'Bún chửi' Hà Nội lên truyền hình Mỹ: 10 năm văn hóa phục vụ không đổi, có gì đáng tự hào?

Trong một chương trình về ẩm thực, du lịch phát sóng trên CNN cuối tháng 9 vừa qua, đầu bếp nổi tiếng nước Mỹ Anthony Bourdain gọi "bún chửi" phố cổ là món ăn đặc sắc của Việt Nam.

Bún chửi lên truyền hình CNN của Mỹ. (Ảnh cắt từ clip)

Bún chửi trở thành đặc sản: Tự hào hay xấu hổ?

Người dân Hà Nội có lẽ đã quá quen thuộc với "bún chửi". Quán nằm ở phố Ngô Sĩ Liên, Đống Đa chuyên bán bún sườn móng giò, bún dọc mùng...

Hương vị đặc sắc không phải yếu tố chính tạo nên thương hiệu của quán mà chính là thái độ phục vụ rất khác lạ của chủ quán và nhân viên ở nơi đây. Đã đến quán, không ai có thể quên giọng điệu có phần gắt gỏng của bà chủ. Người chửi thì cứ chửi, khách ăn thì cứ ăn, người ra người vào vẫn nườm nượp không ngớt.

Bún chửi trên truyền hình Mỹ. (Vietsub: Zing.vn)

Ngay chính trong lời giới thiệu về quán, ông Bourdain đã thẳng thắn nhận xét: “Quán gắn liền với bà chủ, nổi tiếng vì cách giao tiếp thẳng thắn và suồng sã với khách”.

Chỉ trong vài phút ngắn ngủi của chương trình, khán giả cũng đủ thấy mức độ "đanh đá" của bà chủ quán qua những câu đối đáp với thực khách: "“Đứng đây làm gì, gọi cái gì gọi nhanh lên, gọi gì mà lâu thế. Quán chị không có mọc, em thích thì ra ngoài chợ. Tốt nhất là về nhà tự nấu lấy ăn nhé. Ở đây không nấu. Đi luôn."

Đầu bếp Anthony Bourdain - người giới thiệu món bún chửi của Việt Nam trên sóng CNN. (Ảnh: CNN)

Đầu bếp Bourdain tỏ ra khá thích món ăn và cách phục phụ khác lạ này: "Bạn chịu đựng lời mắng mỏ, đổi lại là bát bún ngon tuyệt, nóng hổi với ớt cay, nước dùng đậm đà và những miếng chân giò. Đây là món duy nhất trên thực đơn và món này rất ngon."

Sau khi hình ảnh quán "bún chửi" lên sóng truyền hình, nhiều người cảm thấy thích thú vì quán ăn mang nét ẩm thực độc đáo của Việt Nam xuất hiện trên một chương trình được rất nhiều bạn bè quốc tế chú ý.

Tất nhiên, sự xuất hiện của một món ăn dân dã Việt Nam trên một kênh truyền hình nổi tiếng như CNN chắc chắn sẽ làm người ta có phần hào hứng. Tuy vậy, không ít người cho rằng, chẳng có gì đáng tự hào về một phong cách phục vụ thiếu văn hóa như vậy. Vô hình chung chúng ta đang dung túng, cổ súy cho bún chửi tồn tại và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhà báo Trương Anh Ngọc, từ Rome (Italy) cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân của mình về chuyện "bún chửi" lên sóng truyền hình CNN:

"Mấy người bạn mình bảo, thật tự hào khi thấy bún chửi của Hà Nội cũng lên CNN. Mình không rõ tự hào ở đây là tự hào thật hay là trong ngoặc kép. Mình chỉ thấy xấu hổ.

Chương trình của Anthony Bourdain không đơn thuần là một chương trình về ẩm thực, mà là về văn hóa. Bourdain đi khắp nơi trên thế giới để ghi lại những hình ảnh về các nét văn hóa thông qua ẩm thực, lối sống và con người. Và có thể ông nhìn thấy trong cái quán bún chửi ấy, thông qua văn hóa giao tiếp của bà chủ một nét văn hóa gì đấy của Hà Nội chăng?

Mình không rõ ý đồ của chương trình ở đây là gì, nhưng rõ ràng là Bourdain thấy lạ, độc đáo và vì thế, những hình ảnh và lời nói (có phụ đề tiếng Anh) của bà chủ quán đi khắp thế giới.

Thông điệp của người làm chương trình có thể là gì, ngoài việc chửi khi bán hàng cũng có thể là một nét văn hóa Hà Nội liên quan đến ẩm thực? Nếu thông điệp là thế, mình chẳng hề cảm thấy tự hào.

Các cụ nói, miếng ăn là miếng nhục, trong trường hợp này có lẽ không sai. Người ta sẵn sàng nghe bà chủ hầm hè với nhân viên bưng bê hoặc thậm chí văng vài thứ vào mặt mình và rồi chấp nhận, với lí do, ăn ở đó ngon.

Mình không bao giờ chấp nhận một thứ dịch vụ thiếu văn hóa kiểu đó. Thứ văn hóa dịch vụ xuống cấp ấy sở dĩ vẫn tồn tại được và có thể sẽ còn phát triển, bởi người ta sẵn sàng chịu nhục (hoặc bịt tai lại, hoặc cho là "nó chừa mình ra") để được miếng ngon.

