Brexit sẽ bị trì hoãn đến sau 2020?

Một chuyên gia chính trị hàng đầu cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có lẽ đang muốn trì hoãn các cuộc đàm phán với Anh về vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) sang… thập kỷ tới khi vương quốc này có một Chính phủ mới tại Westminster.

Thủ tướng Anh Theresa May cho phép lãnh đạo Scotland, Wales và Bắc Ireland đàm phán về Brexit ít nhất 2 lần trước cuối năm nay.

Chuyên gia hàng đầu về Brexit Dimitris Papadimitriou, Giáo sư chính trị học tại Đại học Manchester, nhận định Brussels có thể đang ở thế thượng phong trong việc môi giới một thỏa thuận với Chính phủ Anh bởi theo ông, Anh cần tiếp cận thị trường chung châu Âu hơn là thị trường này cần Anh. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Brexit chuyên trách đưa Anh rời khỏi EU, ông David Davis, vừa đưa ra phản ứng đầu tiên của Chính phủ đối với phán quyết của Tòa án Tối cao Anh trong việc thực hiện Điều 50 Hiệp ước Lisbon hôm 3-11. Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố bà có kế hoạch bắt đầu tiến trình để Anh rời khỏi EU bằng việc kích hoạt Điều 50 vào tháng 3-2017. Tuy nhiên, Tòa án cho biết chính phủ của bà May không được phép kích hoạt Điều 50 nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Phát biểu trước Hạ viện hôm 7-11, Bộ trưởng Davis cho biết Chính phủ thất vọng với phán quyết của Tòa án, đồng thời nói thêm rằng mục đích của phán quyết này là nhằm ngăn cản lịch trình rời EU của bà May, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3-2017. Trong khi nhấn mạnh cần phải tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân, ông Davis cũng lên án những động thái mà một số chính trị gia đề xuất, thứ có thể làm trì hoãn hoặc phá hỏng tiến trình Brexit.

Theo chuyên gia Papadimitriou, phán quyết của Tòa án Tối cao chính là trở ngại đầu tiên trên con đường tiến tới Brexit của Anh. Nếu Tòa án yêu cầu Quốc hội phải có một cuộc bỏ phiếu trước khi bắt đầu tiến trình Brexit, nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những quyết định không thể đoán trước của Thượng viện. Ông nói thêm, khi Điều 50 được kích hoạt, một trong những vấn đề đáng quan tâm sẽ là việc Anh tiếp cận vào thị trường châu Âu và nửa tỷ khách hàng tiềm năng của Anh sẽ ra sao. Thỏa thuận có lẽ sẽ không cho phép di chuyển hàng hóa, dịch vụ và vốn một cách tự do, nhưng lại cho phép người dân tự do di chuyển. Mối lo ngại của châu Âu là nếu Anh được phép lựa chọn như vậy, thì không ai có thể dám chắc liệu trong vòng 3-5 năm tới, Đức và Pháp có làm điều tương tự hay không.

Đây là lần đầu tiên có một việc như thế này xảy ra tại châu Âu, vì vậy nó thiếu tính rõ ràng. Luật pháp châu Âu hiện đang bó buộc Anh trong 80.000 trang thỏa thuận chung. Tất cả sẽ phải được làm sáng tỏ khi các nhà đàm phán của Anh đang tìm kiếm thỏa thuận về 200 giao dịch thương mại trên thế giới. Quá trình này chắc chắn sẽ kéo dài.

Theo ông Papadimitriou, nếu tổ chức lại trưng cầu ý dân thì tỷ lệ người dân chọn rời khỏi EU có lẽ còn cao hơn so với cuộc trưng cầu hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên cuối cùng, một số người sẽ thấy một Brexit không rõ ràng như họ mơ ước. Nếu Anh mất quyền gia nhập thị trường châu Âu, điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cả nước, cũng như ảnh hưởng đến việc kiểm soát biên giới, kiểm soát tiền và nhiều vấn đề khác.

Theo chuyên gia Papadimitriou, không có chuyện nước Anh sẽ chỉ muốn rời EU bằng mọi giá, dù có thỏa hiệp hay không. Việc rời đi chỉ diễn ra sau 2 năm kích hoạt Điều 50, nên đây không phải là vấn đề chính. Các thành viên của Anh có thể tiếp tục lịch trình 2 năm đã được lên kế hoạch bởi chẳng có một thỏa thuận nào trong Hiệp ước Lisbon quy định lịch trình này không thể tiếp tục. Như vậy, nhiều khả năng thỏa thuận sẽ được thông qua vào mùa Xuân 2019 và nó sẽ phù hợp để các nhà đàm phán tại Brussels kéo dài thêm thời gian. Đặc biệt, nếu cuộc tổng tuyển cử tiếp theo tại Anh dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5-2020, sẽ có một sự ủng hộ lớn cho châu Âu.

Ông Papadimitrioi lo ngại những khó khăn phía trước có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp bởi việc rời khỏi EU không phải là điều dễ dàng như việc đi bỏ phiếu hồi tháng 6 vừa qua.

Lan Huyền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/brexit-se-bi-tri-hoan-den-sau-2020.aspx