Bừng sáng vùng chiến khu xưa

Bao đời nay, vùng căn cứ cách mạng huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc gồm các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao được dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ bao bọc, che chở. Chạy dài dưới chân núi là các buôn làng người Ê Đê, M’Nông với những ngôi nhà sàn ngay ngắn xen giữa những cánh đồng ngô, lúa nước, cà-phê… xanh ngút ngàn. Một sớm đầu đông, tôi cùng các cán bộ lão thành về thăm vùng căn cứ. Từ xa đã nghe rõ tiếng máy nổ, tiếng Amí, Ama gọi nhau ra đồng, tiếng học sinh í ới rủ nhau đến trường… Một thời chiến tranh khốc liệt đã lùi xa, vùng căn cứ cách mạng năm xưa nay đã hồi sinh, chuyển mình mạnh mẽ...

Trải qua hơn 70 mùa rẫy gắn bó với núi rừng Chư Yang Sin hùng vĩ và con suối Đác Tuôr ngày đêm ầm ào, già làng Ama Hoa ở buôn Đác Tuôr, xã Cư Pui là người hiểu rõ nhất sự thay đổi của vùng đất này. Đón chúng tôi vào thăm ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình nằm sát chân núi, già Ama Hoa nhanh nhẹn cắm ấm điện nấu nước pha trà mời khách và bật chiếc ti-vi đặt trang trọng giữa nhà để mọi người xem. Bên chén trà nóng trong một sớm đầu đông, già Ama Hoa bảo: Chưa bao giờ người dân Đác Tuôr và các buôn làng ở vùng căn cứ cách mạng này có được cuộc sống tốt đẹp như ngày nay, đặc biệt kể từ khi được Đảng, Nhà nước đầu tư đưa hệ thống lưới điện quốc gia về phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho bà con. Ở giữa rừng núi sâu thẳm, nhưng mỗi khi đêm về, dưới những mái nhà sàn đều bừng sáng ánh điện, người lớn thì xem ti-vi, trẻ con học bài, vui đùa rộn rã, bà con buôn làng ai cũng vui cái bụng.

Có điện, vợ chồng già làng Ama Hoa, ở buôn ĐácTuôr, xã Cư Pui (Krông Bông) mua ti-vi theo dõi tin tức.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dựa vào địa hình đồi núi hiểm trở, bà con các dân tộc ở đây nuôi giấu cán bộ, gùi lương, tải đạn cho bộ đội cho nên địch đánh phá ác liệt, luôn tìm mọi cách để cắt đứt mối quan hệ quân - dân. Thế nhưng, đồng bào vẫn một lòng một dạ theo Đảng, Bác Hồ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Chiến tranh kết thúc, bà con bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, lao động sản xuất nâng cao đời sống. Nhưng thời gian đó, do hệ thống cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, kỹ thuật canh tác lạc hậu…, nên cái đói, cái nghèo đeo đẳng mãi. Đến năm 2003, cùng với việc nâng cấp đường giao thông, Đảng, Nhà nước đã đầu tư đưa hệ thống lưới điện quốc gia về tận các buôn làng; những công trình cấp nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, bưu điện… phát huy hiệu quả, phục vụ tốt đời sống nhân dân. Bà con ở các buôn làng đã sử dụng điện để mở rộng sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.

Đến thăm gia đình ông Y Rét Mlô ở buôn Tul, xã Yang Mao, một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, ông dẫn chúng tôi đến cuối buôn, hướng ánh mắt về phía những quả đồi bát ngát xanh của cây trái - là thành quả sau nhiều năm đổ mồ hôi, công sức của gia đình. Ông chậm rãi kể: “Tôi được đi tham quan nhiều nơi, thấy cuộc sống bà con ở nhiều vùng quê khác điều kiện cũng như quê hương mình, thế nhưng họ vẫn vươn lên làm giàu được, còn quê mình sao cứ nghèo mãi. Từ những điều học được trong những chuyến đi ấy cộng với những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi xem trên ti-vi, tôi mạnh dạn mua bò về nuôi gây đàn, đồng thời trồng ngô, lúa và trồng rừng theo mô hình nông-lâm kết hợp trên diện tích đất đồi của gia đình. Nhờ có điện để chạy máy bơm, vào mùa khô hạn các loại cây trồng đều được tưới nước đầy đủ nên năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Từ hộ nghèo, đến nay bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 300 triệu đồng, điều mà trước đây tôi chưa hề nghĩ tới”. Trước đây khi chưa có điện, buôn Tul nghèo nhất xã Yang Mao, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 80 đến 90%, nhưng từ khi có điện đến nay, nhờ chăm chỉ làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%. Hầu hết các gia đình mua được xe máy, ti-vi, nồi cơm điện... Con đường từ trung tâm xã dẫn vào buôn trước kia lầy lội, nay được trải bê-tông sạch sẽ từ đầu đến cuối buôn, khi đêm về sáng rực ánh điện.

