Bức tranh số phận của hành khách MH370

Các phóng viên của hãng tin AP ở Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia đi tìm những cuộc đời sau những số thứ tự từ 1 đến 227 trên bản danh sách hành khách tưởng chừng không có gì đáng kể của chuyến bay mất tích.

Các phóng viên của hãng tin AP ở Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia đi tìm những cuộc đời sau những số thứ tự từ 1 đến 227 trên bản danh sách hành khách tưởng chừng không có gì đáng kể của chuyến bay mất tích.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Người nhà của hành khách trên chuyến bay MH370 hiện chưa rõ tung tích.

Sau những cột ghi tên họ, quốc tịch và tuổi được viết hoa là 227 câu chuyện khác nhau, một phần của bức tranh đa sắc về con người mà mỗi chuyến bay khi cất cánh đều mang theo. Có những người Úc trung niên thích đi du lịch, một nhà thư pháp danh tiếng của Trung Quốc, một thanh niên Indonesia chuẩn bị bắt đầu một sự nghiệp mới, và hai người đi bằng hộ chiếu ăn cắp.

Đã hơn hai ngày kể từ khi chiếc Boeing 777 biến mất khỏi các màn hình radar trong giờ đầu tiên cất cánh cho hành trình 6 tiếng bay từ Kuala Lumpur, Malaysia, đến Bắc Kinh. Từ nước Pháp đến Australia đến Trung Quốc, gia đình và bạn bè họ đang khổ sở chờ đợi mòn mỏi tin tức về chuyến bay MH370.

Chuyến bay có 12 thành viên tổ bay, đều là người Malaysia, một quốc gia đa sắc tộc gồm người Mã Lai, người Hoa và người Ấn. Hành khách trên tuyến bay thương mại - du lịch rất đông khách này hầu hết đến từ Trung Quốc và Malaysia, cùng những người đến từ nhiều góc nhau khác của thế giới: người Mỹ, người Úc, người Ấn Độ, người Pháp, người Indonesia, người Ukraina và nhiều quốc tịch khác.

Có người đi một mình, có người đi theo nhóm. Họ là những cặp tình nhân trẻ hay những đôi vợ chồng già nhăn nheo. Người thì đi công tác, người lại đi làm nghệ thuật. 74 tuổi là khoảng cách giữa hành khách trẻ nhất, bé Moheng Wang 2 tuổi, và già nhất, cụ Rusheng Liu 76 tuổi.

"Tôi chỉ có thể cầu nguyện một phép màu" - ông Daniel Liau nói. Ông là người tổ chức cuộc triển lãm thư pháp và thư họa có nhà thư pháp nổi tiếng Trung Quốc Meng Gaosheng tham gia. Ông Meng đã lên chuyến bay này cùng 18 nghệ sĩ khác, cùng 6 thân nhân và 4 nhân viên.

"Tôi rất buồn. Dù chỉ mới quen trong thời gian ngắn, họ đã trở thành bạn của tôi" - ông Liau ngậm ngùi.

Báo chí bủa vây phỏng vấn thân nhân hành khách trên máy bay mất tích của Malaysia

Cũng đi theo nhóm là 8 nhân viên người Trung Quốc và 12 nhân viên người Malaysia của Freescale, một công ty sản xuất chất bán dẫn có trụ sở ở Austin, Texas, Mỹ. Công ty này cho biết đang tìm cách "hỗ trợ suốt ngày đêm" cho gia đình các nhân viên này.

Mỗi ngày có hơn 80.000 chuyến bay cất cánh và hạ cánh trên khắp thế giới mà không có trục trặc gì. Đối với nhà du hành dày dạn người Australia, ông Robert Lawton 58 tuổi và vợ ông, bà Catherine 54 tuổi, chuyến bay MH370 cất cánh dường như đúng lịch trình là khởi đầu cho một chuyến phiêu lưu mới.

"Khi đi họ có nói là họ lại lên đường cho một chuyến đi lớn nữa, và họ rất hào hứng" - Caroline Daintith, một người hàng xóm, nói với kênh truyền hình ABC của Úc. Vợ chồng Lawton còn là những người ông bà rất yêu cháu.

