'Bữa tiệc' 180 tỷ USD bán lẻ Việt nhìn từ lần đóng cửa mới của Parkson

Việc Parkson lui quân có thể xem là hồi chuông cảnh báo đối với các thương hiệu bán lẻ chậm thay đổi...

Từ năm 2015 đến nay, Parkson liên tục đóng cửa 3 trung tâm thương mại cao cấp tại Việt Nam. Trước Parkson Viet Tower là Parkson Landmark cũng tại Hà Nội và Parkson Paragon tại Tp.HCM. Hiện Parkson chỉ còn 7 trung tâm tại Tp.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Ngày 15/12 tới, trung tâm thương mại Parkson Viet Tower sẽ chính thức đóng cửa, sau 8 năm tọa lạc tại ngã tư Thái Hà - Tây Sơn (Hà Nội).

Với tổng diện tích kinh doanh hơn 11.000 m2, nơi đây từng được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm mua sắm tấp nập cho người dân Hà Nội. Nhưng hiện nhiều gian hàng tại Parkson Viet Tower đã đóng cửa hoặc rục rịch dọn đi, sau khi có thông báo đóng cửa của chủ đầu tư.

Liên tiếp đóng cửa

Từ năm 2015 đến nay, Parkson liên tục đóng cửa 3 trung tâm thương mại cao cấp tại Việt Nam. Trước Parkson Viet Tower là Parkson Landmark cũng tại Hà Nội và Parkson Paragon tại Tp.HCM. Hiện Parkson chỉ còn 7 trung tâm tại Tp.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Parkson là thành viên của Lion, một tập đoàn quốc tế được thành lập từ năm 1930 tại Malaysia. Parkson có nhiều chi nhánh tại nhiều nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Indonesia, Mỹ...

Parkson dường như luôn trung thành với mô hình bán lẻ hàng hiệu, vị trí trung tâm luôn được chọn kỹ tại các khu phố đắt đỏ bậc nhất. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các mô hình mua sắm mới cùng với các kênh bán lẻ hiện đại đã khiến cho Parkson dần lép vế.

Trong thông báo gửi đối tác, Parkson thừa nhận, tại Việt Nam “ngày càng có nhiều nhà bán lẻ kinh doanh tại các trung tâm thương mại với mô hình shopping center quy mô lớn, kèm theo những tiện ích hiện đại giữ chân khách hàng nên thị trường càng cạnh tranh quyết liệt. Vì thế Parkson Viet Tower tại Hà Nội quyết định thay đổi địa điểm kinh doanh kinh doanh, như là một bước trong việc làm mới của tập đoàn Parkson trong bối cảnh thị trường bán lẻ mới”.

Về hàng hóa, Parkson phân phối tại Việt Nam chủ yếu các thương hiệu nước ngoài như Coach, Shu Uemura, MAC, Christian Dior, Lacoste, CK Jeans, Levis, Ecco, Geox, Adidas, Nike…, các thương hiệu trong nước như Nino Maxx, N&M, An Phước... và còn cung cấp dịch vụ giải trí, ăn uống, siêu thị.

Theo ghi nhận, các thương hiệu được bán tại Parkson thường có giá đắt hơn so với việc mua hàng trực tuyến tại các website nước ngoài và mất phí vận chuyển về Việt Nam. Dù liên tục chạy các chương trình giảm giá, song Parkson vẫn tỏ ra kém thu hút so với các đối thủ khác.

Báo cáo tài chính chưa kiểm toán trong quý 3/2016 của Parkson Retail Asia Limited (năm tài chính của Parkson kết thúc vào tháng 6 hàng năm) ghi nhận hiệu quả ở Việt Nam giảm 8,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Parkson Việt Nam lỗ trước thuế gần 80 tỷ đồng.

Làn sóng mới

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác.

Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm...

Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng khá nhanh, có thể đạt doanh thu gần 180 tỷ USD năm 2020.

Với dân số hơn 93 triệu người, 60% là người tiêu dùng trẻ với nhu cầu mua sắm cao, thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là địa chỉ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Thời gian qua, đã có một làn sóng các “đại gia” bán lẻ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... tham gia thị trường bán lẻ trong nước, thông qua hai kênh chính.

Thứ nhất là M&A, như doanh nghiệp Thái Lan mua Nguyễn Kim, BigC, Metro, hay doanh nghiệp Nhật Bản mua cổ phần Fivimart, Citimart. Thứ hai, họ sẽ vào Việt Nam thiết lập hệ thống từ đầu. Chẳng hạn, Aeon dự kiến mở tới 20 trung tâm lớn, Lotte bắt đầu với các trung tâm cao cấp tại vị trí đắc địa.

Trong khi đó, các thương hiệu bán lẻ trong nước như Vincom, Vinmart với ưu thế mặt bằng cũng đã cấp tập “phủ sóng” tại nhiều vị trí đắc địa.

Hệ quả khó tránh khỏi từ làn sóng này, là các thương hiệu bán lẻ bảo thủ, chậm thay đổi dần bị loại thải. Thực tế, các trung tâm thương mại có sự kết hợp linh hoạt, sáng tạo giữa mua sắm với giải trí, ẩm thực đã chứng tỏ sức thu hút khách hàng, trong khi bản thân Parkson, dường như vẫn dậm chân tại chỗ trong những năm qua.

Bạch Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thi-truong/bua-tiec-180-ty-usd-ban-le-viet-nhin-tu-lan-dong-cua-moi-cua-parkson-20161121063917757.htm