Bức tranh trồng rừng Bắc Kạn (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Lên Bắc Kạn mùa này núi rừng xanh bát ngát, rừng tự nhiên còn sót lại xen lẫn với rừng trồng trải dài tít tắp dọc theo những sườn đồi, sườn núi. Một đồng nghiệp của tôi tấm tắc khen Bắc Kạn đang chuyển mình, giũ bỏ chiếc áo xám xịt thay bằng tấm áo màu xanh mát.

ThienNhien.Net – Lên Bắc Kạn mùa này núi rừng xanh bát ngát, rừng tự nhiên còn sót lại xen lẫn với rừng trồng trải dài tít tắp dọc theo những sườn đồi, sườn núi. Một đồng nghiệp của tôi tấm tắc khen Bắc Kạn đang chuyển mình, giũ bỏ chiếc áo xám xịt thay bằng tấm áo màu xanh mát.

Bắt đầu từ những gương điển hình

Từ dưới chân núi nhìn lên, khu rừng hơn 2 ha của gia đình anh Dương Văn Tiến (thôn Nà Đúc 2, xã Địa Linh, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) là một dải xanh ngút mắt. Những thân cây gần chục năm tuổi vươn lên thẳng tắp giữa cái rét tháng 3 còn vương lại của mùa đông miền núi phía Bắc. Tựa lưng vào một gốc mỡ xám mốc, đường kính chừng 20 cm, anh Tiến kể cách đây hơn mười năm, dân thôn này nghèo lắm, chỉ biết sống dựa vào rừng và ruộng nương.

Nhà nào cũng được cấp một vài ha đất rừng nhưng cây nào to được chặt hết đem bán, còn lại để cỏ mọc hoặc làm nương rẫy. Rừng bị chặt quang nên mùa mưa, nước từ đỉnh núi chảy xuống, cuốn trôi hết đất màu, trồng cấy gì cũng thất bát, năm miệng ăn nhà anh bữa đói bữa no. Vì thế khi có chương trình PAM, anh đã hưởng ứng đăng ký trồng hết hơn 3 ha diện tích khoảnh núi này.

Ban đầu anh Tiến trồng mỡ và xoan, trước khi rừng khép tán thì có trồng xen sắn và ngô tăng thêm thu nhập. Theo anh Tiến, trồng rừng không khó, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần nắm vững được đặc tính của từng cây, từng vùng đất để có mật độ trồng thích hợp. Công chăm sóc không nhiều nhưng phải chú ý phòng cháy chữa cháy, phát dọn nương rẫy cẩn thận nhất là vào mùa khô để phòng chống cháy rừng, chỉ cần sơ sảy là bao nhiêu công sức sẽ bị lửa thiêu rụi ngay. Mỗi ha trồng khoảng 1500 – 1700 cây mỡ, cho thu hoạch ước gần 100 m3 gỗ, với giá hiện thời khoảng trên 1 triệu/m3 tiền bán gỗ là con số mơ ước với người dân nơi đây.

Từ năm 2007, anh Tiến đã được hưởng thu nhập từ khai thác những thân cây đạt tiêu chuẩn, nguyên tiền bán cây tỉa làm cột chống xây dựng mỗi năm cũng vài chục triệu đồng. “Không có thu nhập từ khoảnh rừng này, 3 cháu nhà tôi đã không thể ăn học thành người như bây giờ. Tôi vừa đăng ký trồng thêm hơn 1 ha mỡ nữa, cũng phải tính cách làm giàu từ đất rừng của mình chứ chú,” anh tâm sự.

Ông Lục Tiến Trung ở thôn Nà Vài (xã Bằng Thành, huyện Pắc Nặm, Bắc Kạn) bắt tay trồng rừng từ đầu những năm 2000 cũng vì thấy đất sản xuất ít trong quỹ đất rừng địa phương còn nhiều trong khi bà con lại để lãng phí nên đã thử trồng quế, hồi trên phần đất rừng của gia đình.

Mới bắt tay vào làm ông gặp không ít khó khăn. Những tháng ngày cõng cây, gùi phân lên núi, đá cào, gai xước, mưa gió lũ quét, thời tiết lạnh giá cũng không cản nổi bước chân ông. Công chẳng phụ người, rừng cây của ông đánh bật hết cả cỏ dại, lau lách sim mua mà vươn lên, mà che phủ hết những diện tích đất trống xưa kia.

Từ năm 2004, ông Trung trồng thêm cây keo, cây mỡ phủ xanh đất rừng, đến nay gia đình đã trồng được hơn 30 ha. Ông tự hào khoe rằng, nhờ trồng rừng mà nay nhà ông đã có bát ăn bát để, mỗi năm tiền bán gỗ cho thu nhập cả tỷ đồng. Các hộ dân khác trong thôn cũng học theo, bắt tay vào trồng rừng, hộ ít vài ngàn mét vuông, hộ nhiều lên đến 5 – 6 ha.

Mấy năm nay, việc các hộ dân mỗi năm có thêm vài chục triệu tiền bán gỗ cũng đã không còn là chuyện đặc biệt ở Nà Vài nữa. Từ trồng rừng mà nhiều hộ đã mua sắm được tủ lạnh, ti vi, xe máy, đời sống cũng được sung túc, đầy đủ hơn.

Đến hướng mở cho kinh tế

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn đánh giá, nhờ những tấm gương điển hình mà người dân đã hiểu được lợi ích của trồng rừng và hưởng ứng theo. Từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm người dân đã tự đầu tư trồng mới trên 800 ha rừng.

Người dân trồng rừng trên đất rẫy trồng lúa, ngô trước kia, cứ nơi nào đất trống thì dân xin nhận khoán để trồng rừng. Cũng từ năm 2011, Bắc Kạn đưa ra một cơ chế mới nhằm giúp tất cả các hộ dân đều có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tập trung trồng và làm giàu từ quỹ đất rừng.

Tỉnh giúp dân các khâu thiết kế, qui hoạch đất trồng rừng; tập huấn tại các thôn, xã về kiến thức khuyến lâm, kỹ thuật ươm cây giống, hỗ trợ vốn cũng như lãi suất ưu đãi mở rộng mạng lưới vườn ươm, tổ chức các buổi hội thảo, truyền thông về kinh tế rừng, cách xây dựng vườn ươm…

Trong năm 2011 vừa rồi, Bắc Kạn trồng mới được 14.544 ha rừng, đạt 121% so với kế hoạch và gấp 3 lần năm trước đó. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2015 sẽ trồng thêm được 60 nghìn ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên trên 60%.

Phong trào trồng rừng đã tạo nên chuyển biến trong ý thức của người dân. Trước kia, người dân Bắc Kạn chỉ trồng rừng vì để nhận gạo cứu trợ, trồng xong bỏ đó hoặc chỉ chăm sóc qua loa nên chất lượng rừng thấp. Nay nhiều bà con đã coi trồng rừng là một hướng làm giàu cho gia đình. Kinh tế rừng đã trở thành hướng đi lên của tỉnh và là hướng giảm nghèo cho bà con nông dân.

“Thành công lớn nhất trong công tác trồng rừng của Bắc Kạn là thay đổi nhận thức của bà con, trước kia chúng tôi vận động rất vất vả thì người dân mới trồng rừng, còn này người dân tự động tìm đến đất trống đồi trọc để phủ xanh,” ông Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.

Nguồn Thiên Nhiên: http://www.thiennhien.net/2012/04/09/buc-tranh-trong-rung-bac-kan-ky-1/