“Bức tranh tối màu” của nghề tư vấn tâm lý

PN - Việc chuyên viên tư vấn tâm lý Đinh Đoàn gặp “tai nạn” trong một chương trình tư vấn trên Đài Tiếng nói VN (VOV) gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây, như “giọt nước tràn ly” về sự cẩu thả, dễ dãi của chuyên viên tư vấn. Vấn đề đặt ra, vì sao một người chuyên “nghề nói” lại phạm phải một lỗi sơ đẳng liên quan đến giao tiếp? Thực trạng về nghề tư vấn tâm lý hiện nay ra sao?

Minh họa: DAD

Nghe tư vấn mà… sốc!

Cũng cần nhắc lại tai nạn của chuyên viên tư vấn Đinh Đoàn. Ông Đinh Đoàn nhận được tình huống: “Em yêu một cô gái, nhà có hai chị em. Em yêu cô chị được sáu tháng rồi, mà cô em lại tỏ ý thích em. Bây giờ em rất khó xử, muốn chương trình cho một lời khuyên”. Ông đáp lại: “Em có yêu cô chị một cách nghiêm túc đàng hoàng không hay là chỉ muốn thịt cả họ nhà nó?”. Thính giả đang chưa hết ngỡ ngàng với kiểu dùng từ “chợ búa” của vị tư vấn viên, lại choáng váng với nhận xét tiếp theo của ông: “Các cô gái mới lớn bây giờ nhiều khi không nghĩ sâu nghĩ xa, cứ thấy chàng trai nào xinh xinh đẹp đẹp rồi đang ở tuổi khát khát muốn có bạn trai thì cứ lân lân la la, mon men. Nếu em chỉ cần yếu đuối một tí thôi là mất cả chì lẫn chài, cô chị cũng không được mà cô em cũng không được, rồi mang tiếng để đời đấy”.

Một câu chuyện khác. Chị Thanh L. (ngụ Q.4, TP.HCM) trong một lần đến Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (TP.HCM), đang ngồi đợi ở ngoài để đến lượt tư vấn, bỗng choáng váng khi nghe giọng của tư vấn viên vẳng ra: “Thì em phá thai đi, bỏ cho rồi, giữ làm gì con của cái thứ đó”. Chị L. kể: “Nghe xong câu đó, tôi bỏ về luôn, không dám vô tư vấn nữa”.

Mới đây, trong một cuộc tọa đàm về kỹ năng nuôi dạy con được tổ chức ở Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM, sau khi hoàn thành vai trò diễn giả, một vị tiến sĩ tâm lý có tiếng tại TP.HCM được phụ huynh níu lại để nhờ tư vấn thêm. Chị này than thở: “Em có ông chồng gia trưởng, vô trách nhiệm, mê chơi…”. Vị tiến sĩ khuyên: “Chị nên nhỏ nhẹ khuyên nhủ, uốn nắn chồng”. Người phụ nữ chưa hài lòng với phần trả lời, nên bảo: “Nhưng mà em nói nhiều, anh ấy đâu có nghe”. Có lẽ do quá mệt, vị tiến sĩ tỏ ý bực dọc: “Tại sao nói mà chồng không chịu nghe? Do mình dốt, không biết cách nói có lý có tình để chồng nghe”. Người phụ nữ tiu nghỉu, lặng im quay đi.

Một chị đang làm chuyên viên tâm lý ở tổng đài 1088 (xin được giấu tên) kể: “Có lần, có thể là tổng đài bị hở mạch sao ấy, tôi kết nối với khách hàng, mà lại nghe giọng tư vấn của một đồng nghiệp đang tư vấn rằng: “Ơ, cái thằng đó sao hâm thế? Vậy thì tiếc gì, bỏ mẹ nó cho rồi”.

Cách đây chưa lâu, trên chương trình Lá thư tư vấn (Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương), thính giả cũng không khỏi bất ngờ khi nghe một vị tiến sĩ tư vấn cho khách hàng nữ là người khuyết tật (cô này bày tỏ ý định kết hôn với một người nam có gia cảnh khó khăn): “Thân cô, cô còn lo chưa xong, nói gì lo cho người khác…”.

