BOT băn khoăn trạm thu phí tự động: Rất dễ hiểu...

27 trạm thu phí cùng được chỉ định thầu VETC đảm nhận rất dễ đưa đến tiêu cực.

Không nên áp đặt một nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí tự động

Tính đến ngày 31/8, vẫn còn hai nhà đầu tư chưa ký hợp đồng là Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn - Công ty Cổ phần Thương mại và Tư vấn đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194, đơn vị quản lý dự án BOT Cam Thịnh - Khánh Hòa.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ ký hợp đồng thực hiện thu phí không dừng, theo các nhà đầu tư hợp đồng BOT đã ký gồm 3 giai đoạn xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Sau khi đầu tư xây dựng xong con đường, giờ lại xuất hiện một bên thứ 3 không liên quan đến hợp đồng “nhảy” vào thực hiện hợp đồng BOT ở giai đoạn kinh doanh và khai thác.

Liên quan đến vấn đề minh bạch trong thu phí, khi một doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp mình (không phải cơ quan Nhà nước) đứng ra để thu và quản lý doanh thu của các trạm BOT thì khó có minh bạch.

29 trạm thu phí thuộc dự án nếu chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là Công ty TNHH thu phí tự động VETC thì liệu có đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng.

Trạm thu phí BOT QL1 tại km 604+700 xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình.

Về phía Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194, giá dịch vụ chưa được VETC lập bảng chào giá dịch vụ để hai bên có cơ sở thương thảo hợp đồng, nhà đầu tư không biết được trên cơ sở nào nhà đầu tư VETC lấy 50% phí quản lý tổ chức thu.

Nhà đầu tư BOT mong muốn nhà đầu tư VETC chuyển tiền 2 lần trong ngày thay vì 1 lần như Công ty VETC đưa ra.

Trước thông tin về sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 13/9, TS Phạm Sanh cho biết: "Tình trạng gian lận thu phí đường bộ đang ở mức báo động, nên tôi rất đồng tình với việc áp dụng thu phí tự động. Với số lượng xe rất lớn lưu thông hàng ngày và khoảng thời gian thu phí dài nếu không quản lý tốt nhà nước sẽ bị thất thoát khoản tiền cực lớn.

Để xóa đi sự gian lận trong thu phí, giải pháp hiệu quả nhất là khẩn trương xây dựng trạm thu phí tự động. Các nước trên thế giới đã xóa bỏ thu phí thủ công từ lâu và chuyển sang thu phí tự động.

Thu phí tự động không chỉ hạn chế gian lận mà còn giảm chi phí nhân lực, giảm thời gian thu phí, đặc biệt là nhà đầu tư kiểm soát được nhân viên, Nhà nước cũng kiểm soát được nhà đầu tư. Nhưng triển khai như thế nào, áp dụng ra sao thì cũng đang là bài toán đau đầu của Bộ GTVT.

Theo như dự tính 28 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sẽ được đưa vào áp dụng thu phí tự động từ tháng 7/2017, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất việc ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và VETC".

Bên cạnh đó, theo ông Sanh, ông hoàn toàn dễ hiểu cho các thắc mắc, cũng như nghi ngại của phía nhà đầu tư. Bởi vì, ngay từ đầu liên danh Tasco - VETC được Bộ GTVT chỉ định là nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí ETC vừa trúng thầu dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc giai đoạn 1.

Việc làm này là đã không hợp lý, vì đáng lẽ phải để cho nhà đầu tự họ tự mua sắm trang bị thiết bị, hoặc tự lựa chọn nhà cung cấp cho mình, chứ không nên áp đặt một nhà đầu tư cung cấp cho toàn bộ các trạm BOT.

Việc lựa chọn cần để cho chủ đầu tư có quyền quyết định theo điều kiện, khả năng của mình, còn Bộ GTVT có quyền kiểm duyệt, giám sát chất lượng. Còn việc chỉ định thầu, lại chỉ có một đơn vị VETC thực hiện thu phí thì các chủ đầu tư BOT có quyền đặt câu hỏi nghi ngờ.

"Đúng ra Bộ GTVT chỉ có thể sửa hợp đồng yêu cầu chủ đầu tư chuyển từ thu phí thủ công sang tự động, còn làm thế nào chủ đầu tư sẽ tự đưa lên phương án, rồi lựa chọn nhà thầu, vì hiện nay thị trường rất nhiều thiết bị, nhiều nhà thầu cung cấp.

Bộ GTVT muốn liên kết lại thì nên đưa ra các tiêu chuẩn, để chủ đầu tư sắm thiết bị theo tiêu chuẩn đó. Còn muốn có phần mềm nối kết tất cả các trạm thu phí nhà nước thì nghiên cứu, đề xuất với chủ đầu tư. Chứ chỉ định nếu sau này số liệu không chính xác thì lại đổ thừa cho Bộ không minh bạch là rất khó.

Đặc biệt, VETC sẽ làm khó Bộ GTVT, như vừa qua họ đưa ra hàng loạt yêu cầu, điều kiện, như mới đây, Liên danh Tasco- VETC đã yêu cầu phải bổ sung 15 triệu USD vào tổng mức đầu tư Dự án nếu muốn hoàn thành việc lắp đặt xong thiết bị không dừng tại 28 trạm thu phí trước 1/7/2016", ông Sanh phân tích.

Thu phí tự động vẫn có gian lận?

Giải thích cho việc 25 trạm đồng tình ký kết, chỉ có 2 trạm phản đối, theo vị chuyên gia trên, ở đây sẽ có sự nể nang, có sự quen biết, hoặc có sự móc ngoặc ở đây.

Bộ GTVT sau lần này cần thống nhất lại, có thể tách ra việc thu phí là một nhà thầu khác, để cung cấp thiết bị, phải qua đấu thầu công khai cho chủ đầu tư chọn, chỉ quy định chung một công nghệ, phải đảm bảo đáp ứng. Ở các nước khác hiện nay cũng thực hiện như vậy, nó sẽ tránh được đụng chạm.

"Nếu độc quyền nhà cung cấp, thì có thể sửa phần mềm thu phí tự động rất dễ dàng, nên chủ đầu tư hoàn toàn móc ngoặc được với nhà cung cấp.

Bởi thu phí tự động là bằng dữ liệu camera và quẹt thẻ, nếu họ sửa phần mềm là sẽ không thấy, nhưng cần phải có sự giám sát của Bộ GTVT, còn nếu thả lỏng, dù thiết bị hiện đại của Mỹ cũng chịu thua, sẽ có tiêu cực", ông Sanh nhận định.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bot-ban-khoan-tram-thu-phi-tu-dong-rat-de-hieu-3343016/