Bức tranh tài chính “ảm đạm” của Vinalines, PVN sau kiểm toán

Vinalines dẫn đầu 5 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ với khoản lỗ hơn 3.478 tỷ đồng, các công ty con của Vinalines âm vốn tới gần 20.000 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí PVN, một trong số tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, nợ khó đòi ở mức cao…

Tại PVN có đến 4 dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư. Ảnh TL

Vinalines đứng đầu bảng thua lỗ

Năm 2015, Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty.

Theo đó, ghi nhận hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút, kinh doanh thua lỗ, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn; sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ…

5 trong số 38 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ được Kiểm toán nhà nước chỉ ra, đáng lưu ý, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đội sổ với 3.478,48 tỷ đồng, bỏ xa các tập đoàn và tổng công ty còn lại là Tổng công ty 15 thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), Tổng công ty Mía đường II, Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk với khoản lỗ tương ứng 471,1 tỷ đồng; -131,96 tỷ đồng; -15,18 tỷ đồng; -2,95 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, trong số các doanh nghiệp có nợ phải thu quá hạn, đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp đều có sự góp mặt của Vinalines, công ty con của Vinalines.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn có nợ phải thu quá hạn là 313,23 tỷ đồng. Các đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp tại Vinalines lên đến 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 bằng 0,46% vốn đầu tư.

Tại Vinalines, Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin có vốn chủ sở hữu âm 8.481,6 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (-3.403 tỷ đồng), CTCP Vận tải Biển Bắc (-2.219 tỷ đồng), CTCP Vận tải dầu khí Việt Nam (-2.114 tỷ đồng), Công ty TNHH Cảng Quốc tế SP-PSA (-539,33 tỷ đồng), Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (-1.075,37 tỷ đồng), CTCP Hàng Hải Đông Đô (-316,95 tỷ đồng), CTCP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế (-124 tỷ đồng), CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (-10 tỷ đồng).

Tại CTCP Vận tải biển Viship lỗ lũy kế lớn hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu 748,59 tỷ đồng/32,1 tỷ đồng, CTCP Tiếp vận Biển Đông 52,8 tỷ đồng/10 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn Công ty mẹ - Vinalines cho 3 công ty con vay theo chủ trương của Chính phủ, khó thu hồi 457,8 tỷ đồng; bảo lãnh và tiếp nhận bảo lãnh cho các đơn vị kinh doanh thua lỗ 6.204,54 tỷ đồng, 151,8 triệu USD và 69,2 triệu EUR tiềm ẩn rủi ro

Trong số tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao tại Vinalines có Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau 153,92 lần, CTCP Phát triển Hàng Hải Việt Nam 55,21 lần, Công ty TNHH MTV Cảng Năm Căn 17,69 lần; Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô 40,55 lần; CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân 27,62 lần...

PVN , hiệu quả kinh doanh giảm sút

Cũng tại báo cáo của Kiểm toán nhà nước, liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Kiểm toán nhà nước cho biết, hiệu quả sản xuất kinh doanh của PVN giảm sút, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2014 của là 15,56%, giảm 10,45%.

PVN cũng được chỉ ra, quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn tới nợ khó đòi ở mức cao như tại CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương phải thu theo Quyết định của Tòa án nhân dân TP.HCM về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm 80 tỷ đồng, Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam phải thu Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất 124,74 tỷ đồng.

PVN, các công ty thành viên như PVOil, PVEP, PVECCo cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định.

Công ty mẹ - Tập đoàn đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank và mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông.

Vốn chủ sở hữu âm tại PVN thuộc về các Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất âm 1.108,43 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (-71,18 tỷ đồng)

Báo cáo cũng cho biết, lỗ lũy kế của CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí lên đến 1.472,8 tỷ đồng.

Một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư trong khi Vinalines sở hữu 1 dự án, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn 3 dự án, Vinataba 1 dự án, IDICO 2 dự án, Tổng công ty 15 là 2 dự án, Vinaincon 3 dự án, ACV 1 dự án riêng PVN có đến 4 dự án.

Một số dự án thuộc PVN và Vinalines cũng được báo cáo đề cập việc triển khai dự án đầu tư còn tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, PVN cũng là một trong số tập đoàn, tổng công ty có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, với 4.562,81 tỷ đồng, là một trong số những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế đạt mức cao với 43.818 tỷ đồng.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/buc-tranh-tai-chinh-am-dam-cua-vinalines-pvn-sau-kiem-toan-1796130.html