Sợ nhất là “quên mình”

Tai nạn của chuyên viên tâm lý Đinh Đoàn cũng như các chuyên viên tư vấn khác như đã kể trên, đều xuất phát từ việc quên mất vai trò của mình là người đang tư vấn. Khách hàng bỏ thời gian, tiền bạc đi tư vấn, chắc chắn họ đã có sự tôn trọng, tin tưởng nhất định đối với các chuyên viên. Nhưng, nhiều khi chuyên viên tư vấn bị cuốn theo câu chuyện của khách hàng mà quên “uốn lưỡi”, như thừa nhận của ông Đinh Đoàn trên báo chí: “Có lẽ vì mải chạy theo yêu cầu “đời thường” mà có lúc chuyên viên tư vấn quên rằng những gì mình nói được phát cho hàng triệu người nghe, nên quá đà, thành ra thông tục. Điều này là đáng tiếc”.

Sau khi đoạn audio “tai nạn” của chuyên viên tư vấn Đinh Đoàn được đưa lên mạng, cư dân mạng đã “ném đá” dữ dội. Thế nhưng, ông lại tiếp tục khiến người khác sốc thêm một lần nữa, khi không đưa ra lời xin lỗi, mà trả lời báo chí một cách bực dọc: “Chỉ có ai không làm gì mới không mắc lỗi. Trong hàng trăm ngàn ca tư vấn, có chút sơ sẩy cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Ai nói rằng đó là mất dạy, phản văn hóa, mất đạo đức, cũng là quyền của các bạn ấy”. Tất nhiên, ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng mắc sai lầm thì phải xin lỗi. Nói lời xin lỗi là điều cơ bản nhất trong giao tiếp, vậy mà một người làm “nghề nói” như ông Đinh Đoàn lại quên mất điều sơ đẳng ấy.

Bà Lý Thị Mai - chuyên viên tâm lý được xem là có kinh nghiệm nhiều và hầu như ít va vấp - chia sẻ: “Trước khi dự một chương trình tư vấn, lên sóng hay một buổi nói chuyện bất kỳ ở đâu, tôi rất chú tâm cho công việc sắp làm của mình. Những thời khắc đó, tôi tự nhắc về sự thiêng liêng của nghề nghiệp mình đang làm. Nếu không cẩn trọng trong tư vấn sẽ làm cho người ta càng hoang mang, mất niềm tin…”.

Bà Mai quan niệm: “Ngoài việc phải tập trung cao độ để luôn nhớ mình đang “sắm vai” nhà tư vấn, các chuyên viên còn phải học hỏi từng ngày”. Việc một số chuyên viên lỡ miệng suồng sã trong tư vấn, là do thói quen nói chuyện hàng ngày đã “lộ” ra trong quá trình tác nghiệp.

Tư vấn tâm lý là một trong những nghề “lạ kỳ” ở nước ta: chỉ cần có chút khiếu ăn nói, có học qua ngành tâm lý và “hợp nhãn” với một đơn vị nào đó, là được chọn làm chuyên viên tư vấn mà chẳng cần chứng chỉ hành nghề gì cả. Thậm chí, có không ít chuyên viên tư vấn còn chưa từng học qua ngành tâm lý, nhưng vẫn “sống khỏe” với nghề. Có lẽ, vì những yếu tố thiếu căn cơ ấy, thực tế đang “tố cáo” nhiều thiếu sót mang tính cơ bản của các chuyên viên tư vấn đang hành nghề.

Mạnh ai nấy làm!

