm con đường đối thoại và giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

Đó là bằng chứng cho thấy, mức độ “thực bụng” của các giải pháp hòa bình cho Xy -ri vẫn khiến người ta phải nghi ngờ.

Thứ ba, Hội đồng dân tộc Xy -ri (SNC), tổ chức đối lập chính ở Xy -ri, trong lúc lên tiếng ủng hộ sáng kiến hòa bình của ông Cô -phi An-nan đã thống nhất các lực lượng và đưa ra đề xuất đặt nền tảng cho một nhà nước mới bao gồm 400 thành viên đối lập với chế độ hiện tại. Tổng thống Ba -sa an-át-sát chắc chắn không bao giờ tin vào một lực lượng lấy danh nghĩa hòa bình nhằm lật đổ chế độ của ông.

Đa -ma-scút tuy chấp thuận sáng kiến của ông Cô -phi An-nan nhưng chưa thực sự tin tưởng vào giải pháp hòa bình do phương Tây sắp xếp. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây vẫn công khai bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào hành động ngừng bắn của Tổng thống Ba -sa an-át-sát. Khi sự nghi kị vẫn hiện hữu, con đường hòa bình cho Xy-ri vẫn còn đầy chông gai.

Huy Đăng

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/71/71/71/182844/Default.aspx