Bước chuyển từ chính phủ chỉ đạo, điều hành sang kiến tạo, phục vụ - Kỳ 2: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và câu chuyện thứ tự lợi ích

Ngày 24.4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xuất hiện ở điểm nóng Hà Tĩnh yêu cầu phải hợp tác quốc tế để tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Ngày 29.4, ông đi Quảng Bình, Quảng Trị tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Và lời nói khá thẳng thắn của ông tại đó đã được dư luận nhiệt liệt tán thưởng: “Không biết ăn rồi có ảnh hưởng gì không?”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trò chuyện với công nhân nhà máy sản xuất ống thép phục vụ thủy điện tích năng Bắc Ái. Ảnh: T.L

Không hy sinh môi trường với bất cứ giá nào

Nếu cần phải kể thêm thì chỉ một ngày sau khi nguyên nhân cá chết được Chính phủ công bố, Phó Thủ tướng thị sát Khu kinh tế Nghi Sơn và rất quyết đoán với quan điểm: Không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng!

Tôi nhớ tới những chuyến thị sát, vi hành để tiếp cận những đối tượng của chính sách trong những khu ổ chuột từ thời ông còn ở Bộ Xây dựng!

Hình ảnh của Phó Thủ tướng đang phần nào biểu hiện hành động của Chính phủ: Tiếp cận điểm nóng. Đi sâu đi sát. Có những chỉ đạo kịp thời! Và đặt lợi ích người dân lên hàng đầu.

Trên cương vị Phó Thủ tướng phụ trách ngành, điều khiến ông Dũng trăn trở nhất chính là làm sao huy động được mọi nguồn lực xã hội để tập trung vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế mà lại không đánh đổi môi trường.

Cái quyết định chính là sản xuất phải phát triển. Nhưng cũng quan trọng không kém là môi trường phải đảm bảo.

Bài toán lợi ích sau đó được Phó Thủ tướng chia sẻ: Tổng đầu tư xã hội hằng năm chiếm 30-40% GDP. Một cách hình ảnh thì đó là nguồn lực cho hạ tầng, cho sản xuất công nghiệp, cho dịch vụ, việc làm và phồn vinh. Không quốc gia nào lại từ chối các nguồn đầu tư như vậy.

Chỉ có điều sự tăng trưởng nóng và sự hồ hởi với các nguồn vốn xã hội, trong đó có FDI đang gây ra không ít hậu quả và sự cố miền Trung chỉ giống như giọt nước tràn ly
mà thôi.

Hãy nhớ đi. Vedan với 14-15 năm xả thải trộm.

Hãy nhớ đi. Quốc hội từng không ít lần đau đầu với tình trạng ô nhiễm làng nghề.

Nói môi trường chưa được quan tâm đúng mức chỉ là cách nói rất nhẹ nhàng, so với những hậu quả có thể tính bằng thế hệ.

Chúng ta không thể đánh đổi - Phó Thủ tướng đã khẳng định như thế. Bởi mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng cũng là vì người dân. Vậy thì tăng trưởng bằng mọi giá có ích gì khi việc thiếu kiểm soát hủy hoại chính môi trường sống!

Tôi nhớ trong chuyến thị sát Nghi Sơn, chính Phó Thủ tướng đã kiên quyết yêu cầu dừng chuyện xả thải súc rửa đường ống của nhà máy lọc dầu cho đến khi nó được khẳng định là không gây ô nhiễm.

Tôi nhớ chính ông đã đề cập đến một hệ thống quan trắc được nối mạng để phát hiện kịp thời bất cứ hành vi gây ô nhiễm nào. Và xử lý nghiêm, bất kể đó là ai.

Nhưng quan trọng hơn, quan điểm của Chính phủ là giờ đây chỉ chấp nhận có chọn lọc các dự án gây ô nhiễm, chừng nào có thể kiểm soát được.

Một thứ tự lợi ích

Một trong những nan đề mà chính Chính phủ nhiệm kỳ mới phải giải quyết. Đó là câu chuyện BOT với không ít những phức tạp, những kêu ca, thậm chí không thiếu những điểm nóng.

Các bạn hẳn chưa quên câu chuyện thời sự về chiếc cầu Việt Trì, địa danh mà dư luận đang cho rằng việc chặn cầu cũ chỉ là để “lùa dân” sang cầu mới - để thu phí.

Trong chuyến thị sát, chỉ 24h sau khi có dư luận, trên quan điểm “Phải lấy thuận lợi cho người dân là số 1”, Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn diện sự an toàn của cầu Việt Trì, cho lưu thông trở lại trong khi cầu Hạc Trì mới cần tính toán lại mức phí một cách hợp lý và đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng hạ tầng giao thông đang rất thấp so với nhu cầu. Nào là đường nối cao tốc Bắc - Nam. Nào là sân bay Long Thành; Nào là đường sắt tốc độ cao; Nào là vốn cải tạo nâng cấp các tuyến giao thông phía Bắc, Trung Tây Nguyên, đông tây Nam Bộ...

Chẳng hạn chỉ riêng cao tốc Bắc - Nam đã cần đến 240.000 tỉ đồng, trong khi khả năng đáp ứng của NSNN là rất thấp, chỉ khoảng 20%.

Và chúng ta không thể phủ nhận BOT như một mô hình thành công về môi trường, cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư!

Vấn đề là tính toán lại, kiểm tra lại, siết chặt lại, khắc phục những yếu kém để vừa có hiệu quả, vừa tạo ra sự đồng thuận của người dân. Đây không ngẫu nhiên chỉ là những con số thứ tự thuần túy. Việc đặt lợi ích của người dân lên số 1, việc tính đến khả năng chi trả của người dân chính là một trong những quan điểm của Chính phủ về BOT nói riêng và các dự án xã hội hóa nói chung. Một quan điểm không chỉ có trên giấy, trên báo cáo mà được thể hiện một cách thực tiễn và không ít quyết đoán trong các chỉ đạo điều hành suốt hơn 100 ngày qua.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải sớm đánh giá chính xác môi trường biển hậu Formosa

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc khắc phục sự cố Formosa trong kết luận hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ TNMT tổ chức ngày 18.7. Theo đó, bên cạnh việc kiểm soát hoạt động của Formosa theo đúng quy định của pháp luật, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TNMT phải sớm có đánh giá chính xác về tình trạng môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung và công bố an toàn môi trường biển để người dân, doanh nghiệp được biếtvà sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... KHÁNH HÒA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/buoc-chuyen-tu-chinh-phu-chi-dao-dieu-hanh-sang-kien-tao-phuc-vu-ky-2-pho-thu-tuong-trinh-dinh-dung-va-cau-chuyen-thu-tu-loi-ich-574580.bld