Hiện nay, nếu chỉ xét ở địa bàn TP.HCM, có thể tạm phân ra ba “hạng” chuyên viên. Một là, chuyên viên tư vấn được đào tạo chính quy ở các trường đại học về tham vấn, tư vấn tâm lý. Số này rất ít ỏi. Sinh viên chính quy của Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tốt nghiệp trong 25 năm qua chỉ có 275 cử nhân, 24 thạc sĩ. Nhưng số cử nhân và thạc sĩ này, đã có khoảng 80% người tham gia giảng dạy. Con số gần 20% còn lại tham gia tư vấn và làm một số ngành nghề khác. Tuy nhiên, phải nói thêm, sinh viên ở khoa này vẫn chưa được đào tạo để làm người tư vấn tâm lý, chuyên môn chính của họ vẫn là giảng dạy về tâm lý học và giáo dục học ở các trường TH, CĐ và ĐH. Một đơn vị có đào tạo chính quy nghề tham vấn hẳn hòi ở TP.HCM là Trường ĐH Văn Hiến. Nhưng, trong 470 sinh viên đã tốt nghiệp từ trường này, số người tham gia làm tư vấn tâm lý chỉ khoảng 10 người (theo ước tính của GS-TS Trần Tuấn Lộ - Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Văn Hiến).

“Hạng” chuyên viên tư vấn thứ hai là những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của một chuyên ngành hoàn toàn khác, có khả năng “ăn nói”, có dự một vài khóa huấn luyện ngắn hạn về tham vấn, tư vấn tâm lý. Đây là hạng chuyên viên phổ biến nhất đã và đang hành nghề tại các trung tâm, công ty, tổng đài tư vấn trên địa bàn TP.HCM. Cuối cùng, đó là “hạng” chuyên viên chỉ có kinh nghiệm sống - theo GS-TS Trần Tuấn Lộ, dù chỉ có một số ít, nhưng có thể nói, đây là một thực trạng, một tồn tại cần thay đổi của nghề tư vấn; là vấn đề khiến không ít người làm nghề cảm thấy không yên tâm. Bởi đơn giản, dù có tài giỏi đến mấy, cũng phải có nền kiến thức về khoa học tâm lý mới có thể hành nghề.

Chính chuyên viên tư vấn tâm lý Đinh Đoàn cũng thừa nhận trên trang web cá nhân của ông rằng, bản thân ông tự tìm đến với nghề và vừa làm vừa học: “Cùng với một nhóm bạn, đều là những người chung chí hướng, chúng tôi tự lập ra đường dây tư vấn tâm lý - tình cảm qua tổng đài 108, Bưu điện Hà Nội. Thế là chúng tôi học hỏi để tự trở thành người làm nghề tư vấn tâm lý.Vậy thôi!”.

Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TP.HCM cho biết: “Tính đến cuối năm 2011, sau khi sơ kết 5 năm hoạt động (2006-2011), Hội có đến 350 hội viên không tiếp tục tham gia. Hiện chỉ còn 308 hội viên đang sinh hoạt. Một thực trạng phải nhìn nhận là hiện nay Hội không quản nổi hội viên và các chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý. Nguyên nhân đã được nhắc nhiều, bàn nhiều, đó là Hội không có một cơ chế, hành lang pháp lý nào như cấp thẻ hành nghề hoặc cấp phép hoạt động cho tất cả các trung tâm, công ty có hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Để đạt được “mơ ước” đó là chuyện xa xôi lắm”.

Chính tình trạng “không ai quản” này đã làm nhiều chuyên viên tư vấn tâm lý hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, muốn hành nghề tư vấn tâm lý, phải có bằng cấp tầm quốc gia, do hội ngành nghề sát hạch.

Ban Hôn nhân Gia đình

LÀM TƯ VẤN: Nghe quan trọng hơn nói

Cách đây hơn 10 năm, tiến sĩ (TS) Ngô Xuân Điệp (ảnh) - Trưởng bộ môn Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM từng thực hiện nghiên cứu “Những sai phạm trong các ca tư vấn tâm lý”. Ông đã chỉ ra hàng loạt những sai lầm trong công tác tư vấn tâm lý và đã có nhiều khuyến cáo về những vấn đề này. Thế nhưng sau chừng ấy thời gian, những khuyến cáo của TS Điệp vẫn còn “nguyên giá trị”. Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với TS Ngô Xuân Điệp về thực trạng này.

PV: Thưa TS, theo ông, mặt bằng khả năng, kỹ năng của chuyên viên tư vấn tâm lý đang hoạt động hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu tư vấn thực tế chưa?

