BTV Thu Hằng và hành trình đặc biệt cùng "Đêm trắng"

Với BTV Thu Hằng – người từng có 6 năm sống ở Nga, chuyến trở lại lần này có một ý nghĩa đặc biệt...

Là bộ phim tài liệu lên sóng VTV Đặc biệt tháng 10, Đêm trắng sẽ mang tới cho khán giả những góc nhìn khách quan và đa chiều về số phận người Việt sinh sống tại Liên bang Nga. Không dừng lại ở đó, bộ phim còn phần nào khắc họa hình ảnh nước Nga ngày hôm nay, một nước Nga đã thay đổi rất nhiều so với những gì người Việt biết đến.

Cuộc hành trình thực hiện bộ phim Đêm trắng kéo dài khoảng 20 ngày. Đoàn làm phim đã di chuyển liên tục từ Đông sang Tây nước Nga, bắt đầu ở Vladivostoc - một thành phố cảng có khá nhiều người Việt sinh sống. Sau đó, đoàn ghé thăm Ircutsk, gần ngay hồ Baikal. Địa điểm dừng chân lâu nhất là thành phố St. Petersburg và cuối cùng là Krasnodar.

Từng có khoảng thời gian dài học tập và sinh sống tại Nga, BTV Thu Hằng có rất nhiều tình cảm với xứ sở bạch dương. Chị cũng từng trở lại đất nước này nhiều lần. Tuy nhiên, sự trở lại lần này của chị lại là một điều đặc biệt khác, bởi mục đích của nó là để tìm hiểu về cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Nga.

BTV Thu Hằng cùng các thành viên trong ê-kíp sản xuất

"Nước Nga vốn đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, những người đã có một thời tuổi trẻ sôi nổi học tập và làm việc ở đây. Tuy nhiên, đã lâu rồi, hình ảnh nước Nga hiện đại ít được nói đến trên truyền hình. Và để trả lời cho câu hỏi nước Nga ngày hôm nay như thế nào, điều gì đã thay đổi, điều gì vẫn còn mãi, mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện như thế nào sau 25 năm Liên Xô sụp đổ, tất cả sẽ dần dần hé lộ trong 2 bộ phim tài liệu mà mở màn là " Đêm trắng ", phát trong khung giờ VTV Đặc biệt .

"Đây không phải là lần đầu tiên tôi quay lại Nga. Tôi trở lại đây cũng đã 4 – 5 lần rồi nhưng lần này lại đi với mục đích tìm hiểu về cộng đồng người Việt Nga hiện nay như thế nào" – BTV Thu Hằng chia sẻ - "Cộng đồng người Việt ở Nga rất lớn. Theo đại sứ Việt Nam tại Nga, con số này khoảng 70.0000 – 80.000 người nhưng thực tế, nó có thể lớn hơn, không thể thống kê chính xác vì người Việt sang Nga bằng nhiều đường khác nhau".

"Trước lần sang Nga này, tôi và nhóm làm chương trình, mà đứng đầu là chị Tạ Bích Loan, trưởng Ban Thanh Thiếu niên, suy nghĩ lung lắm. Cộng đồng người Việt tại Nga lớn như vậy, tất cả các câu chuyện trong 25 năm qua không thể thể hiện hết trong một bộ phim. Vì thế, chúng tôi bắt đầu thu hẹp lại đối tượng và chọn những nhân vật có số phận khác nhau, nhưng cũng khá điển hình".

Chị có thể tiết lộ thêm về những tuyến nhân vật sẽ xuất hiện trong bộ phim?

Ngay từ khi bắt đầu thực hiện bộ phim, tôi đã phần nào hình dung ra các tuyến nhân vật. Một số nhân vật chính kể câu chuyện, xen kẽ trong đó là những nhân vật phụ hơn để hỗ trợ cho tuyến nhân vật chính. Cùng nhau, họ sẽ ghép nên một bức tranh về cộng đồng người Việt ở Nga. Trong đó có sự vất vả bươn chải, sự cô đơn, thậm chí tủi nhục của người xa xứ, nhưng cũng có người hài lòng với cuộc sống hiện tại và đang làm những công việc mới mẻ, có triển vọng.

Các nhân vật chính sẽ trở đi trở lại trong cả bộ phim. Họ giúp chúng tôi kể câu chuyện về cộng đồng người Việt chứ không phải chỉ để nói câu chuyện của họ. Những nhân vật này là những người từng trải, hiểu biết, có sự chiêm nghiệm cuộc sống, đã ít nhiều thành công. Có thể không là tỷ phú hay triệu phú, nhưng họ là những người đã bứt phá ra khỏi lối mòn của nhiều người Việt – những người chỉ chuyên đi làm ăn nhỏ ngoài chợ - để làm những ngành nghề khác. Đó là những hướng đi lâu dài để người Việt có thể phát triển tại Nga. Nước Nga cũng sẽ có lợi từ sự phát triển đó.

Trở lại Nga lần này có gợi cho chị nhiều kỷ niệm?

Hồi mới sang Nga học năm 1989 (thực ra khi đó còn là Liên Xô), tôi ngố lắm vì vừa học xong lớp 12, lần đầu tiên thoát khỏi vòng tay bố mẹ ra nước ngoài. Tôi đi theo diện thí sinh được giải Olympic tiếng Nga nên được học bổng toàn phần. Liên Xô hồi đó chu cấp cho hết, không phải trả bất kỳ một đồng nào, từ chuyện đi lại đến ăn ở, chúng tôi còn được học bổng.

