BRICS đang “suy yếu”?

Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS ở thị trấn Benaulim, bang Goa - Ấn Độ trong 2 ngày 15 và 16-10, nhà lãnh đạo 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch hành động về việc thực hiện Tuyên bố chung trong năm tới.

Trước đó, các nhà lãnh đạo BRICS đã bàn về việc mở rộng các cuộc tiếp xúc giữa nhân dân các nước cũng như việc mở rộng giao thương, thúc đẩy nền kinh tế 5 nước xích lại gần nhau hơn và tiến hành thực hiện các dự án mới - theo hãng tin Tass.

Theo AP, hội nghị BRICS lần này diễn ra giữa lúc ngày càng có nhiều nghi ngờ về sức ảnh hưởng của 5 nước nói trên đối với các vấn đề chính trị, tài chính toàn cầu. Chiếm gần 1/2 dân số thế giới và 1/4 GDP toàn cầu (tương đương 16.600 tỉ USD), các thành viên BRICS đang phải đương đầu với những thách thức của riêng mình.

Đáng chú ý, Nga đang bị trúng đòn kép từ giá dầu sụt giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 25 năm qua. Kinh tế Nam Phi vẫn trong tình trạng hỗn loạn còn Brazil vẫn chưa hết choáng váng vì tình trạng suy thoái kinh tế và khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua. Kinh tế Ấn Độ dù có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới (7,5%) nhưng nước này đang vất vả đối phó với tình trạng nghèo đói lan rộng và thách thức từ cuộc chiến chống phiến quân ở Kashmir.

Lãnh đạo các nước thành viên BRICS tại hội nghị ở bang Goa - Ấn Độ hôm 16-10 Ảnh: AP

Trong bối cảnh nói trên, không có gì khó hiểu khi các nhà lãnh đạo BRICS tìm cách thúc đẩy lợi ích riêng tại hội nghị ở Ấn Độ. Chẳng hạn như Trung Quốc mong muốn BRICS chấp thuận một thỏa thuận thương mại tự do để mở cửa thị trường hơn nữa. Tuy nhiên, đề xuất này khó có thể được các thành viên khác chấp nhận bởi họ đang phải chịu gánh nặng từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc và tình trạng thâm hụt thương mại lớn với Bắc Kinh.

Ở chiều ngược lại, BRICS đang thúc đẩy Trung Quốc đầu tư nhiều hơn những thành viên khác, nhất là đối với các dự án hạ tầng. Riêng Tổng thống Vladimir Putin mời gọi doanh nhân các nước BRICS hợp tác tích cực hơn với các công ty nước này - theo hãng tin RIA Novosti.

Về chính trị, từng nước thành viên đang tìm cách thuyết phục các nước còn lại trong nhóm ủng hộ chính sách của họ - chẳng hạn như Nga với vấn đề Syria, Trung Quốc về biển Đông và Ấn Độ về cuộc chiến chống khủng bố.

Lục San

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/brics-dang-suy-yeu-20161016220355158.htm