Bùng phát các website giải trí trực tuyến vi phạm bản quyền

Việt Nam hiện có khoảng 200 website vi phạm bản quyền trong lĩnh vực giải trí, trong đó có hơn 40 trang được xác định độc hại đối với người tiêu dùng, tiếp nhận.

Quảng cáo trực tuyến đang là xu hướng nhưng để tạo nên hệ sinh thái quảng cáo trực tuyến lành mạnh thì cần nỗ lực từ nhiều phía. Ảnh: Tư liệu

Số liệu đó vừa được tổ chức Liên minh Chủ sở hữu quyền (gồm VTV, BHD, CASBAA, FOX, MPA, K+, KCC) đưa ra trong hội thảo “Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn” vừa tổ chức sáng nay, 16-11 tại TPHCM.

Liên minh Chủ sở hữu quyền đã đưa ra một thực trạng “cay đắng”: tại Việt Nam đang có sự bùng phát các trang web giải trí phim, nhạc vi phạm bản quyền. Các trang này lại được nhiều người truy cập, kéo theo việc các nhãn hàng chọn đây là nơi quảng cáo, dẫn đến cái khó của những kênh quảng cáo chính thống và tuân thủ bản quyền.

“Làm sao bạn có thể cạnh tranh nổi với những đối thủ không phải tốn tiền đầu tư bài bản, hợp pháp về bản quyền?”, bà Phan Cẩm Tú, từ MPA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ) đặt vấn đề. Nhưng bà cũng khẳng định, vấn đề đó rất nan giải, cần sự quyết liệt của cơ quan chức năng, sự liên kết, cung cấp thông tin từ phía tổ chức Liên minh Chủ sở hữu quyền, nhận thức của người tiếp nhận, sử dụng dịch vụ giải trí trực tuyến và độ dứt khoát của khách hàng quảng cáo.

Ông John Medeiros đến từ Hiệp hội truyền hình trả tiền châu Á – Thái Bình Dương (CASBAA) gợi ý một giải pháp để giải quyết tình hình trên từ thực tiễn ở Anh quốc. Theo ông, chính Liên minh Chủ sở hữu quyền phải tạo ra liên kết đủ mạnh, tập hợp thông tin những kênh giải trí trực tuyến lậu đang khai thác thị trường quảng cáo và gửi đến cơ quan chức năng. Họ cũng cung cấp danh sách này cho các khách hàng để không giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng vi phạm bản quyền. Ở Anh, chính phủ cũng tham gia tích cực thông qua việc cắt chính sách hỗ trợ, làm việc lại với các công ty, tập đoàn cung cấp công cụ tìm kiếm, cảnh sát giám sát và xử lý các vi phạm bản quyền…

Theo ông John, châu Á là nơi đang xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền trên các trang trực tuyến rất phổ biến. Một trong những giải pháp thay đổi tình hình, đó là văn hóa sử dụng internet và văn hóa tôn trọng tác quyền. Ngoài ra, phải làm cho doanh nghiệp làm thương hiệu hiểu rằng, muốn sản phẩm được tôn trọng thì cần nói không với việc quảng cáo trên các trang web lậu. Đây là mấu chốt để loại trừ đất sống của những kênh quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh này.

Ông Matthew Kurlanzik đến từ 21st Century Fox thì cho rằng, việc quảng cáo trên các trang web lậu đôi khi đem lại tác dụng ngược, bởi khách hàng quảng cáo không kiểm soát được không gian xuất hiện của nhãn hàng, dễ tạo phản cảm.

Còn từ giác độ người tiêu dùng, cũng đã có những ý kiến cho rằng, muốn cạnh tranh với các trang web giải trí vi phạm bản quyền thì cách tốt nhất là những kênh quảng cáo có bản quyền, nghiêm túc phải cho thấy độ hấp dẫn và quan trọng nhất, phải có thêm nhiều kênh chọn lựa quảng cáo lành mạnh.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153963/bung-phat-cac-website-giai-tri-truc-tuyen-vi-pham-ban-quyen.html/