Bún nghệ: Món quà dân dã của xứ Huế

Nhiều người nói vui rằng: Huế là xứ sở của các loại bún bánh khi vùng đất này ngập tràn các món ngon được chế biến từ hai loại nguyên liệu này... Cũng từ những sợi bún trắng trong, dưới bàn tay tài hoa, người nội trợ Huế đã chế biến nhiều món ngon. Trong đó, bún nghệ là món ăn được nhiều người yêu thích khi mùa đông đến.

Bên cạnh gốc đa, dưới chân cầu Bến Ngự là đôi hàng quán chuyên bán bún nghệ. Đơn sơ vài chiếc ghế con, ấy vậy bao nhiêu năm qua hàng quán vẫn tấp nập người ra, kẻ vào bất kể nắng mưa. Những bát bún con con với màu vàng đặc trưng của nghệ, nâu đậm lòng xào, xanh xanh của rau răm, trắng trắng của những sợi hành tây bào mỏng.

Giản dị trong việc trình bày, thanh tao trong cách chế biến, nhưng khi thưởng thức lại ngon đến kỳ lạ khi đưa người ăn đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Miếng đầu tiên người ăn cảm thấy hơi lạ miệng bởi với vị hăng hăng, ngai ngái của nghệ tươi. Miếng tiếp theo sẽ đưa đến cảm nhận rõ ràng hơn về sự mềm mại, không nhão, không khô của những sợi bún xào đã được nghệ nhuộm vàng. Rồi tiếp đến là gật gù khen ngon khi kẹp cọng rau răm ăn kèm miếng lòng heo béo ngậy, vẫn còn vương vấn mùi thơm của hành tỏi phi. Thêm chút hương ớt xào cay sè, bạn có thể thưởng thức tô bún nghệ đúng chất Huế. Tô bún nghệ ngon phải có sự hòa quyện vị béo của lòng heo, ngậy của nghệ, thơm của rau răm, mềm dẻo của sợi bún, đặc biệt là vị cay của ớt.

Theo chia sẻ từ người làm, muốn món ăn ngon, giữ khách lâu phải chế biến thật mới và hấp dẫn. Sợi bún trắng trong, nhỏ, dai nhẹ và ăn ngoài không ngán. Lòng lợn sau khi lấy từ các lò mổ về sơ chế sạch, sau đó xào chung thật thấm với các loại gia vị cay nồng. Tất nhiên, với món bún nghệ, thứ không thể thiếu chính là nghệ. Muốn ngon phải lựa chọn loại nghệ nhỏ, nhưng thơm, đậm vị. Dẫu mất công chế biến, nhưng loại nghệ này khi thưởng thức không quá gắt mà có mùi thơm, vị ngọt nhẹ, chút đắng đăng nhẹ tê tê đầu lưỡi. Mỗi người một cách chế biến, nhưng theo tiết lộ của cô A.H, thông thường nghệ sau khi xay xong sẽ được ép bớt chút nước. Thế đó, một tô bún nghệ được hình thành như vậy.

Hiện nay, nhịp sống công nghiệp dưới sự hỗ trợ của các loại máy móc. Việc chế biến món ăn này cũng đơn giản hơn nhiều. Nếu trước đây, nghệ được cho vào giã nát, thì nay đã có các loại máy xay. Nhờ vậy, công sức người làm cũng được rút ngắn hơn mà chất lượng sản phẩm không thay đổi.

Với nhiều người, sở thích ăn bún nghệ cũng khác nhau. Nếu người thích chan thứ nước thấm của lòng xào, nhưng cũng có người lại thích chan mắm nêm. Có người thích ăn sợi bún mềm, nhưng có người thích ăn bún cháy giòn dưới đáy chảo. Nhưng dẫu ăn theo cách nào đi chăng nữa, bún nghệ luôn tỏa sức hút riêng dẫu mọi thứ có đổi thay.

Nghệ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như: protein, chất xơ, niacin, Vitamin C, Vitamin E, Vitamin K, natri, kali, canxi, đồng, sắt, magiê và kẽm. Trong đông y, nghệ được xem là thứ thuốc trị bệnh dạ dày. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng: Món ăn nghệ xào nậm đuôi là bài thuốc trị ho vô cùng hiệu quả.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, nhất là trước cuộc xâm lấn của các món ăn mới từ Đông sang Tây, nhưng bún nghệ vẫn là món ăn yêu thích của nhiều người. Cô T. X.L - một người bán bún nghệ có hơn 20 năm sống với nghề - cho biết: Mùa đông, một chiều cô bán vài chục kg bún là chuyện bình thường. Sáng cô bán ở gần Trường Cao đẳng công nghiệp Huế, chiều cô bán ở chân cầu An Cựu. Thực khách thích ăn món này vì giá rẻ, lại ngon, bổ, không độc hại. Đặc biệt, thời tiết chuyển mùa lại càng đắt khách. Giá một tô bún là 6.000 đồng/tô. Nếu ăn thêm nem hoặc chả Huế thì tính tiền thêm (3.000 đồng/cái). Nhiều người thích quá, cô sẵn sàng đóng hàng cho họ gửi đi máy bay, ăn ngay trong ngày.

Với nhiều người khi trời sang đông, thời tiết se lạnh, ngồi xung quanh mẹc bún bốc khói nghi ngút thật thú vị. Giản dị, dân dã là vậy, nhưng bún nghệ đã trở thành món ngon rất đặc biệt, rất Huế. Vì thế, khi đến với cố đô bạn đừng quên thưởng thức món ngon này!

Anh Thư

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-am-thuc/bun-nghe-mon-qua-dan-da-cua-xu-hue