TS Ngô Xuân Điệp: Với mặt bằng chung hiện nay, hầu hết các chuyên viên tư vấn tâm lý chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đa số các nhà tư vấn của ta hiện nay chưa được đào tạo bài bản. Đa phần, các trung tâm được cho là tư vấn tâm lý chỉ dừng lại ở dịch vụ cho lời khuyên, chưa thể gọi là tư vấn tâm lý. Theo tôi, để trở thành một nhà tư vấn tâm lý phải có đủ ba yếu tố: đạo đức, tri thức và kỹ năng. Thiếu một trong ba nội dung trên sẽ không thể trở thành nhà tư vấn tâm lý.

* Nghề tư vấn tâm lý là một nghề mới tại VN, nhưng mới nổi lên rầm rộ được vài ba năm, nay đã bắt đầu “xẹp”. Bằng chứng là nhiều trung tâm “biến mất”. Ông cảm nhận thế nào về hiện tượng này?

- Tôi nghĩ đây cũng là chuyện bình thường vì các trung tâm tư vấn hiện nay với cách thức hoạt động của mình không giúp giải quyết được gốc rễ các vấn đề của thân chủ. Do đó muốn giúp được người dân, cần phải mở các trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp (thực hiện đúng các yêu cầu về mặt khoa học trên cơ sở là một dịch vụ chăm sóc sức khỏe con người).

* Theo ông, có một mẫu số chung nào cho các chuyên viên tư vấn tâm lý hiện nay hay không?

- Tỷ lệ cao những nhà tư vấn tâm lý hiện nay chưa thể tiếp cận được các kỹ năng giúp đỡ tâm lý, họ có thể giảng giải về tư vấn tâm lý, biết rõ lợi ích của tư vấn, nhưng khi thực hiện lại theo cách của những người cố vấn. Vì đứng trước một vấn đề nào đó, hầu hết chúng ta (khi có kiến thức về vấn đề đó) đều có thể đưa ra lời khuyên, như vậy là đều có thể trở thành một “nhà cố vấn”. Để trở thành một “nhà cố vấn” thì không cần phải trải qua một chương trình đào tạo kỹ năng nào. Tuy nhiên, khi hành nghề tư vấn tâm lý, ngoài các kiến thức về tâm lý, các chuyên viên cần phải học và hành một loạt các kỹ năng hành nghề rất chặt chẽ.

* Thưa ông, một người đạt được những tiêu chí cơ bản nào thì có thể xem là chuyên viên tư vấn tâm lý?

- Để trở thành một nhà tham vấn tâm lý, trước hết, họ phải trải qua các khóa đào tạo bài bản (học hàng trăm giờ lý thuyết và hàng trăm giờ thực hành có giám sát). Trong quá trình hành nghề, cá nhân và công ty phải được sự giám sát chuyên môn của một tổ chức chuyên môn về tâm lý. Khi chưa học qua (bậc cử nhân hay thạc sĩ) tâm lý thì chưa thể gọi là chuyên viên tâm lý, ngay cả các chuyên viên tâm lý hay tâm lý giáo dục mà chưa học qua tham vấn tâm lý thì cũng chưa đủ cơ sở chuyên môn và pháp lý để hành nghề tư vấn tâm lý. Do đó, cần phải có một tổ chức đủ tin cậy để quản lý việc này. Một giáo sư tâm lý không thể trở thành nhà tư vấn tâm lý khi chưa học và thực hành các kỹ năng tư vấn tâm lý; tuy nhiên, một cử nhân tâm lý khi được đào tạo bài bản về lý thuyết và thực hành các kỹ năng tư vấn tâm lý có thể trở thành nhà tham vấn tâm lý và tư vấn cho một giáo sư tâm lý khi ông có vấn đề về tâm lý.

* Thực tế, có người không được đào tạo về chuyên môn tâm lý, nhưng họ có tài ăn nói khéo léo và vẫn thu hút được nhiều khách hàng đến tư vấn. Phải chăng, điều đó cho thấy, chỉ cần có khả năng nói chuyện khéo léo và có khả năng nắm bắt được tâm tư tình cảm của người khác là dễ dàng làm tư vấn viên?