Đây không phải là mậu dịch thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ và cái gì cũng phải phân phối theo tiêu chuẩn để bà chủ trong vai người bán hàng làm phước cho khách hàng đứng xếp hàng mà như đang xin xỏ. Người bán hàng là người cung cấp dịch vụ, không phải là bố tướng, và khách hàng bỏ tiền ra để được phục vụ cho tương xứng với số tiền đã bỏ ra, trong một không gian mà họ chấp nhận được.

Nhưng khách hàng ở mình nhiều người dễ dãi quá. Họ có thể nổi khùng trên Facebook khi ai đó không đồng ý với quan điểm của mình. Họ cũng sẵn sàng gây gổ đánh lại hoặc chửi người khác trong các vụ đụng xe trên đường. Nhưng họ sẵn sàng cất đi lòng tự trọng của họ vào ngăn kéo trước các dịch vụ kiểu này, chỉ cần được ăn ngon, ngon theo định nghĩa của họ.

Ngon ư? Xin lỗi, tôi cần được tôn trọng."

Cung cách phục vụ 10 năm không đổi

Lại nói về sự xuất hiện của "bún chửi" Hà Nội. Quán chẳng phải mới đây mới xuất hiện. Hàng ngày, thực khác vẫn đi ra đi vào, xếp hàng vòng trong vòng ngoài chỉ để ăn một tô bún vài chục ngàn kèm với những lời mắng chửi có phần "chanh chua" của bà chủ.

Cũng theo chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc, cách đây 10 năm, anh đã từng ghé qua quán bún chửi và có viết một bài chia sẻ với "hy vọng là quán này sẽ phục vụ có văn hóa hơn. Ai dè, sau 10 năm, họ vẫn làm ăn tốt".

"Tôi ngồi vào trong cái quán nhỏ xíu, giấy ăn với xương sườn cái gặm hết, cái gặm dở vứt lung tung dưới gầm bàn. Ừ, bẩn thật đấy nhưng chắc là ngon. Nhìn xung quanh thấy ngay ai cũng có cảm giác tương tự: quán bẩn, chật chội, đông người, bàn ghế xập xệ, nhưng tất cả đều có thể được bỏ qua bởi 2 điểm: một là người ta muốn được ăn ngon, hai là người ta muốn xem chửi (người khác bị chửi).

10 phút trôi qua, chúng tôi vẫn không được ăn. Quái nhỉ, mình đã gọi 2 bát chan rồi cơ mà? Định gào tướng lên gọi lại “2 sườn chan” (khổ thân tiếng Việt, đến quán ăn rồi còn bị làm thịt), nhưng vợ nhắc: “Nhắc nó nó lại chửi cho đấy, thôi nhịn đi”. Đành im vậy, nhưng hơi ức rồi. Mình là Thượng đế cơ mà! Lại thêm 5 phút đợi nữa, cái con bé bưng bê lại bưng 2 bát cho đôi vợ chồng đến sau mình mới tức, thế là định nhổm dậy. Vợ nhắc: “Chịu khó nhịn một tí, nó không thích mình nhắc đâu”. Bố khỉ, mình làm gì sai cơ chứ? Mình chỉ muốn ăn, và chỉ thế thôi cũng không được sao. Thêm 5 phút nữa, thế thì quá lắm rồi! Lại nhổm dậy, nghĩ: “Thế này thì Thượng đế về đây!”. Vợ lại nhắc: “Bây giờ mình bỏ về là nó lại càng chửi”. Ô hay, thế thì mình là con tin của bà bán bún sườn sao? Mình muốn ăn, nó không cho mình ăn. Mình bực muốn đi về, nó lại còn chửi mình!"

Quán bún chửi bao năm qua vẫn đông khách. (Ảnh: Afamily)

Đấy là câu chuyện của 10 năm về trước. Cả thập kỷ trôi qua, dường như "văn hóa chửi" của quán cũng chẳng mấy thay đổi, thậm chí nó có vẻ ngày càng nổi tiếng hơn vì... được lên hẳn truyền hình nước ngoài mà.

Vậy bún chửi nên được xem là món ngon nổi tiếng hay đặc sản tai tiếng của Hà Nội?

Quán vẫn đông, chẳng ngớt khách bao giờ, phải chăng, nhiều người đã nghe quá nhiều nên thành quen, thiếu tiếng chửi thì món ăn như thiếu mắm, thiếu muối, không có ăn mất ngon?

Có phải chính người tiêu dùng đang là đối tượng cổ súy có một kiểu văn hóa phục vụ kém văn minh?

"Lắm người sống ở Hà Nội còn cổ súy cho kiểu này như là đặc sản Hà Nội. Chẳng có gì tự hào với bún chửi, cháo chửi, phở xếp hàng. Kém văn hóa và lạc hậu", tài khoản Sang Dang bình luận.

Một độc giả khác nhận xét: “Một nét văn hóa không những xấu mà còn ảnh hưởng, gây ấn tượng không tốt về cách văn hóa ứng xử thường ngày trong mắt mọi người, và giờ là người ngoại quốc cũng nhìn thấy điều đó, vậy mà còn thấy hay và tự hào sao?"

HT

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/noi-mang/bun-chui-ha-noi-len-truyen-hinh-my-10-nam-van-hoa-phuc-vu-khong-doi-co-gi-dang-tu-hao-125517