'Brexit không có nghĩa là Anh quay lưng lại với thế giới'

Trả lời phỏng vấn độc quyền với Zing.vn, Đại sứ Giles Lever khẳng định sau Brexit, Anh sẽ tiếp tục đấu tranh cho tự do thương mại toàn cầu và thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

- Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Hiệp định này sẽ được thực thi như thế nào sau Brexit? Việt Nam có cần đàm phán một thỏa thuận FTA nữa với London không?

- Tôi nghĩ đầu tiên là phải dựa vào tiến độ của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam và xem nó có đi vào hiệu lực trước khi Brexit diễn ra hay không. Nếu có hiệu lực trước Brexit, FTA này có thể là mô hình tiềm năng cho Anh và Việt Nam tiếp tục (trao đổi thương mại). Nếu không được như vậy thì đôi bên sẽ phải xem xét nhiều vấn đề khác (liên quan đến việc xây dựng thỏa thuận FTA song phương).

Tuy nhiên, có thể nói rằng trong những năm qua, Việt Nam liên tục cho thấy sự cam kết mạnh mẽ với thương mại tự do. Anh cũng cam kết với thương mại tự do và chúng tôi luôn tin tưởng vào Việt Nam trong vai trò của một đối tác có chung cách nhìn về lợi ích của tự do thương mại.

Còn nhiều điều mà chúng ta chưa thể nói trước, song đó là những nền tảng quan trọng cho quan hệ Việt - Anh tiến bước.

Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, ông Giles Lever . Ảnh: Việt Hùng.

Anh tiếp tục đấu tranh cho tự do thương mại hậu Brexit

- Với việc người Mỹ chọn ông Trump làm tổng thống và Anh tiến hành Brexit, có phải chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của toàn cầu hóa, quá trình diễn ra suốt vài thập niên qua?

- Chúng ta đều thấy xu hướng chống toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ khắp thế giới. Nhưng đối với Anh, chiến lược toàn cầu rõ ràng của London sau khi rời EU là tiếp tục ủng hộ và đấu tranh cho tự do thương mại.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý không có nghĩa Anh quay lưng lại với thế giới hay cố tách biệt mình khỏi toàn cầu hóa. Ngược lại, chính phủ từ lâu đặt mục tiêu quan trọng là thúc đẩy xuất khẩu và thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài vào Anh. Những mục tiêu đó sẽ tiếp tục được duy trì.

- Liệu có nên lo lắng về việc Anh quá chú trọng vào các vấn đề trong nước và thờ ơ với các cam kết trên toàn thế giới, đặc biệt là châu Á?

- Không. Tôi muốn làm rõ rằng Anh vẫn là một quốc gia quan trọng trên trường quốc tế. Chúng tôi là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, thành viên NATO, G7, G20, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và tiếp tục giữ vững vị trí này sau Brexit.

Chúng tôi cũng là một trong số ít nước lớn chi 0,7%GDP cho viện trợ nước ngoài. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ trong việc chống lại đói nghèo, giải quyết xung đột và các vấn đề phát triển xã hội khác trên toàn cầu. Những cam kết này sẽ vẫn được duy trì khi Anh rời EU.

Quan hệ Việt - Anh đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất

- Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt - Anh hiện nay?

- Đầu tiên, cần phải nói rằng quan hệ giữa Anh và Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay, phát triển một cách sâu rộng trên ngày càng nhiều lĩnh vực, đặc biệt từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2010.

Điều này thể hiện rõ trong nhiều khía cạnh, qua các chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam những năm gần đây của cựu Thủ tướng David Cameron, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philip Hammond, Hoàng tử William.

Ông Giles Lever, 49 tuổi, được bổ nhiệm làm đại sứ Anh tại Việt Nam vào tháng 7/2014. Ông bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh vào năm 1990 và đã trải qua nhiều vị trí, cả ở châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi.

Đại sứ Giles Lever đặc biệt có kinh nghiệm về khu vực Đông Á, từng làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản. Trong giai đoạn 1993-1997, ông giữ vị trí Bí thư thứ hai (phụ trách chính trị) tại Đại sứ quán Anh ở Hà Nội.

- Anh là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam. Việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách của London với Hà Nội?

- Brexit đánh dấu sự thay đổi lớn trong quan hệ của Anh với châu Âu, nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi nỗ lực hơn trong việc tăng cường quan hệ với các quốc gia bên ngoài khu vực.

Trong bối cảnh 90% GDP toàn cầu 10 năm qua đến từ bên ngoài châu Âu, đặc biệt từ các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Anh có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ với các nước bên ngoài đặc biệt là về kinh tế, an ninh. Với Việt Nam, tôi hy vọng rằng quan hệ đối tác chiến lược sẽ tiếp tục được đẩy mạnh sau Brexit.

Anh đã bắt đầu thảo luận về xuất khẩu thiết bị quân sự cho Việt Nam

- Ông có thể nói rõ hơn về hợp tác quân sự giữa Anh và Việt Nam?

- Việt Nam và Anh đã tổ chức đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng cũng như giữa các lực lượng quân đội nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tiếp cận các vấn đề và tìm ra lĩnh vực hợp tác mới.

4 năm trước, chúng tôi quyết định gia tăng hợp tác quốc phòng với Việt Nam bằng cách đưa Tàu khu trục Hải quân Hoàng gia Anh đến Đà Nẵng.
Năm ngoái, khi tàu Mỹ đến Việt Nam, chúng tôi có điều động những nha sĩ của Hải quân Anh khám chữa bệnh miễn phí cho 700 người.

Gìn giữ hòa bình cũng là lĩnh vực được quan tâm. Chúng tôi có lực lượng gìn giữ hòa bình ở Iraq, Afghanistan. Việt Nam đã tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Đây là lĩnh vực Anh có thể giúp đỡ Việt Nam vì chúng tôi vốn có nhiều kinh nghiệm.