- Nghề tư vấn tâm lý trước hết là những người có phẩm chất đạo đức và có các kỹ năng hành nghề. Trong tư vấn, kỹ năng nghe quan trọng hơn kỹ năng nói. Nghe tốt có thể giúp được nhiều cho thân chủ, còn nói nhiều trong cuộc tư vấn chẳng giúp được gì, thậm chí còn gây hại cho thân chủ. Do đó, nói khéo chưa bao giờ là kỹ thuật của tư vấn tâm lý. Nhà tư vấn phải tận dụng tối đa khả năng nghe và thận trọng khi nói.

* Theo TS, nghề tư vấn tâm lý ở VN đang gặp những hạn chế đáng báo động nào?

- Đạo đức của nhà tư vấn chính là hạn chế đáng báo động nhất hiện nay (một trong những phẩm chất quan trọng nhất của tham vấn là đức tính trung thực; không chỉ trung thực với người khác mà còn trung thực với bản thân mình). Nếu không có đức tính trung thực thì không thể nào giúp đỡ được thân chủ, trong khi ở VN có nhiều người tự cho mình là chuyên viên tâm lý, chưa học qua tư vấn tâm lý đã đi hành nghề tư vấn, và như vậy là không trung thực, vi phạm chính các nguyên tắc đạo đức của nghề tư vấn tâm lý.

* Xin cảm ơn TS.

Nghi Anh (thực hiện)

NGÔN NGỮ TƯ VẤN: Chọn “đất cày” hay “lụa”?

Một lời khuyên luôn được suy nghĩ, tổng hợp từ nhiều nguyên nhân, nhiều phong cách hành xử

sao cho "thấu tình đạt lý" - Ảnh: Phùng Huy

Nhu cầu tư vấn và dịch vụ tư vấn đang nở rộ. Tư vấn từ chỗ là những lời chia sẻ, tâm tình, những lời khuyên chân thành, đang dần bị lạm dụng, thậm chí có khi bị thương mại hóa, trở thành thứ gây tò mò hoặc nơi để tranh cãi, phô bày quan điểm. Một vấn đề nữa là bây giờ cái gì cũng “tư vấn”, từ tư vấn giảm cân, tư vấn mỹ phẩm đến tư vấn… đánh ghen! Có lẽ vì vậy người ta coi tư vấn như một chuyện thường, ai làm cũng được, nói gì cũng được, nói trên cơ sở nào cũng được, nói lộn thì… nói lại, có sao đâu!

Càng làm việc tư vấn, chúng tôi càng thấy việc tư vấn (bất kỳ chuyện gì chứ không phải chỉ riêng chuyện hôn nhân, tình yêu) là một việc khó khăn vô cùng. Hoàn cảnh, tình cảm, diễn tiến sự việc… trăm thứ phức tạp mình chưa biết hết, ẩn số lớn nhất là sự lan tỏa, sự chia sẻ hay phản kháng của hàng trăm vạn lượt người đọc, người nghe đủ mọi thành phần. Vì vậy, các cơ quan truyền thông thường chọn các chuyên gia có tên tuổi, được đào tạo bài bản và có vị trí xã hội, cùng với những điều kiện trên, tùy từng nơi từng việc còn phải kèm theo nhiều thứ khác… Lời tư vấn của họ đại diện cho nhiều thứ, một lời khuyên sẽ phải được suy nghĩ, tổng hợp từ nhiều nguyên nhân, nhiều phong cách hành xử khác nhau, sao cho thấu tình đạt lý.

Tuy nhiên, việc tư vấn hiện nay vẫn đang còn nhiều hạt sạn. Nhiều “chuyên gia tư vấn” vốn sống còn hạn chế, hiểu biết chưa đủ rộng và nền tảng văn hóa chưa thực sự vững chắc, đã vội vàng gặp chuyện nào cũng “phán”, nhiều khi chỉ bằng sự hoạt ngôn, câu chữ trơn tru mà thiếu đi tấm lòng nghĩ sâu nghĩ thật, nghĩ vì người khác. Nếu chỉ nói cho thỏa mình, nhiều khi lời tư vấn đi vào chỗ nghiệt ngã vô tình mà không biết.

