Bước đi bằng chính đôi chân của mình

Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72 xác định rõ, trước tình hình mới, đòi hỏi lực lượng CAND phải phát huy tinh thần chủ động, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Sự phát triển xã hội là một chuỗi vận động không ngừng. Việc chúng ta chia ra các chặng đường, các mốc 5 năm, 10 năm là để đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ gắn với các dấu mốc của sự phát triển, ở đây là gắn với các kỳ Đại hội Đảng. Do đó, dù 2017 là năm lẻ về con số và không có nhiều sự kiện đại lễ song có ý nghĩa về mặt tinh thần, là động lực để tiến lên phía trước.

Nhìn lại năm 2016, động lực và sự tiến lên ấy đã được hun tạo ngay từ đầu năm, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tuy nhiên, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài từ những năm 2008, 2009 thì đến nay, đà lao dốc ấy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sự tác động tiêu cực của toàn cầu hóa cũng không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Nền kinh tế còn yếu thế và thiếu điểm tựa như chúng ta tất yếu gặp khó trước bão suy thoái kinh tế toàn cầu. Vì thế, kinh tế Việt Nam đã có năm khởi động kế hoạch 2016-2020 không thuận lợi khi tốc độ tăng trưởng GDP ước chỉ đạt 6,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu 6,7% được đề ra từ đầu năm cũng như mục tiêu trung bình của cả nhiệm kỳ từ 6,5-7%.

Nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng còn những tác động từ trong nước như sụt giảm công nghiệp khai khoáng (chủ yếu dầu thô), sự cố môi trường biển... Tuy vậy, đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam cũng ghi nhận nhiều điểm sáng khi Chính phủ hoàn thành 11/13 chỉ tiêu Quốc hội giao như: giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện nghèo...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chặng đường 30 năm đổi mới có thể đánh giá như giai đoạn chạy đà, chuẩn bị tiềm lực cho giai đoạn “cất cánh”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII dùng từ “cải biến sâu sắc” để đánh giá nội hàm chặng đường 30 năm đổi mới, từ một đất nước đói nghèo, rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đã vượt qua “biến cố 1991” khi thành trì CNXH sụp đổ, tự đứng lên, kiên định theo con đường lịch sử đã lựa chọn, tìm tòi, vận dụng những mô hình phát triển để tạo dựng được tiềm lực, vị thế đất nước như ngày nay.

Thành tựu 30 năm đổi mới là minh chứng sống động khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta vừa là nguyện vọng của nhân dân, vừa phù hợp thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

2017 cũng như chặng đường những năm tới dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao song thách thức và áp lực 4 nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra từ Đại hội VIII vẫn diễn biến phức tạp, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ tham nhũng, suy thoái…

Tuy nhiên, xét cho cùng, thời kỳ nào cũng vậy, thời cơ và thách thức là hai phạm trù song hành, chỉ khác tính chất, mức độ. Nhấn mạnh thách thức, xem nhẹ thời cơ sẽ rơi vào tư tưởng quan ngại, chân bước đi mà lòng trĩu nặng. Ngược lại, nhấn mạnh thời cơ, coi nhẹ nguy cơ dễ sa chủ quan, giáo điều, đầu ngẩng cao tự mãn biết đâu chân vấp.

Thế nên, đánh giá đúng thời cơ, nguy cơ và thể hiện quan điểm nhìn về phía trước, nguồn lực bên ngoài là quan trọng nhưng nội lực mới là yếu tố quyết định, bước đi bằng chính đôi chân của mình là vấn đề có tính nguyên tắc.

Với tiềm lực và đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500USD là khả năng trong tầm. Còn hiện tại, quy mô GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam chỉ đứng thứ 7/11 nước trong khu vực Đông Nam Á, thứ 34 ở châu Á và đứng thứ 136 trên thế giới.

Điều quan trọng trong chiến lược phát triển là tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với sự ổn định an ninh, chính trị; ổn định chính là nền tảng để phát triển. Mối quan hệ này là biện chứng, chính sự phát triển tác động lại giúp giữ ổn định.

Ổn định là kết quả của tổng hợp rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là yếu tố nội lực, đó là lòng dân với Đảng. Bởi vậy, nhiệm vụ đầu tiên trong sáu nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là yêu cầu then chốt để củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của Đảng, gắn chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vấn đề này được cụ thể hóa trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Nghị quyết chỉ rõ: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, lực lượng CAND phải xác định rõ phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá, nhận diện, đề ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Theo đó, lực lượng CAND nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống, giữ vững kỷ cương, kỷ luật công tác; phát huy vai trò của đội ngũ lãnh đạo chỉ huy, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ.

Chăm lo công tác cán bộ, giữ gìn bản chất, truyền thống tốt đẹp của người đảng viên, người chiến sĩ Công an, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất và năng lực...

Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72 xác định rõ, trước tình hình mới, nhiệm vụ công tác Công an đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng CAND phải phát huy tinh thần chủ động, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Để giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, lực lượng CAND hơn lúc nào hết nhận thức sâu sắc về những tác động, ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đối với lợi ích, an ninh quốc gia với tư duy an ninh chủ động.

Đăng Trường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/buoc-di-bang-chinh-doi-chan-cua-minh-423496/