Cũng đi phiêu lưu như họ là cặp vợ chồng người Úc khoảng 50 tuổi, Rodney và Mary Burrows. Người hàng xóm tên là Don Stokes cho biết chuyến đi này dự định sẽ là khởi đầu cho "bước tiếp theo trong cuộc đời họ".

Trong những gia đình đi với nhau có cặp đôi tuổi teen Hadrien Wattrelos 17 tuổi và Zhao Yan 18 tuổi, cùng học trường tiếng Pháp ở Bắc Kinh. Họ đang trở về nhà sau chặng ở Malaysia của kỳ nghỉ hai tuần với mẹ và em gái của Hadrien.

Hồi tháng 12, Zhao thay ảnh đại diện trên Facebook bằng ảnh cô chụp với Hadrien. Cậu bình luận: "Je t'aime" (tiếng Pháp: Anh yêu em), kèm theo hình trái tim, và cô đã "thích" bình luận đó.

Thân nhân hành khách chuyến bay MH370 mòn mỏi chờ đợi tin tức từ chiếc máy bay mất tích

Một số người lên máy bay với những mục đích nghiêm túc hơn trong đầu.

Chandrika Sharma là nữ giám đốc khoảng 50 tuổi của chi nhánh ở Chennai của một tổ chức làm việc về ngư dân. Đồng nghiệp cho biết bà đang trên đường từ thành phố miền Nam Ấn Độ này đến Mông Cổ để tham dự một hội thảo của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO).

"Phải có hy vọng nào đó chứ", một đồng nghiệp tên là Venogupal nói.

Tuy vậy, anh có vẻ sẵn sàng đón nhận điều xấu nhất. "Bà ấy rất thân thiện và đáng yêu, rất siêng năng và sắc sảo. Chúng tôi sẽ nhớ bà ấy lắm".

Đối với chàng thanh niên 24 tuổi Firman Chandra Siregar đến từ Medan, Indonesia, chuyến bay này là một chương mới trong cuộc đời. Đến Bắc Kinh, anh sẽ bắt đầu hợp đồng làm việc ba năm với Schlumberger, một công ty dịch vụ mỏ dầu.

Hàng chục người thân và hàng xóm đã tụ tập ở nhà anh, người thì khóc, người cầu nguyện, người theo dõi tin tức về việc tìm kiếm cứu nạn. Cũng như đồng nghiệp của Sharma, họ cũng đành để hy vọng tuột dần đi.

Một nhóm thuộc đơn vị xác định nạn nhân thảm họa của cảnh sát Indonesia đã thu thập các mẫu DNA và hồ sơ y tế từ gia đình của Firman, cũng như chụp lại ảnh của Firman vẫn treo trên tường trong nhà anh.

Một số người lại lên máy bay với động cơ mù mờ. Hai hành khách đã đi bằng hộ chiếu châu Âu ăn cắp - làm gia tăng nghi vấn rằng sự biến mất của chiếc máy bay không phải là một tai nạn.

Nhưng đó chỉ là hai trong số ít nhất 39 triệu tấm hộ chiếu bị mất và bị ăn trộm trên khắp thế giới. Năm ngoái, có hơn 29,3 triệu chuyến bay trên toàn thế giới. Tình cờ trong nhiều chuyến bay sẽ có hành khách nào đó đi bằng hộ chiếu trộm cắp. Họ có thể là tội phạm, những người đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, hay bất cứ chuyện gì khác.

Cũng rất tình cờ: Liu Hongwei đã không ở trên chuyến bay MH370.

Là chủ một công ty đầu tư ở Bắc Kinh và là bạn của nhà thư pháp Meng, ông Liu cho biết mình cũng được mời tham gia cuộc triển lãm và giao lưu văn hóa ở Malaysia với tư cách nhà tài trợ, nhưng do bận việc mà không đi được.

"Biết đâu tôi đã ở trên chiếc máy bay đó" - ông ngậm ngùi. "Chúng tôi đều vô cùng lo lắng".

Chung Hoàng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/165030/buc-tranh-so-phan-cua-hanh-khach-mh370.html