BOT Trung Lương - Mỹ Thuận ì ạch sau khởi động

Gần năm rưỡi từ khi công trình được khởi động, đường cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang ì ạch...

Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận khởi động gần năm rưỡi nhưng vẫn ì ạch dù các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, đôn đốc (Trong ảnh: Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 25/11/2015) - Ảnh: Phan Tư

Gần năm rưỡi từ khi công trình được khởi động, đường cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới gần 15 nghìn tỷ đồng vẫn đang ì ạch cả về mặt thủ tục pháp lý lẫn tiến độ thi công ngoài hiện trường.

Nhà đầu tư “đóng hộ nhau” vốn chủ sở hữu

Chính thức khởi động từ tháng 2/2015, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận là hợp phần của tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ gồm ba đoạn TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dù được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của khu vực Tây Nam bộ, giảm tải cho QL1, nhưng tiến độ dự án đang rất ì ạch khiến mục tiêu hoàn thành công trình vào năm 2018 đang trở lên khó khả khi.

Đáng quan ngại là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) với các nhà đầu tư tham gia góp vốn gồm: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, Công ty CP Hoàng An và Công ty CP Đầu tư cầu đường CII vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục theo quy định để ký hợp đồng chính thức với Bộ GTVT. Hiện, dự án chưa ký được hợp đồng tín dụng.

Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 55km. Điểm đầu dự án tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang), điểm cuối tại nút giao với QL30 tại Km 100+750. Dự án được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư dự kiến 14.678 tỷ đồng.

Theo thông tin của Báo Giao thông, nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm trễ này do nội bộ doanh nghiệp dự án có tới 2/6 nhà đầu tư không đóng đủ số vốn chủ sở hữu theo quy định. Cụ thể, theo yêu cầu, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi phải đóng 154,28 tỷ đồng nhưng chưa góp được đồng nào. Tương tự, Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT phải góp 154,28 tỷ đồng nhưng cũng mới chỉ đóng được một nửa theo yêu cầu (77,14 tỷ đồng).

Để bù đắp phần vốn chủ sở hữu còn thiếu theo quy định, doanh nghiệp dự án đã trình Bộ GTVT phương án để Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư cầu đường CII “gánh hộ” hai nhà đầu tư BMT và Thắng Lợi với tổng số tiền lên tới 231,42 tỷ đồng, đưa tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của Tuấn Lộc lên 40% trong liên danh (617 tỷ đồng), CII chiếm 15% (231,4 tỷ đồng).

“Mấu chốt của việc dự án đến nay chưa thể ký được hợp đồng BOT chính thức do các nhà đầu tư trong liên danh đề xuất đóng hộ vốn chủ sở hữu cho nhau dẫn tới việc phải xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan về các quy định của pháp luật”, ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết.

Nhà thầu thi công để đối phó

Không chỉ chậm trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng Cửu Long (Cửu Long CIPM - đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án), công tác thiết kế và thi công của dự án đang rất ì ạch. Ông Toan cho biết, từ tháng 9/2015 đến nay, ngoài 7 gói thầu xây lắp đã triển khai trước, nhà đầu tư mới trình thẩm định hồ sơ thiết kế thi công được một gói thầu (XL08) và 5 hạng mục cầu: Nanh Cá, Bầu Giai, Rạch Chanh, An Cư và Trà Lọt. “Trong số 7 gói thầu xây lắp của dự án được triển khai trước đến nay tiến độ thi công rất cầm chừng, chủ yếu các nhà thầu bố trí lực lượng làm công tác chuẩn bị để đối phó. Giá trị ước tính khoảng 25 tỷ đồng, đạt 0,4% khối lượng của dự án”, ông Toan nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Trung Thành, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẳng định, tiến độ dự án hiện đang rất chậm. Theo ông Thành, một phần do công tác bàn giao giải phóng mặt bằng của dự án chậm, hơn nữa, doanh nghiệp dự án chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để ký hợp đồng BOT chính thức, hợp đồng tín dụng chưa được ký kết dẫn tới chưa thể triển khai đồng loạt các gói thầu.

“Đặc biệt, công tác thiết kế do nhà thầu TEDI đảm nhiệm đang thực hiện rất chậm cũng là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tiến độ của công trình”, ông Thành nói.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 21/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp với các bên liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình. Theo đó, để dự án sớm ký được hợp đồng chính thức, Thứ trưởng Nhật yêu cầu Ban PPP phối hợp với doanh nghiệp dự án khẩn trương rà soát lại các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Cục QLXD & CLCTGT sớm có văn bản đề nghị Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) hoàn thiện công tác thiết kế, nếu nhà thầu này làm chậm sẽ phải bổ sung, tăng cường thêm đơn vị khác.

Đình Quang

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bot-trung-luong--my-thuan-i-ach-sau-khoi-dong-d160803.html