Bước đột phá của Bưu điện - Văn hóa xã

Việc triển khai các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX) đa dịch vụ đã tạo ra bước đột phá trong đổi mới hoạt động của điểm BĐ-VHX, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.

Bưu điện - Văn hóa xã đa dịch vụ

18 năm trước đây, hơn 8000 điểm BĐ-VHX xuất hiện và trở thành một “thiết chế văn hóa”. Tuy nhiên với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sự chuyển mình của chính ngành bưu chính, điểm BĐ-VHX cần phải có hướng đi mới để thực hiện nhiệm vụ và trọng trách mới.

Giờ đây điểm BĐ-VHX vừa là điểm sinh hoạt cộng đồng, duy trì các dịch vụ bưu chính truyền thống mà còn mở rộng thêm nhiều dịch vụ như: các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ viễn thông và sản phẩm hàng hóa tiêu dùng...

Đặc biệt, các điểm BĐ-VHX còn tham gia vào các dịch vụ hành chính công như: chi trả lương hưu, trợ cấp, tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các dịch vụ bán lẻ hàng tiêu dùng về nông thôn với mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ Post Mart... Đây được coi là hướng đi mới, mô hình hoạt động mới của BĐ-VHX hiện nay - mô hình BĐ-VHX đa dịch vụ.

Mô hình điểm BĐ-VHX đa dịch vụ giai đoạn 1 bắt đầu triển khai từ tháng 10/2015 với 232 điểm, tiếp đó tới tháng 5/2016 trên 1.620 điểm cũng được đưa vào cung cấp dịch vụ.

Theo Lãnh đạo Bưu điện Việt Nam, đến nay toàn mạng lưới đã có gần 1.850 điểm BĐ-VHX đa dịch vụ. Mức tăng trưởng bình quân của các điểm đạt từ 15 - 20%. Doanh thu bình quân của mỗi điểm/tháng đạt 20.800.000 đồng. Mặc dù chỉ chiếm 24,5% tổng số điểm BĐ-VHX nhưng 1.850 điểm này đã đóng góp tới 45,4% tổng doanh thu của BĐ-VHX. Năng lực kinh doanh phục vụ của Bưu điện Việt Nam tại thị trường nông thôn đang ngày càng được khẳng định vững chắc.

Việc triển khai các điểm BĐ-VHX đa dịch vụ đã tạo ra bước đột phá trong đổi mới hoạt động của điểm BĐ-VHX, làm thay đổi nhận thức về việc cung cấp sản phẩm dịch vụ bưu điện tại địa phương, đồng thời tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Điều đặc biệt hơn cả là các điểm này còn là nơi đưa sản phẩm, dịch vụ của bưu điện đến gần với người dân vùng nông thôn cũng như trở thành cầu nối liên kết triển khai chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” tới từng người tiêu dùng.

Chú trọng nguồn nhân lực

Ngoài việc được Tổng công ty đầu tư hàng loạt các trang thiết bị như máy tính, máy in, phần mềm, két sắt, bàn quầy, biển hiệu, một trong những điểm quan trọng quyết định tới hiệu quả của mỗi điểm BĐ-VHX đa dịch vụ là nguồn nhân lực.

Thời gian qua, nhiều đơn vị đã tổ chức chọn lựa những nhân viên có tâm huyết, quyết tâm đổi mới và đủ một số điều kiện để tham gia hoạt động tại điểm. Đồng thời tổ chức đào tạo tập trung, đào tạo theo từng chuyên đề cho tất cả các nhân viên.

Hàng nghìn nhân viên điểm BĐ-VHX đã được được tham gia đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, vừa nắm bắt được chủ trương, định hướng phát triển hệ thống điểm BĐ-VHX của Tổng công ty đối với hoạt động tại điểm BĐ-VHX vừa biết cách nâng cao hoạt động của điểm.

Theo đó, BĐ-VHX đang dần trở thành địa chỉ thu hút nhiều lực lượng lao động trẻ, có kĩ năng, có trình độ mong muốn được làm việc và gắn bó lâu dài. Tại rất nhiều địa phương, từ thành thị đến nông thôn, miền núi không ít trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học cũng tham gia làm việc tại điểm BĐ-VHX như: Lào Cai, Thanh Hóa, Đắc Nông...

Tiếp tục hướng đi mới

Dẫu có lúc thăng trầm, nhưng từ khi ra đời đến nay điểm BĐ-VHX luôn là một kênh thông tin hữu ích, góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân vùng nông thôn. Nhiều chương trình, dự án của Nhà nước cũng lựa chọn điểm BĐ-VHX để làm điểm phục vụ của chương trình. Đây cũng là những điểm đưa các dịch vụ tiện ích của bưu điện đến gần với người dân, và là cầu nối chắc chắn của các doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu Việt tới người tiêu dùng nông thôn.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2016, Tổng công ty sẽ triển khai thêm hơn 1.800 điểm đủ điều kiện hoạt động đa dịch vụ. Năm 2017, 2.000 điểm khác sẽ được triển khai theo mô hình đa dịch vụ với các dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu của người dân nông thôn.

Để tăng cường hiệu quả của điểm BĐ-VHX đa dịch vụ hơn nữa, bên cạnh việc tiếp tục cải tiến, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp theo nhận diện thương hiệu của Bưu điện Việt Nam, thời gian tới các đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng đi kèm với nâng cao chất lượng các dịch vụ như: chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện; các dịch vụ hành chính công; tài chính bưu chính, phục vụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Song song đó, các đơn vị cũng thường xuyên lựa chọn và đào tạo nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên. Để dù đến bất cử điểm BĐ-VHX nào, người dân cũng đều cảm nhận được sự năng động, thân thiện, nhiệt tình, tin cậy của các nhân viên tại điểm.

Đăng Chung

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/333671/buoc-dot-pha-cua-buu-dien-van-hoa-xa.html