Ông Y Drai Mdrang, Chủ tịch UBND xã Yang Mao là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Trước đây dù đói cơm, nhạt muối nhưng được uống dòng nước mát lành chảy ra từ dãy núi Chư Yang Sin và sự bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, ý chí quật cường của cha ông đi trước, từ nhỏ Y Drai Mdrang cũng như nhiều con em đồng bào Ê Đê, M’Nông khác đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để đến trường học chữ. Lớn lên được ra huyện, lên tỉnh học cao hơn, rồi mang kiến thức về xây dựng quê hương. Ông Y Drai Mdrang nhớ lại: Là vùng căn cứ cách mạng, nhưng trước năm 2000, Yang Mao thuộc diện khó khăn nhất tỉnh Đác Lắc. Ngày ấy, do chưa có điện nên các công trình phúc lợi xã hội chưa được đầu tư xây dựng; hầu hết đồng bào canh tác theo kiểu chọc lỗ trỉa hạt cho nên tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm hơn 80% số dân, trong đó có hàng trăm hộ đói ăn vào mùa giáp hạt. Cuộc sống khó khăn, trường lớp tạm bợ, tỷ lệ học sinh đến trường đạt thấp. Cuộc sống chỉ thay đổi rõ nét từ khi điện lưới quốc gia được đưa về khắp các buôn làng. Có điện, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, mua bơm điện về tưới cà-phê, hồ tiêu, ngô lai, lúa nước trong mùa khô hạn nên năng suất, chất lượng các loại cây trồng cao hơn. Nhiều gia đình đã đào giếng, bơm nước lên sinh hoạt, không còn cảnh xuống suối cõng nước về như trước. Giờ đây nhà nào cũng sắm ti-vi để nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc sức khỏe... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo giảm còn 398 hộ, không còn hộ đói. Cũng từ khi có điện, nhiều buôn làng đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí kéo điện đường thắp sáng các trục đường chính của buôn. Anh Y Van Niê, Buôn phó buôn MGhí, xã Yang Mao cho biết: Buôn MGhí hiện có 127 hộ với hơn 700 khẩu. Trước đây chưa có điện, trong buôn hay xảy ra tình trạng trộm cắp vặt như trộm chó, gà… gây mất an ninh trật tự và mất đoàn kết buôn làng. Từ năm 2014 đến nay, buôn đã vận động mỗi hộ dân đóng góp 600 nghìn đồng và được UBND xã hỗ trợ thêm một phần kinh phí để lắp 37 bóng điện dọc theo trục đường chính của buôn. Trong buôn giờ đây không còn xảy ra tình trạng trộm cắp và việc đi lại của người dân cũng thuận lợi hơn nhiều.

Là người gắn bó và có nhiều đóng góp cho sự hồi sinh của vùng căn cứ cách mạng, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài chia sẻ: Trong chiến tranh, các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao bị bom đạn giặc Mỹ tàn phá nặng nề. Sau ngày giải phóng, đồng bào các dân tộc bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống mới trong điều kiện hết sức khó khăn, điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, hằng năm phải nhờ sự hỗ trợ cứu đói của Chính phủ… Để giúp người dân vùng căn cứ vươn lên cùng đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Đác Lắc đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, công trình điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi… nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này. Đặc biệt, từ khi hệ thống lưới điện quốc gia được kéo về tận các buôn làng phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt các buôn làng và đời sống của nhân dân nơi đây. Từ chỗ tăm tối, thiếu ăn, thiếu mặc, nay vùng căn cứ cách mạng xưa đã trở thành vùng sản xuất lương thực trọng điểm của huyện, mỗi vụ sản xuất, gia đình nào cũng đầy ắp lúa, ngô, sắn. Toàn vùng cơ bản đã xóa được đói, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 30%. Trước đây, con em đồng bào dân tộc nơi đây chỉ học đến THCS là nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình làm nương, rẫy. Nhưng từ khi điện và hệ thống trường học vươn tới các xã, nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số đã học lên THPT, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trở về địa phương công tác, chung tay xây dựng buôn làng. Buôn làng ấm no, văn hóa khởi sắc, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Chiều đầu đông se lạnh, những cơn gió đại ngàn tràn về mang theo hương ngô, hương lúa mới thơm dịu. Thấp thoáng bên các triền đồi, những buôn làng Ê Đê, M’Nông bừng sáng và trong các mái nhà sàn ấm cúng đều rộn rã tiếng vui cười, tiếng học bài của con trẻ. Vùng căn cứ cách mạng xưa nay đã hồi sinh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31183802-bung-sang-vung-chien-khu-xua.html