Brexit: Cơ hội để nước Anh tăng cường hợp tác tại vùng Vịnh

Năm 2016 là cột mốc đánh dấu thời kỳ chuyển đổi khi nước Anh định hướng chiến lược quốc phòng và an ninh của mình là ở khu vực vùng Vịnh.

Brexit: Cơ hội để nước Anh tăng cường hợp tác tại vùng Vịnh. Ảnh: Reuters

Trang tin Arab News mới đây có bài phân tích với tựa đề "Nước Anh và vùng Vịnh" của tác giả Zaid M. Belbagi, chuyên gia phân tích chính trị.

Vào cuối những năm 1960, Chính phủ Anh đã quyết định rút khỏi cam kết phía Đông Suez do các cân nhắc về vấn đề chính trị và tài chính. Đây là di sản hợp tác giữa Anh và khu vực này. Sự ra đi nhanh chóng của lực lượng Anh từng là một cú sốc chính trị lớn đối với vùng Vịnh.

Khi nước Anh gia nhập thị trường chung châu Âu, tưởng rằng tương lai của nước Anh sẽ đi cùng với sự phát triển của châu Âu, nhưng khi sự kiện Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) sắp diễn ra thì việc một nước Anh tái tham gia trên toàn cầu là một yếu tố rất quan trọng trong chính sách của London.

Vào tháng 12/2016, Anh đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng hàng hải với Bahrain. Kết quả là căn cứ đầu tiên của Anh trong khu vực đã được thiết lập và dự kiến sẽ hoạt động trong hơn 40 năm. Đây là cột mốc đánh dấu thời kỳ chuyển đổi khi Vương quốc Anh định hướng chiến lược quốc phòng và an ninh của mình là ở khu vực vùng Vịnh.

Mặc dù việc quay trở về phía Đông Suez lúc này còn quá sớm, song không phải là không khả thi. Khi Mỹ quay trở lại Thái Bình Dương, Vương quốc Anh đóng vai trò trung tâm tại Trung Đông để tìm cách giảm bớt gánh nặng an ninh ở nước ngoài cho Mỹ, một trong những vấn đề quan trọng nhất là việc ngăn chặn các tham vọng của Iran.

Sự có mặt của Thủ tướng Anh tại Hội nghị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gần đây nhất hồi tháng 12/2016 đã được rất nhiều người quan tâm. Trong một khu phức hợp an ninh như vùng Vịnh, các quan hệ đối tác chiến lược với các đồng minh quân đội và bạn bè cũ được đánh giá là khá thuận lợi.

Trong bối cảnh các bất ổn an ninh đang diễn ra tại khu vực, việc mở rộng "chiếc ô" bảo vệ là ưu tiên hàng đầu của GCC. Các lực lượng Anh sẽ được hưởng lợi từ các lĩnh vực đào tạo, tiếp cận vùng Vịnh và Ấn Độ Dương cùng các cuộc tập trận chung với các lực lượng vùng Vịnh.

Điều này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng đến các cường quốc trong khu vực, các quốc gia đã và đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong bối cảnh biến động chính trị trong thế giới Arập. Việc tập trung trở lại vào Trung Đông sẽ giúp Mỹ có thể thực hiện các hành động trên các "sân khấu" khác ngoài châu Âu và đó là phía Đông Suez.

Trong bối cảnh diễn ra sự kiện Brexit, Vương quốc Anh phải nhìn ra bên ngoài cũng như củng cố mối quan hệ với các đồng minh hiện tại và lợi ích trong Khối Thịnh vượng Chung. Việc định hướng lại như vậy rất khó để cân bằng trách nhiệm của Anh đối với châu Âu và các đồng minh quan trọng ở châu Âu.

Với vai trò là lực lượng quân đội hàng đầu ở châu Âu và là cường quốc thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lực lượng vũ trang của Anh hiện nay có vai trò ngày càng quan trọng trong việc tham gia vào các hoạt động ở nước ngoài.

Việc xây dựng một vị trí chiến lược của Anh trong khu vực không nhất thiết phải áp đảo. Dường như quân đội Anh không dự định triển khai một số lượng lớn quân đội tại đây, thay vào đó, một giải pháp khác là xây dựng các cơ sở để luân chuyển các lực lượng đến và đi khỏi khu vực này và cung cấp các chốt trung gian để tiếp nhiên liệu và đưa quân đội lên các tuyến đường thủy quốc tế quan trọng như Bab Al-Mandeb và Hormuz.

Điều này phù hợp với những hạn chế trong lực lượng vũ trang của Anh. Căn cứ Không quân Minhad ở Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và căn cứ Hải quân Juffair ở Bahrain cùng vai trò của các căn cứ này trong hoạt động ở Afghanistan và chống cướp biển ở Ấn Độ Dương chứng minh ảnh hưởng của Anh đối với tương lai của khu vực.

Từ những năm 1970, Mỹ đã đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông. Sự hiện diện quân sự và sự can thiệp chính trị này đã phản ánh mối quan tâm của Mỹ trong việc duy trì an ninh của các đồng minh.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm gần đây tại Iraq và Afghanistan, Mỹ sẽ muốn giảm bớt vai trò này. Mỹ không thể bảo đảm một cách toàn diện sự ổn định của Trung Đông trong khi sự chú ý của nước Mỹ đang tập trung vào các ưu tiên ở châu Á (đặc biệt là vùng Viễn Đông) và Vành đai Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh tương tự như khi Anh rút lui hồi năm 1971, Mỹ đã quay sang tập trung vào khu vực vùng Vịnh.

Giờ đây, những cam kết nhạt phai của Mỹ đang mở đường cho những cường quốc khác tham gia vào khu vực này. Việc tham gia vào vùng Vịnh sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nước Anh và giúp quốc gia châu Âu này trở thành cường quốc phương Tây hàng đầu trong khu vực.

Việc thành lập các cơ sở chính trị và an ninh của Anh trong vùng Vịnh đã khiến Washington lúng túng. Với cách tiếp cận được quân đội hỗ trợ, Vương quốc Anh có thể điều phối các mối quan hệ quốc phòng trong khu vực để hoạt động có hiệu quả hơn.

Ví dụ điển hình là tất cả các quốc gia vùng Vịnh hiện sử dụng máy bay chiến đấu Typhoon. Họ đánh giá cao và tôn trọng công tác huấn luyện quân sự và hỗ trợ chiến thuật của Anh. Tại vùng Vịnh, nước Anh sẽ có thể tìm cách cải thiện các mối quan hệ của mình trong khu vực khi quân đội Anh rút khỏi Đức vào năm 2020.

Điều tạo ra sự khác biệt cho lực lượng vũ trang Anh là khả năng và kinh nghiệm của họ trong hoạt động ở nước ngoài. Việc giảm tập trung ở châu Âu sẽ cho phép nước Anh tái phát triển ở những nơi khác. Chưa rõ Anh có tìm cách tập trung lại vào Trung Đông hay không.

Có thể nói ở vùng Vịnh, nước Anh chưa bao giờ rời đi mà hiện tại chỉ đang điều chỉnh sự hiện diện của mình trong bối cảnh những thay đổi chính trị và kinh tế đang diễn ra ở trong nước và trong khu vực. Những mối quan hệ này cùng với nhu cầu duy trì khu vực ổn định và hỗ trợ Mỹ trong các trách nhiệm toàn cầu có thể tạo ra một cơ hội tốt để nước Anh tăng cường hợp tác trong vấn đề an ninh vùng Vịnh./.

Xem thêm:

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/brexit-co-hoi-de-nuoc-anh-tang-cuong-hop-tac-tai-vung-vinh/54285.html