- Khi nói tới hợp tác quân sự giữa Việt Nam và các nước khác, người ta thường đề cập tới việc mua bán vũ khí và tập trận chung. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng này trong quan hệ hợp tác giữa Anh và Việt Nam?

- Đối với Anh, mục tiêu chính của chúng tôi tập trung vào NATO và khu vực đông Âu, bắc Phi, Trung Đông và Nga, đó là nơi Anh có những cam kết về mặt quân sự.

Chúng tôi chưa có bất cứ kỳ vọng nào về sự hiện diện quân sự của Anh khu vực châu Á và sẽ thực hiện ngoại giao quốc phòng thông qua các chuyến thăm của tàu, máy bay quân sự. Anh hy vọng xây dựng những mối quan hệ như thế này trong lĩnh vực quốc phòng với các đối tác trong đó có Việt Nam.

Về lĩnh vực buôn bán vũ khí, Anh là nhà xuất khẩu lớn và có nhiều kinh nghiệm. Thông thường, trước tiên chúng tôi phải xem xét khả năng đáp ứng yêu cầu của đối tác. Với Việt Nam, những cuộc thảo luận về vấn đề này đang ở giai đoạn sơ khai, tôi hy vọng nó sẽ tiến triển.

- Đại sứ từng hai lần được bổ nhiệm vào các vị trí công tác ở Việt Nam. Ông cảm nhận thế nào về sự khác biệt giữa hai lần này?

Từ 1993 tới 1997 là nhiệm kỳ đầu tiên của tôi. Khi đó Việt Nam đang trong thời kỳ đầu Đổi mới và vẫn còn nhiều khó khăn. Từ 1997 đến 2014, tôi có quay trở lại một lần và thấy rõ đất nước của các bạn đang phát triển. Những thành phố đều thay đổi, mọi thứ rất hiện đại, từ giáo dục, du lịch đến kinh doanh, mua sắm…

Tôi nghĩ người Việt đang gần hơn với thế giới, nhất là tầng lớp trung lưu, họ đã thay đổi đáng kể. Trong vòng 25 năm qua, Việt Nam có sự tiến bộ rõ ràng, đây chính là bài học để nhiều nước trên thế giới noi theo.

'Nô lệ thời hiện đại': Thách thức chung để Việt - Anh hợp tác giải quyết

- Đại sứ quán Anh đang phát động chiến dịch chống nạn buôn bán người và nô lệ. Tại sao Anh lựa chọn thời điểm này và Việt Nam làm nơi triển khai chiến dịch?

- Mỗi năm, Anh chào đón nhiều người Việt Nam tới làm việc hợp pháp, du học hay đi du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi gặp vấn đề nghiêm trọng với một bộ phận người Việt bị buôn bán sang Anh để lao động trái phép.

Đối phó với vấn nạn này là nội dung hợp tác song phương rất quan trọng giữa London và Hà Nội. Bởi nhìn vào quốc tịch của những người nhập cư sang Anh để lao động bất hợp pháp, công dân Việt chiếm số lượng lớn nhất.

- Tờ Guardian vừa có cuộc điều tra cho thấy thực trạng nhiều thiếu niên Việt Nam bị bán sang Anh để trồng cần sa. Anh đang giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Tệ nạn mà chúng tôi gọi là "nô lệ thời hiện đại" này là vấn đề mà Thủ tướng Theresa May luôn ưu tiên từ khi bà còn đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Nội vụ cho đến hiện tại. Do vậy, chính phủ Anh đang nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn nạn đó.

Chúng tôi đang tìm kiếm sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cảnh sát Anh và Bộ Công an của Việt Nam trong việc điều tra và thu thập thông tin về cách thức người Việt nhập cư bất hợp pháp sang Anh.

Anh cũng đang đẩy mạnh những dự án ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về hiểm họa buôn người, giáo dục cộng đồng và tăng cường hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng sau khi trở vể từ Anh.

Ông Giles Lever trả lời phỏng vấn của phóng viên Zing.vn. Ảnh: Việt Hùng.

- Vấn đề người Việt nhập cư và lao động bất hợp pháp ở Anh có ảnh hưởng tiêu cực gì đến các quy định nhập cư vào Anh đối với công dân Việt Nam hay không?

- Tỷ lệ hồ sơ xin thị thực từ Việt Nam khá cao và chúng tôi không từ chối nhiều trường hợp. Tuy nhiên, với vấn nạn buôn bán người hiện nay, chúng tôi phải xem xét rất cẩn thận các đơn xin visa.

Tại thời điểm này, chúng tôi không thấy việc đi lại bằng thị thực (của người Việt) có vấn đề lớn. Tuy nhiên, nạn buôn người tồn tại có nghĩa là chúng tôi phải kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ xin visa. Việc chính phủ Anh sớm giải quyết vấn nạn này sẽ tạo thuận lợi hơn cho những du khách hợp pháp từ Việt Nam mà Anh luôn chào đón.

- Thủ tướng Cameron từng thăm Việt Nam. Thủ tướng Theresa May liệu có tới đây trong tương lai gần?

- Lịch trình cho các chuyến thăm của Thủ tướng May chưa cụ thể, nhưng trong vòng 2 năm qua, hàng loạt quan chức cấp cao của Anh đã thăm Việt Nam nhằm củng cố mối quan hệ song phương. Chúng tôi cũng trông chờ chuyến thăm từ lãnh đạo Việt Nam sang Anh.

- Xin cảm ơn ông!

Phương Loan - Ngụy An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/brexit-khong-co-nghia-la-anh-quay-lung-lai-voi-the-gioi-post734341.html