Tuy nhiên, đến tháng 12/1991, Liên Xô có sự thay đổi lớn, cuộc sống của chúng tôi cực kỳ vất vả. Thời kỳ đó dùng tem phiếu, chúng tôi thèm ăn gạo vô cùng nhưng không có mà mua. Tôi đã chứng kiến giai đoạn mà cuộc sống của người Việt tại Nga rất vất vả, từ sinh viên cho đến công nhân. Trong những năm đó, nhà máy đóng cửa, nhiều công nhân hoặc ở lại Nga chạy đi các nơi làm ăn hoặc nhảy sang các nước Đông Âu. Ở Việt Nam vừa thoát khỏi bao cấp, vô cùng khó khăn, nhiều người bằng cách này hay cách khác cũng muốn ở lại Nga để lấy lại số tiền đã mất để sang đây, hoặc gửi về giúp đỡ gia đình. Chúng tôi là sinh viên vẫn phải đi đánh hàng để lấy tiền chi tiêu.

Kể ra người Việt mình ở Nga rất chịu khó, kể cả sinh viên, làm đủ mọi cách để tồn tại. Mình sang học bố mẹ cũng chẳng có tiền cho. Bố mẹ tôi cố gắng lắm mới gửi cho được 100 – 200 USD/năm.

Cuộc sống lúc đó có sự xáo trộn rất lớn. Nếu như bạn ở Nga cách đó 10 năm thôi thì mọi chuyện đã khác, không phải lo nghĩ gì cả, mùa hè vẫn được trường cho đi nghỉ. Nhưng khi chúng tôi sang là đúng cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất. Cho tới năm 1996, khi tôi trở về nước thì khủng hoảng vẫn tiếp diễn nhưng đi theo chiều hướng khác. Đó là lúc nước Nga thắt chặt quản lý người nhập cư và tồn tại sự nhũng nhiễu trong xã hội nước Nga.

Bộ phim được ê-kíp đặt tên là Đêm trắng . Cái tên này có ý nghĩa gì?

Đêm trắng là hình ảnh đặc trưng của thành phố St.Peterburg và một số thành phố của nước Nga vào mùa hè. Đó là khi bầu trời gần như sáng trưng, đêm đến mà thành phố hầu như không ngủ, mọi người dạo chơi, tận hưởng hiện tượng thiên nhiên độc đáo chỉ những thành phố phương Bắc này mới có. Tôi bám vào hình ảnh này để làm bộ phim. Nhưng thực ra, không ít người Việt sống ở Nga nhiều năm cũng chưa được tận hưởng đêm trắng ở thành phố này lần nào. Bố tôi học ở Nga 9 năm nhưng chưa bao giờ được đi xem đêm trắng, rồi đến tôi cũng vậy vì làm gì có tiền. Cả ngày chỉ biết học rồi kiếm tiền sinh hoạt, sau đó trả bài thi là đã hết thời gian.

Khi quay ngược lại, từ "đêm trắng" sẽ là "trắng đêm". Đêm trắng còn có ý nghĩa đối với những người Việt mưu sinh ở xứ người, đó là những đêm mất ngủ, lo toan. Bộ phim sẽ khắc họa cuộc sống của người Việt trong sự biến chuyển của xã hội Nga ngày hôm nay, cách mà họ vật lộn trong cuộc sống và từ chỗ buôn bán nhỏ lẻ, có người đã bứt ra để làm những công việc có triển vọng…

Làm bộ phim này, điều chị cảm thấy thấy khó nhất là gì?

Cộng đồng những người hiểu biết về nước Nga rất lớn, đó là những người có trình độ, từng trải. Đó có thể là những người đã sống ở Nga nhiều năm hoặc bằng cách này cách khác tìm hiểu về đất nước này. Họ sẽ đặt câu hỏi - bộ phim có được như họ kỳ vọng không? Có nói lên được 25 năm hành trình của người Việt xa xứ?

Đáp ứng yêu cầu của tất cả mọi người là điều không thể. Tôi nghĩ câu chuyện của mình không kể được chi tiết giai đoạn 25 năm của nước Nga, quan trọng hơn là thông điệp cuối cùng bộ phim đưa ra là gì. Tôi muốn những người đã biết về nước Nga lâu nay hay những người trẻ không biết gì về xứ sở bạch dương cũng có thể tìm được điều gì đó mới về đất nước này, thậm chí tìm được điều gì đó cho chính bản thân mình từ những câu chuyện của người Việt ở Nga.

Tôi tin rằng bộ phim sẽ đáng xem, có những cảnh thành phố St. Peterburg đẹp đến nghẹt thở, những trường đoạn mang lại cảm xúc, nhờ quay phim Quang Nam, Khắc Long và đặc biệt là người mà tôi gọi đùa là "phù thủy" - anh Minh Phương (người dựng phim, làm đồ họa và âm nhạc cho phim).

Tôi thực sự hào hứng với dự án này cho dù nó khiến tôi có những "đêm trắng" từ trước khi bắt tay quay những cảnh đầu tiên.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Bộ phim Đêm trắng sẽ phát sóng vào 20h45 Chủ nhật (16/10) trên VTV1. Mời quý vị và các bạn đón xem!

Nguồn VTV: http://vtv.vn/truyen-hinh/btv-thu-hang-va-hanh-trinh-dac-biet-cung-dem-trang-2016101609451765.htm