Riêng đối với chuyện tình yêu, càng trăm đường ngàn nẻo để nói. Không có chuyện nào phức tạp hơn mà lại phổ biến hơn chuyện tình, nên tư vấn tình yêu trở thành mảng phức tạp hơn cả. Ở đây lẫn lộn vàng thau. Những cố gắng để “làm mới” lời tư vấn, gần gũi hơn với cuộc đời thực, không giáo điều, không vô thưởng vô phạt… là đáng quý, nhưng những cố gắng đó cũng đôi khi gây ra những “tai nạn nghề nghiệp” kiểu như tai nạn của chuyên viên tư vấn Đinh Đoàn.

Chuyên viên tư vấn và người cần tư vấn về cơ bản là hai người lạ, đang cần đến nhau trong một tinh thần cầu thị, tôn trọng. Đây không phải là người một nhà để có thể thân mật đến mức suồng sã. Đây cũng không phải câu chuyện bên bàn nhậu để có gì nói nấy, nghe được thì nghe không nghe thì thôi. Đây là câu chuyện có thể ẩn chứa nhiều câu chuyện khác giống như thế. Nhiều trường hợp tương tự nhưng người ta không hỏi, đưa một trường hợp ra hỏi, cũng tức là mong đợi chuyên gia đưa ra một cách hành xử điển hình, “làm mẫu”.

Chuyên viên tư vấn trả lời không chỉ cho một người, mà còn cho bao người khác. Vì vậy, không thể biện minh theo kiểu “người cần nghe tư vấn không chửi tôi thì thôi, những người nghe ké thì… mặc kệ!”. Đấy là khi anh đóng cửa nói chuyện với người trong nhà. Còn khi đã lên sóng phát thanh, lên mạng, lên báo… có lẽ chuyên viên tư vấn không nên phân biệt người nào nghe chính người nào nghe ké. Một chương trình trực tiếp là một thử thách. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi “tương tác” trở thành không chỉ là yêu cầu phản ứng suy nghĩ nhanh, trả lời nhanh tại chỗ, mà còn là một phát ngôn sẽ lan đi xa, lưu lại lâu. Người đứng trước micrô hay trước trang mạng, trang giấy, cần suy nghĩ, cần cẩn trọng lời nói hơn cả trăm lần.

Câu chuyện “tai nạn” của ông Đinh Đoàn không nằm ở chỗ quan điểm tư vấn. Theo Hạnh Dung quan điểm và cách ứng xử trong trường hợp trên không có gì sai. Vấn đề bị phản ứng ở đây là ngôn ngữ tư vấn, cho thấy có vẻ như những người có học vị cao đang có xu hướng bình dân hóa ngôn ngữ của mình, e rằng mình nói chuyện hàn lâm quá khó vào đầu người khác. Tuy nhiên, bình dân hóa không có nghĩa là dung tục hóa.

Trong câu chuyện tư vấn, có ba bốn bên. Bảo là “thịt cả họ nhà nó”, người “thịt” cũng đã thấy chờn chợn rồi, người “bị thịt” chắc còn đau đớn lắm. Người ta có vì nhầm lẫn, vì dại dột, thậm chí vì ngu ngốc mà lỡ chân một lần, cũng cần chút bao dung để đừng chì chiết chợ búa thế chứ! Nghĩ sâu, không biết cái sự coi thường lẫn nhau, coi thường mọi chuyện của mối quan hệ kia đã ăn vào trong lời nói, hay cái suồng sã của lời nói đã đẩy mối quan hệ kia lăn long lóc xuống bùn! Sợ thật, khi ai đó gặp mình đi cùng cô bạn gái mới, gọi ra hỏi ngay rằng: “Mày đã thịt nó chưa?”.

Đừng làm tổn thương thêm, rối thêm những trường hợp cần tư vấn (vốn đã rối lắm rồi). Cần “lựa lời mà nói”, trên cơ sở sự đồng cảm, chân thành và nghĩ vì người khác. Lựa lời không phải là uốn éo, lựa lời là nói đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu và đừng làm đau người khác. “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” (*) là chỗ này đây!

Hạnh Dung
(*) Thơ Lưu Quang Vũ.

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/all/-buc-tranh-toi-mau-cua-nghe-tu-van-tam-ly/a70394.html